(GD&TĐ) - Theo thống kê, trong tổng số 1.310 trẻ em bị tai nạn thương tích khiến 15 em bị tử vong trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh Kon Tum thì có tới 11 em tử vong do đuối nước. Và ngay đầu hè năm 2013 này, trên địa bàn tỉnh có 2 em nhỏ chết thương tâm cũng do đuối nước. Cái chết của các em một lần nữa gióng lên hồi chuông trong công tác bảo vệ trẻ trước hiểm họa sông nước.
Tử vong do thiếu kỹ năng bơi lội
Dù sự việc xảy ra đã gần 1 tháng nhưng đến nay, nhiều người dân ở phường Lê Lợi, TP Kon Tum vẫn chưa hết xót xa khi nhớ lại cái chết thương tâm của em Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 2002), học sinh 5, Trường TH Lê Lợi (TP Kon Tum). Nhắc đến cái chết của cậu con trai mới 11 tuổi, chị Thơm – mẹ của Nhân nghẹn ngào: Sau môn thi buổi sáng kết thúc đợt thi cuối năm lớp 5, chuẩn bị chuyển cấp lên lớp 6, đầu giờ chiều Nhân ôm sách vở để ở lớp rồi cùng một số bạn đi bộ xuống cuối bờ kè sông Đăk Bla tắm mát. Bỏ dép, áo quần trên bờ, cậu xuống tắm trước. Vừa bước xuống sông, trúng đoạn nước xiết, Nhân chới với, chìm dần giữa dòng nước. Đám bạn chưa kịp nhảy xuống, sợ quá hét toáng lên kêu cứu, 2 người dân làm đồng ở gần đến giúp nhưng không tìm được.
“Nhà có 3 chị em, Nhân là con thứ hai. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, chồng tôi thì làm thợ xây, tôi thì phụ hồ nên đi vắng suốt ngày. Mỗi lần nghe có trường hợp nào chết do đuối nước, tôi đều về kể, dặn dò các con tránh xa các ao hồ, sông suối. Ai ngờ cơ sự xảy ra thế này, biết vậy, tôi chẳng đi làm lụng gì, chỉ ở nhà giữ con thôi” - chị Thơm tâm sự.
Sau trường hợp của cậu bé Nhân, đầu tháng 6 này, một học sinh lớp 7, nhà ở đường Ure (TP Kon Tum) lại bị đuối nước khi đi tắm sông ở Quảng Nam. Nghỉ hè, cả gia đình em về thăm quê, trời nắng nóng nên đi tắm và không may sảy chân đuối nước. Nghe hung tin, bà con lối xóm ai cũng xót thương cho cậu bé ngoan hiền này…
Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH, Sở Y tế, năm 2012, toàn tỉnh có 1.310 trẻ em bị tai nạn thương tích khiến 15 em bị tử vong, trong đó 11 em tử vong do đuối nước, 4 em tử vong do tai nạn giao thông. Như vậy, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật cho trẻ em, đặc biệt là vào dịp hè.
Đào tạo kỹ năng, mở rộng điểm vui chơi an toàn
Trước thực trạng liên tục xảy ra đuối nước gây tử vong ở trẻ em, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội thì một vấn đề cấp thiết được đặt ra là cần phải quan tâm giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh các nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên dẫn đến trẻ đuối nước chủ yếu do không biết bơi, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ bộn bề với công việc, chủ quan trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ; bản thân trẻ cũng chủ quan (vì nhiều em biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước), chưa lường hết hiểm họa sông nước; cộng đồng và người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị tai nạn này…
Như tâm sự của chị Thơm, mẹ cậu bé Nhân vừa bị đuối nước, cả ba đứa con của chị đều không biết bơi, cách phòng ngừa duy nhất của chị (mà chắc chắn cũng là của rất nhiều bậc làm cha, làm mẹ khác hiện nay) là dặn dò con tránh xa ao hồ, sông suối. Tuy nhiên, với bản tính hiếu động, ham vui của con trẻ, đặc biệt là các bé trai, những lời dặn dò của người lớn, những lời dạy của cô giáo trong các bài giảng… dường như trở nên vô nghĩa!
Thực tế hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh chưa có trường nào có hồ bơi và dạy bơi cho học sinh cả trong tiết học giáo dục thể chất và các hoạt động ngoại khóa do khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu đất, thiếu kinh phí… Bởi vậy, đa phần trẻ em, đặc biệt trẻ em ở thành thị không biết bơi. Một số phụ huynh ở TP Kon Tum có nhu cầu cho con đi học bơi trong dịp hè này đã tìm đến hồ bơi tư nhân Phú Gia. Tuy nhiên, cũng có người lo ngại quy mô hồ bơi nhỏ, lượng người học đông nên chất lượng nước không bảo đảm, mức phí cao nên đây chỉ mới là điểm đến của con nhà khá giả …
Nguyên Phúc