Bảo lưu kết quả học đại học, chàng trai bỏ phố về quê viết đơn xin nhập ngũ

GD&TĐ - Sau 4 lần viết đơn tình nguyện và bền bỉ nỗ lực, Cà Văn Long mới “hiện thực hóa” được ước mơ từ thuở nhỏ. Em khát khao khoác lên mình chiếc áo lính, để được cống hiến “tuổi trẻ” cho Tổ quốc thân thương.

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên, Ban Chỉ huy quân sự xã Thanh An đến thăm hỏi, động viên tân binh Lò Ngọc Trung trước ngày nhập ngũ.
Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên, Ban Chỉ huy quân sự xã Thanh An đến thăm hỏi, động viên tân binh Lò Ngọc Trung trước ngày nhập ngũ.

Nghe theo “tiếng gọi” con tim

Trong tiết trời ấm áp đầu Xuân Nhâm Dần, chúng tôi cùng cán bộ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đến thăm gia đình tân binh Cà Văn Long (SN 2000). Trong số hàng chục thanh niên xã Thanh An nhập ngũ lần này, Long là trường hợp đặc biệt bởi sự kiên gan của mình.

Trải qua 4 lần viết đơn tình nguyện, với hàng nghìn ngày chờ đợi, nỗ lực cố gắng, Long mới “hiện thực hóa” được ước mơ trở thành lính cụ Hồ. Khác hẳn với tâm lý lo lắng, hồi hộp như nhiều thanh niên khác, thời điểm này Long đang rất háo hức chờ ngày lên đường nhập ngũ.

“Em mơ ước đi bộ đội từ nhỏ. Ngay khi đủ tuổi là em đã viết đơn tình nguyện rồi. Nhưng vì thể lực yếu, sức khỏe không đạt nên em bị lỡ hẹn 3 năm liền. Đến lần này em dồn hết quyết tâm, chuẩn bị tốt cả về thể chất, sức khỏe và tư tưởng nên mới thành công. Em phấn khởi lắm!”, Long bộc bạch.

Cũng theo chia sẻ này của Long thì việc nhập ngũ hoàn toàn do em tự quyết theo “trái tim mách bảo”, mà không chịu tác động của bất cứ ai. Long lý giải, vì em không muốn tuổi trẻ của mình trôi qua “vô nghĩa” nên chọn cách nhập ngũ để được cống hiến cho Tổ quốc.

Lãnh đạo địa phương kiểm tra điều kiện ăn, ở của tân binh trong ngày đầu về đơn vị.
Lãnh đạo địa phương kiểm tra điều kiện ăn, ở của tân binh trong ngày đầu về đơn vị.

“Em hy vọng, việc rèn luyện trong quân ngũ sẽ giúp mình trưởng thành hơn để tự tin vươn lên lập thân, lập nghiệp. Em tin mình sẽ vượt qua thử thách này và mong muốn sẽ được gắn bó lâu dài trong quân đội”, Long nói.

Không có được gia đình đủ đầy như Long, Lò Ngọc Trung (SN 2003), tại thôn Chiềng An, xã Thanh An, huyện Điện Biên sớm chịu nhiều thiệt thòi do bố mẹ ly hôn. Hoàn cảnh khó khăn nên vừa học hết lớp 9, em phải nghỉ để đi làm thuê ở Hà Nội.

Gấp lại bộ quân phục còn thơm mùi vải mới vừa được Ban CHQS huyện Điện Biên cấp, Trung tâm sự: “Em nuôi khát khao khoác lên mình chiếc áo lính từ khi còn là một đứa trẻ. Bởi vậy, năm 2021, khi vừa đủ tuổi em đã bỏ công việc làm thuê trở về viết đơn tình nguyện nhập ngũ”.

Xác định cậu con trai lớn vào quân ngũ, mọi công việc, “gánh nặng” gia đình sẽ dồn lên “vai” mình, nhưng mẹ Trung – bà Lò Thị Yêu vẫn hết lòng ủng hộ, động viên con yên tâm nhận nhiệm vụ.

“Đây là mong ước lớn nhất của Trung. Từ nhỏ cháu đã chịu khổ nhiều rồi, tôi là mẹ không giúp được gì cho con thì giờ chỉ biết động viên con hoàn thành ước mơ. Chỉ mong cháu cố gắng rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà đơn vị giao”, bà Yêu giãi bày.

Ban CHQS huyện Tủa Chùa kiểm tra sức khỏe tân binh.
Ban CHQS huyện Tủa Chùa kiểm tra sức khỏe tân binh.

Vững tin lên đường

Khác với Long, Trung, Cầm Minh Tuấn (20 tuổi) trú tại bản Púng Pon, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ có điều kiện thuận lợi hơn khi thi đỗ vào Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Thế nhưng, để “hiện thực hóa” giấc mơ quân ngũ, em quyết định tạm gác việc học khi đang dở chương trình năm thứ 2..

Bảo lưu kết quả, Tuấn trở về địa phương viết đơn nhập ngũ trong sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè. Tuấn cho rằng, mỗi thanh niên, trước khi nghĩ cho bản thân, gia đình, thì cần thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Đây cũng là niềm tự hào của mỗi người.

“Đặc biệt hơn, em lại là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Trách nhiệm này, em cảm nhận được từ những thước phim lịch sử, những lần tham quan di tích chiến trường xưa. Em thấy, quân đội chính là trường học lớn mà chúng em cần được rèn luyện, thử thách”, Tuấn nói.

Theo ông Lường Văn Hải, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thanh An, những năm qua, việc giáo dục truyền thống cho thanh niên địa phương đã được chính quyền và các lực lượng, tổ chức đoàn thể quan tâm chú trọng.

“Việc tổ chức tham quan các điểm di tích để tạo dựng lòng yêu nước, tự tôn dân tộc sẽ giúp thanh niên thấy được trách nhiệm của mình, có thêm quyết tâm cống hiến. Vì thế, số lượng thanh niên viết đơn tình nguyện ngày một nhiều hơn và chiếm phần lớn trong tổng số nhập ngũ hàng năm”, ông Hải cho hay.

Còn theo Thượng tá Phùng Đình Nguyện, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Điện Biên, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn phụ trách từng xã. Mục đích là để nắm bắt tâm tư, tình cảm; sức khỏe, hoàn cảnh của từng tân binh, nhất là những gia đình khó khăn.

“Từ đó, chúng tôi tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm lên đường nhập ngũ. Đến nay, 100% thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ đều có tư tưởng vững vàng, sẵn sàng lên đường”, Thượng tá Nguyện cho hay.

Đại tá Lại Mạnh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho biết thêm: Do thực hiện tốt “tròn khâu” trong công tác tuyển quân, nên chất lượng tân binh những năm gần đây tại địa phương ngày một gia tăng. Năm 2022, có hơn 40 đảng viên nhập ngũ, trên 140 công dân là con cán bộ, đa phần đều viết đơn tình nguyện.

“Mỗi trường hợp công dân tình nguyện viết đơn nhập ngũ đều được chính quyền tặng Giấy khen cùng quà. Đây không chỉ là việc làm thể hiện sự quan tâm của các cấp, mà còn là nguồn động viên, khích lệ, giúp tân binh củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước, tự tin và vững vàng tâm lý trong mọi điều kiện, hoàn cảnh”, Đại tá Hùng chia sẻ.

Năm 2022, Điện Biên được giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi trên 1.000 thanh niên nhập ngũ vào các đơn vị quân đội và công an, gồm: Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Trung đoàn 82, Quân khu 2 và Công an tỉnh. Hiện nay, 100% thanh niên đã sẵn sàng các điều kiện tham gia ngày hội tòng quân diễn ra vào 20/2 tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ