Chiều 15/5, Quỹ Tim mạch Việt Nam phối hợp với Viện Tim mạch Việt Nam tổ chức họp báo về thực trạng đáng báo động về bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam nhân dịp Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp (17/5).
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt – Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, hiện nay, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp (THA). Theo thống kê của Liên đoàn Tăng huyết áp thế giới, hiện thế giới có khoảng 1 tỷ người bị tăng huyết áp . Dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên khoảng 1,56 tỷ.
Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị THA, đến năm 2009, tỷ lệ THA ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ này hiện đang ở mức báo động đỏ với hơn 40%.
Đặc biệt, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tỷ lệ người trẻ bị tăng huyết áp ngày càng tăng. Trẻ em cũng có thể tăng huyết áp do các bệnh lý như: Viêm cầu thận, hẹp eo động mạch chủ, cũng có những trường hợp từ bé đã bị tăng huyết áp vô căn.
Ba nghịch lý thường gặp đối với THA là bệnh dễ phát hiện (bằng cách đo huyết áp đơn giản) nhưng thường bị bỏ sót, THA thường không có triệu chứng.
Có tới hơn 50% số người bị THA, khi được đo huyết áp lần đầu, không biết là mình bị THA từ bao giờ. Đây cũng là bệnh dễ điều trị nhưng thường người bệnh không được điều trị, với khoảng hơn 50% bệnh nhân được phát hiện THA không được điều trị.
Có nhiều thuốc và tiến bộ về thuốc hiệu quả trong điều trị nhưng đa số bệnh nhân được điều trị lại không được không chế huyết áp đạt yêu cầu (từ 50-80% không đạt đích điều trị).
Các bác sĩ cho biết, không có bệnh nào chẩn đoán dễ như tăng huyết áp. Khi đo huyết áp cho thấy chỉ số lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương) được gọi là tăng huyết áp.
Bệnh THA được coi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi bệnh không có những triệu chứng điển hình. Không phải lúc nào người bệnh cũng thấy khó chịu, thậm chí một số người có triệu chứng lâm sàng như: Chóng mặt, đau đầu, ù tai... Tuy nhiên, rất nhiều người THA lại không có biểu hiện này.
Ngoại trừ yếu tố di truyền và tuổi tác là không tác động được, các yếu tố nguy cơ khác có thể giảm được bằng cách thay đổi lối sống. Phòng bệnh là biện pháp chìa khóa thành công để ngăn ngừa THA và các biện chứng.
Người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý và giảm muối, ăn nhiều rau, hoa quả, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, vận động thể lực nhiều, duy trì cân nặng phù hợp. Khi người bệnh có chỉ định của thầy thuốc cần uống thuốc đều, lâu dài ngay cả khi không có triệu chứng và con số huyết áp được hạ xuống mức bình thường.