Bạo lực sau va chạm giao thông: Xử nghiêm để răn đe, giáo dục

GD&TĐ - Sử dụng bạo lực sau va chạm giao thông sẽ phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Công an huyện Giao Thủy lấy lời khai của Phạm Ngọc Tuân.
Công an huyện Giao Thủy lấy lời khai của Phạm Ngọc Tuân.

Vụ việc hai anh em ở Nam Định “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” để giải quyết mâu thuẫn giao thông bị cơ quan chức năng tạm giữ là bài học đắt giá, tiếng chuông cảnh tỉnh giáo dục văn hóa giao thông.

Vết trượt từ hành vi côn đồ

Những ngày đầu năm 2025, liên tiếp xảy ra các vụ việc giải quyết mâu thuẫn giao thông bằng bạo lực, gây rối trật tự công cộng dẫn tới ảnh hưởng tài sản, sức khỏe của người dân. Ngày 1/2, mạng xã hội lan truyền đoạn clip nam tài xế bị một nhóm người tấn công dù đang ngồi trong ô tô. Công an huyện Giao Thủy (Nam Định) đã chỉ đạo Công an thị trấn Giao Thủy có mặt ngay tại hiện trường để xác minh thông tin và điều tiết giao thông.

Công an xác định: Hai người hành hung lái xe Vũ Đức Th. (SN 1987, trú tại tỉnh Quảng Ninh) là Phạm Ngọc Tuân (SN 1980) và Phạm Văn Tuyên (SN 1982) cùng quê ở huyện Giao Thủy (Nam Định). Bước đầu cơ quan chức năng làm rõ, Phạm Ngọc Tuân điều khiển xe ô tô BKS 18A-01872 chở theo vợ đi từ hướng Cống Cồn Nhất (xã Hồng Thuận) về thị trấn Giao Thuỷ theo đường tỉnh lộ 489 để đi Hà Nội (không đi qua phà Cồn Nhất).

Anh Vũ Đức Th. điều khiển xe ô tô BKS 14A- 901xx đi từ hướng Cống Cồn Nhất (xã Hồng Thuận) sang Thái Bình. Khi đến gần phà Cồn Nhất, các phương tiện đang xếp hàng bên phải đường để đợi qua phà thì xảy ra mâu thuẫn giữa anh Vũ Đức Th. và Phạm Ngọc Tuân.

Sau đó, Tuân liên lạc cho em trai là Phạm Văn Tuyên. Tuyên và một người bạn đi xe máy đến khu vực phà, sau khi lời qua tiếng lại đã xảy ra xô xát. Phạm Ngọc Tuân dùng tay tát lái xe. Phạm Văn Tuyên lao người qua ô cửa kính bên lái dùng tay, chân tấn công anh Th. Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, ngày 2/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Giao Thủy đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Văn Tuyên, Phạm Ngọc Tuân về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Trước đó, dư luận “dậy sóng” khi mạng xã hội chia sẻ một đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông cao tuổi hành hung một thanh niên sau va chạm giao thông trên địa bàn xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội). Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an huyện Thạch Thất đã đến hiện trường, điều tra, xử lý vụ việc. Mặc dù có lực lượng công an, người đàn ông lớn tuổi vẫn hung hăng và liên tục “nổ” quen biết rộng.

Cơ quan chức năng xác định, vào ngày 22/1, trên địa bàn xã Thạch Hòa đã xảy ra vụ xô xát giữa ông Nguyễn Huy Văn (cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất) và anh Trần Hồng Th. (Tân Sơn, Phú Thọ). Vụ việc xảy ra khiến anh Th. bị thương và người hành hung anh là ông Văn.

Ngày 5/2, trao đổi với báo chí, ông Triệu Tiến Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thạch Thất cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Huy Văn về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

bao-luc-sau-va-cham-giao-thong-xu-nghiem-de-ran-de-giao-duc-2.jpg
Hình ảnh người đàn ông tên Nguyễn Huy Văn (bên phải). Ảnh cắt từ clip

Nghiêm trị để giáo dục, hạ nhiệt “đầu nóng”

Liên quan đến các vụ việc trên, dưới góc độ pháp luật, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, hành vi đánh người nơi công cộng không chỉ là hành vi cố ý gây thương tích, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân mà còn là hành vi gây rối trật tự công cộng, gây ra sự mất an ninh trật tự, an toàn công cộng.

Theo luật sư Cường, người nào gây rối trật tự công cộng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt hành chính (Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP) cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng.

Trường hợp gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với chế tài là bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

“Phạm tội trong các trường hợp có tổ chức, dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng, xúi giục người khác gây rối, hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng, tái phạm nguy hiểm... thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù…”, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Trở lại vụ việc ông Nguyễn Huy Văn - cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất hành hung lái xe như đã nêu, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với diễn biến sự việc qua clip cho thấy người đàn ông lớn tuổi thể hiện ý thức coi thường pháp luật, nhiều lần hành hung gây thương tích cho thanh niên gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đáng chú ý là người này vừa đánh người vừa khoe có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo cấp trên nên việc xem xét xử lý hình sự là có căn cứ và cần thiết.

“Đây là cái giá rất đắt phải trả cho hành vi côn đồ, hung hãn khi tham gia giao thông…”, luật sư Cường nói.

Để hạn chế hành vi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực khi xảy ra va chạm giao thông, chuyên gia văn hóa PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức về Luật Giao thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

“Các đơn vị, trường học đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Luật Giao thông, giáo dục nâng cao ý thức văn hóa khi tham gia giao thông. Ngoài việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật để bảo vệ bản thân, mỗi người dân cũng cần giữ thái độ văn minh, lịch sự nếu không may sự cố giao thông xảy ra…”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Vai trò trụ đỡ

GD&TĐ - Năm 2024 ngành Nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn và khẳng định được vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế.