Về vấn đề này, ngày 12-12, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội.
Người dân đang rất lo lắng về nguy cơ hỏa hoạn tại các chợ, phải chăng công tác phòng cháy đang bị lơ là?
- Qua các đợt kiểm tra cho thấy, các khu chợ loại 2 trên địa bàn hầu hết tiềm ẩn nguy cơ cháy cao vì đây là những khu chợ được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp. Các chợ này thường có hồ sơ thẩm duyệt về PCCC từ những năm trước, đã không còn phù hợp với hiện tại.
Những hạng mục về PCCC tại các chợ này đều kém hiệu quả, thậm chí không còn hoạt động được nữa. Trong khi đó, các BQL chợ lại không chú trọng đầu tư nâng cấp thiết bị về an toàn phòng cháy và đặt ra những quy định nghiêm ngặt về công tác này đối với tiểu thương.
Nguyên nhân chính dẫn đến hỏa hoạn liên tiếp do đâu, thưa ông?
- Chủ quan và không tuân thủ quy định về an toàn PCCC là nguyên nhân đầu tiên gây ra hỏa hoạn. Ví dụ, quy định nêu rõ, khoảng cách giữa các gian hàng bày bán vật liệu dễ cháy và nơi sử dụng lửa trần phải cách xa nhau.
Nhưng nhiều chủ kinh doanh đã vi phạm quy định này. Nhiều khi hàng ăn uống và kinh doanh vải vóc, hàng mã lại sắp xếp gần nhau. Điển hình như vụ hỏa hoạn xảy ra tại chợ Nhật Tân vừa qua.
Đây là khu chợ xếp loại 2 nhưng điều kiện về an toàn PC&CC đã không đảm bảo đúng quy định. Nghiêm trọng hơn, khi xảy ra vụ cháy, đội chữa cháy cơ sở đã vắng mặt!
Đáng nói, hệ thống họng nước tại khu vực chợ có nhưng hoạt động kém hiệu quả, nhiều nơi đã bị tiểu thương bày hàng che kín, xe không thể tiếp cận để tiếp nước chữa cháy...
Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy chợ và nhiều vụ cháy khác, nguyên nhân chủ yếu là do sự cố điện, còn lại do sử dụng nguồn nhiệt, lửa trần như thắp hương, đốt vàng mã, đun nấu gây ra.
Hiện trường vụ cháy chợ Cầu Diễn ngày 3/12
Những vụ cháy chợ gây ra thiệt hại lớn về tài sản, vậy trách nhiệm thuộc về ai?
- Pháp luật quy định rất rõ về trách nhiệm người đứng đầu cơ sở khi để xảy ra hỏa hoạn. Người đứng đầu cơ sở có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù đến chung thân hoặc tử hình tùy theo tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Ở các chợ trên địa bàn Hà Nội, hầu hết Ban Quản lý chợ có thực hiện việc tập huấn cho lực lượng chữa cháy cơ sở, tuy nhiên, nhiều người vẫn có suy nghĩ làm để cho đủ chứ chưa quan tâm đúng mức.
Do đó, khi xảy ra sự cố cháy đã không phát hiện được kịp thời. Các cụ xưa có câu “nước xa không cứu được lửa gần” chính vì vậy, lực lượng chữa cháy cơ sở phải là người đầu tiên phát hiện, chữa cháy. Đây là bước quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra.
Như vậy, việc chưa tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy đang là thực trạng chung tại các chợ hiện nay?
- Thực tế cho thấy ý thức chấp hành công tác an toàn phòng cháy tại các chợ Hà Nội là đáng báo động. Đơn cử như chợ Nhật Tân, nhiều lỗi vi phạm đã được nhắc nhở, xử phạt nhưng rồi đâu lại vào đó.
BQL chợ đã không làm đúng trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở bà con tiểu thương tại chợ. Một phần do chế tài còn quá nhẹ và xử lý xong cho tồn tại để khắc phục chứ không đình chỉ hoạt động được.
Ông có đề xuất, kiến nghị gì để tăng cường công tác phòng ngừa, đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ hiện nay?
- Trước hết, BQL các chợ phải tăng cường tự kiểm tra. Cơ quan chủ quản như quận, huyện phải xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm về công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Cùng với đó, phải đầu tư kinh phí cho lực lượng chữa cháy cơ sở. Bà con tiểu thương, chỉ nên mang đến sạp số lượng hàng hóa cho phép, không được dùng ki ốt của mình làm kho chứa hàng.
BQL chợ phải có trách nhiệm rà soát, yêu cầu các hộ kinh doanh đặt hương đăng theo đúng quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. Việc bố trí nguồn điện tại chợ cũng phải chia thành 3 lộ đúng như quy định.
Điều quan trọng nhất, nếu ý thức phòng cháy chữa cháy của mỗi người dân không được coi trọng thì hỏa hoạn xảy ra hay không chỉ là vấn đề thời gian.