Báo động vẹo cột sống bẩm sinh

GD&TĐ - Bệnh vẹo cột sống bẩm sinh là khiếm khuyết về độ cong ở mặt phẳng đứng ngang của cột sống lúc mới sinh. Tỷ lệ là 1/10.000 trẻ sơ sinh và ít gặp hơn so với các loại vẹo cột sống xuất hiện ở tuổi vị thành niên.

Thông thường, khi trẻ bị vẹo cột sống, hai bên bả vai sẽ có sự chênh lệch cao thấp.
Thông thường, khi trẻ bị vẹo cột sống, hai bên bả vai sẽ có sự chênh lệch cao thấp.

Cột sống cong bất thường

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh - bác sĩ chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh cong vẹo cột sống bẩm sinh là khiếm khuyết về độ cong ở mặt phẳng đứng ngang của cột sống lúc mới sinh.

Trẻ bị cong vẹo cột sống bẩm sinh đôi khi còn có các dị tật đi kèm khác như bất thường ở thận hoặc bàng quang. Hình dạng cột sống trẻ phát triển và biến đổi theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, mức độ cong tự nhiên trong từng giai đoạn vẫn nằm trên một đường thẳng nhất định liền mạch của toàn cột sống từ cổ xuống hết xương cùng cụt.

Theo bác sĩ Minh, trong giai đoạn phôi thai, cột sống sẽ có hình vòm cong. Sau khi chào đời, cột sống của trẻ chuyển từ vòm cong sang thẳng. Khi trẻ biết ngẩng cao đầu và tập lẫy, cổ bắt đầu cong ra phía trước để nâng đầu lên và tạo thành đường cong ở cổ.

Khi trẻ tập ngồi, cột sống uốn cong ra phía trước ở vùng thắt lưng và cong ra sau ở vùng cùng - cụt để giữ thân thẳng đứng. Khi trưởng thành, cột sống có hai đoạn cong uốn về phía trước là cổ và thắt lưng, hai đoạn cong uốn về phía sau là ngực và cùng – cụt.

“Vẹo cột sống bẩm sinh là tình trạng cột sống cong bất thường, các đường cong bị xô lệch đẩy qua phía bên trái hoặc bên phải của xương sống thẳng. Thông thường, khi nhìn từ phía sau, những bệnh nhân bị dị tật cột sống bẩm sinh có hình dạng cột sống nghiêng bất thường sang một bên.

Xương sống được xem là phần xương chủ lực và rất quan trọng của cơ thể. Do đó, từ khi hình thành trong bào thai, xương sống đã được định hình và phát triển rõ ràng”, chuyên gia cho biết.

Dị tật bẩm sinh được gây ra do các tác động của người mẹ khi mang thai hoặc yếu tố di truyền bẩm sinh. Ví dụ, khi người bố hoặc mẹ bị vẹo cột sống bẩm sinh, nguy cơ lây truyền cho con là rất cao. Bởi, con bị ảnh hưởng bởi nguồn gen di truyền này.

Bên cạnh đó, các yếu tố phát sinh trong quá trình mang thai cũng có thể khiến trẻ vẹo cột sống bẩm sinh. Khi người mẹ mang thai, việc bào thai phát triển quá nhanh không thích ứng kịp với kích thước bụng sẽ khiến cơ thể của trẻ bị chèn ép. Khi đó, phần xương sống sẽ phát triển vẹo, lệch.

Hoặc, người mẹ tiếp xúc với các loại chất độc hại, thuốc hoặc ăn thực phẩm gây nguy cơ dị tật thai nhi cũng có thể là nguyên nhân. Ngoài ra, một số trường hợp trẻ có cấu tạo xương sống bất thường bẩm sinh. Hoặc, cấu tạo não và tủy sống không bình thường cũng khiến cột sống cong vẹo.

Phân loại vẹo cột sống bẩm sinh

Việc sớm nhận biết được những dấu hiệu của dị tật vẹo cột sống bẩm sinh có tác dụng quan trọng trong việc điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm khi để quá lâu. Nếu cha mẹ thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, hãy đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị - 
Bác sĩ Phạm Văn Minh.

Bác sĩ Phạm Văn Minh cho biết, một trong những hình thái vẹo cột sống bẩm sinh là hình thành không đầy đủ các đốt sống. Cột sống hình thành trước khi trẻ chào đời. Do đó, một phần của một (hoặc nhiều) đốt sống có thể không được hình thành hoàn chỉnh.

Khi điều đó xảy ra, các bất thường được gọi là tật nửa đốt sống. Tình trạng này có thể tạo thành một góc gù vẹo ở cột sống. Góc vẹo có thể diễn tiến trầm trọng hơn khi trẻ lớn lên.

Bất thường này có thể xảy ra với một hoặc nhiều đốt sống khác nhau trên toàn bộ chiều dài cột sống. Khi có nhiều hơn một đốt sống bị tật, các đốt sống này có thể sẽ bù trừ cho nhau. Từ đó, giúp cột sống cân đối hơn.

Bên cạnh đó, một số trẻ gặp tình trạng các đốt sống phân chia không hoàn chỉnh. Bác sĩ Minh giải thích, trong quá trình thai nhi phát triển, hình thái cột sống đầu tiên là một cột liên tục duy nhất. Sau đó, cột này sẽ tách thành các đoạn và trở thành các đốt sống.

Việc tách không hoàn chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng dính một phần hay toàn bộ của hai hoặc nhiều đốt sống. Tình trạng này sẽ ngăn sự phát triển cột sống từ một bên sau khi trẻ ra đời. Đồng thời, khiến mức độ vẹo cột sống tăng dần khi trẻ lớn lên.

Ngoài ra, sự kết hợp giữa dính cột sống và tật nửa đốt sống cũng gây ra vấn đề nghiêm trọng cho việc phát triển cột sống. Trong những trường hợp này, trẻ có thể cần được phẫu thuật sớm để ngăn chặn sự tăng độ vẹo của cột sống.

“Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có những kiểm tra từ bên ngoài hoặc tiến hành chụp X quang nếu nghi ngờ bé có dấu hiệu cong vẹo dị tật cột sống bẩm sinh”, bác sĩ Minh chia sẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ sơ sinh không được phát hiện.

Khi đó, phụ huynh cần lưu ý tới những dấu hiệu cụ thể để đưa trẻ đi kiểm tra. Trước hết, phụ huynh cần chú ý phần bả vai của trẻ. Bởi, thông thường, khi trẻ bị vẹo cột sống, hai bên bả vai sẽ có sự chênh lệch cao thấp nhất định khác nhau. Sự chênh lệch này tùy thuộc vào độ lệch vẹo của xương sống. Các đoạn lệch vẹo nghiêng về phía bên nào thì bả vai phía bên đó sẽ thấp hơn.

“Khi chú ý phần hông của trẻ, sẽ thấy một bên cao và một bên thấp hơn, các lằn xương sườn hằn ra phía ngoài da không đồng đều (một bên lồi hẳn ra và một bên không lồi). Khi nhìn tổng thể lưng từ phía sau sẽ phát hiện cột sống không theo đường thẳng nhất định mà có những đoạn cong bất thường.

Các đốt sống gồ cao lên hoặc bị xoáy vặn theo nhiều kiểu khác nhau. Trong một số trường hợp, hai đường hõm vào hai bên của phần eo sẽ hoàn toàn khác nhau”, bác sĩ Minh lý giải.

Ngoài ra, trong trường hợp bị lệch xương sườn nặng do không phát hiện kịp thời, cơ thể sẽ bị nghiêng hẳn sang một bên. Với một số trường hợp, cổ bị kéo lệch sang bên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ