Bạo lực vì xúc phạm tôn giáo

GD&TĐ - Vụ đốt kinh Koran chính là lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển trong suốt thời gian qua.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hàng trăm người biểu tình Iraq xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm thủ đô Baghdad ngày 20/7 và phóng hỏa tòa nhà, nhằm phản đối việc cảnh sát Thụy Điển cho phép cuộc tụ tập có hoạt động đốt kinh Koran tại Stockholm.

Đây là vụ biểu tình và bạo lực mới nhất nổ ra tại những quốc gia Hồi giáo khi cuốn sách kinh linh thiêng nhất của các tín đồ đạo Hồi bị xúc phạm ở phương Tây. Những người biểu tình Iraq đã lao vào khuôn viên sứ quán Thụy Điển trong sự giận dữ và hô vang các khẩu hiệu tôn giáo.

Vụ việc khiến giới chức Iraq phải huy động lực lượng cảnh sát chống bạo động để đối phó, đồng thời lên án các vụ tấn công nhằm vào những cơ sở ngoại giao nước ngoài. Chính phủ Thụy Điển cũng chỉ trích vụ tấn công và cho rằng vụ việc này đã cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna về ngoại giao quốc tế.

Ngòi nổ kích động các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad chính là thông tin cảnh sát Thụy Điển đã chấp thuận đơn đăng ký tổ chức cuộc tụ tập ở bên ngoài Đại sứ quán Iraq ở Stockholm vào ngày 20/7. Đáng chú ý trong đơn này cho biết người biểu tình có thể sẽ đốt những cuốn kinh Koran và quốc kỳ Iraq để thể hiện quan điểm chính trị.

Người tổ chức cuộc biểu tình gây tranh cãi nói trên ở Stockholm là Salwan Momika, một người tị nạn Iraq ở Thụy Điển. Trước đó, người này đã từng đốt bản sao kinh Koran trước nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm vào ngày 28/6, đúng thời điểm diễn ra lễ Eid-al-Adha của hàng triệu tín đồ Hồi giáo trên thế giới.

Vụ đốt kinh Koran hồi cuối tháng 6 tại Thụy Điển vào thời điểm nhạy cảm nói trên đã khiến các quốc gia Hồi giáo và các tổ chức Hồi giáo nổi giận. Hai nước Iran và Kuwait gọi đây là hành động “khiêu khích”, trong khi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Liên đoàn Ả Rập (AL) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đều bày tỏ sự phản đối kịch liệt hành động này.

Vụ việc tiếp tục căng thẳng khi vào đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian cho biết ông tạm dừng việc cử đại sứ mới tới Thụy Điển để phản đối vụ đốt kinh sách. Bộ Ngoại giao Iran sau đó đã triệu tập Đại biện lâm thời của Thụy Điển tại Tehran tới để lên án vụ việc.

Cũng tại Thụy Điển hồi tháng 1 vừa qua, một vụ đốt kinh Koran cũng diễn ra gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã lên án mạnh mẽ vụ việc, đồng thời tuyên bố hành động xúc phạm quyển kinh của người Hồi giáo sẽ cản trở nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.

Trên thực tế, vụ đốt kinh Koran chính là lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển trong suốt thời gian qua. Theo quy định của khối quân sự này, chỉ cần một thành viên của NATO như Thổ Nhĩ Kỳ chưa phê chuẩn thì đơn xin gia nhập của một nước ứng viên sẽ bị treo lại.

Phải tới ngày 10/7 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới có thể thông báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đồng ý chuyển đơn xin gia nhập của Thụy Điển cho Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, mở đường để quốc gia Bắc Âu tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành thành viên thứ 52 của NATO.

Dù đã có những tiến triển nhưng rõ ràng hành động cho phép đốt kinh Koran trong các cuộc biểu tình ở Stockholm đã trở thành vật ngáng đường làm chậm lại kế hoạch gia nhập NATO của Thụy Điển, trong bối cảnh nước này ngày càng lo ngại về an ninh kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Đầu cơ hay để ở?

GD&TĐ - Đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên sẽ là xu hướng tất yếu không chỉ riêng tại nước ta.