Không chỉ có nam sinh nói bậy, mà ngày nay mức độ văng tục, chửi thề của các bạn nữ sinh cũng đang ở mức báo động. Trên mạng xã hội, nhiều tín đồ của nói tục, chửi bậy lập những fanpage như: “Hội những người thích chửi láo”, “Hội những người thích chửi thề”, “cẩm nang chửi bậy”,...với lượng thành viên lên đến hàng ngàn người.
“Choáng” với ngôn ngữ của trẻ
Chị Thu Hà (Đống Đa – Hà Nội) lo lắng: “Hôm vừa rồi vô tình nghe được cậu con trai học lớp 7 dùng những từ ngữ khó nghe khi giao tiếp với bạn bè khiến tôi lo ngại quá. Mặc dù con trai vẫn chưa có biểu hiện vô lễ với người lớn, nhưng tôi rất lo, nếu không uốn nắn từ sớm thì con rất dễ trở thành thói quen, lớn lên chút nữa, ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ có thể sẽ “tự do” văng tục cả ngày. Thậm chí con trai sẽ thô lỗ, cộc cằn, cáu giận, bực tức vô cớ với cả những sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Tò mò, chị còn vào facebook của con, chị Hà buồn hơn khi con tham gia cả vào “Hội những người thích chửi láo”, và con chị là một trong những fan tham gia bình phẩm với lời lẽ khiến chị choáng. Mặc dù ngôn ngữ “Hội những người thích chửi láo” đã được viết tắt đi nhiều nhưng chị vẫn không thể tin được giới trẻ bây giờ dùng những ngôn ngữ đến đáng sợ.
Thực tế đã có rất nhiều cha mẹ phản ánh về việc con cái của họ dù đang còn rất nhỏ nhưng thường xuyên nói tục, thậm chí là chửi bậy “như người lớn”.
Chị Lê Minh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái tôi năm nay mới học lớp 6 nhưng có hai phong cách nói chuyện trái ngược nhau: Gặp bố mẹ, thầy cô thì ăn nói lịch sự, lễ phép, gặp bạn bè thì thường xuyên dùng những từ lóng để chửi thề như một cách thể hiện… đẳng cấp và thân mật. Một hôm đón con ở cổng trường, vô tình khi thấy con phát ngôn ra những lời lẽ khó nghe như: “Con kia ngu, đ. biết gì”; “Bọn chó đấy không thể tin nổi” với bạn bè, tôi tỏ ra khó chịu và nhắc nhở, thế nhưng bé xem đó là ngôn ngữ giao tiếp bình thường. “Bọn con vẫn thường nói với nhau thế mà!”.
Chị Ngọc chết lặng người vì nhận ra rằng nguyên nhân một phần khiến cho cô con gái đang tuổi phát triển về ngôn ngữ và nhận thức của mình có lẽ ảnh hưởng khá nhiều từ mẹ, từ những ngôn ngữ và cách nói có phần thô tục. Là người làm kinh doanh tự do nên đôi khi những ngôn ngữ chợ búa đã ăn sâu vào lối nói của chị và trở thành thói quen. Chính thói quen không tốt trước mặt con đã trực tiếp tác động đến nhận thức và làm con cái bắt chước.
Cần có cách giáo dục phù hợp
Ngày nay, khi mạng xã hội với tốc độ thông tin lan truyền một cách chóng mặt, cũng là lúc “căn bệnh” này lan truyền nhanh gấp vạn lần. Dạo một vòng quanh các trang mạng như facebook, nhìn thấy những điều chướng mắt khi các bạn trẻ văng tục, chửi nhau tràn lan. Chỉ cần một câu nói của người bạn trên facebook không vừa ý, trái quan điểm, thay vì cùng tranh luận văn minh, lịch sự, họ hùa vào chửi rủa một cách rất thậm tệ, phản cảm.
Theo khảo sát số học sinh có hành vi lệch chuẩn đang tăng lên cả về số lượng và mức độ, trong đó có nhiều hành vi đáng báo động như quấy rối, làm mất trật tự trường lớp, nói dối, văng tục, không làm bài tập... Mặc dù nhiều nhà trường đã quy định tuyệt đối cấm học sinh nói bậy chửi thề, nhưng trên thực tế rất khó tìm một trường nào không có học sinh chửi thề.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Thị Huệ, Giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐHSP Hà Nội phân tích: “Giới trẻ ngày nay sống và giao tiếp rất thoải mái, các em muốn khẳng định mình, cho mình là người lớn nên mọi ứng xử trong đời sống đều đến một cách tự nhiên, không cần phải tuân theo nguyên tắc văn hóa nào cả”.
Nếu để ý một chút thì thấy việc dùng những từ đệm thiếu văn hóa đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của không ít cá nhân. Nói chuyện theo cách này vẫn được cho là bình thường và rất phổ biến.