Báo động đỏ nguy cơ cháy rừng

Báo động đỏ nguy cơ cháy rừng

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có Chỉ thị số 270/CT-TTg về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chỉ thị nêu rõ, từ đầu năm 2010 đến nay do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ở nhiều địa phương đã diễn ra tình trạng khô hanh kéo dài; nhiệt độ không khí trung bình cao hơn nhiều năm gần đây, đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Đến nay, nhiều nơi đã xảy ra cháy rừng. Đặc biệt là vụ cháy rừng lớn đã xảy ra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên tỉnh Lào Cai ngày 8 tháng 2 năm 2010.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Báo động đỏ nguy cơ cháy rừng ảnh 1
Nếu không đề cao cảnh giác, những cánh rừng xanh ngút ngàn...

Ban chỉ đạo Trung ương Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cũng yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương có tên dưới đây thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt ở các khu vực đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh như: Khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên tỉnh An Giang, rừng thuộc tỉnh Cà Mau, Khu vực Đức Cơ, Chư Prông, Chư Păh, Chư Sê, Mang Yang thuộc tỉnh Gia Lai, Khu vực Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang, Khu vực Ngọc Hồi, Sa Thầy, TX. Kon Tum, Đắc Hà, Đắk Tô tỉnh Kon Tum, Khu vực Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh tỉnh Lâm Đồng, khu vực Bắc Yên, Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng cũng yêu cầu các địa phương có rừng được cảnh báo ở cấp IV, cấp nguy hiểm cần có các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả vì thời tiết khô hạn còn có thể kéo dài.

Các khu vực được cảnh báo ở cấp độ IV gồm: Khu vực Bình Long, Đồng Phú tỉnh Bình Phước, Khu vực Côn Đảo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, rừng thuộc tỉnh Cao Bằng, Khu vực Buôn Đôn, Ea H’leo, Ea Súp, Lắk, TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk, Khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán tỉnh Đồng Nai, rừng thuộc tỉnh Đắc Nông, Khu vực Krông Pa , TX. Ayun Pa tỉnh Gia Lai, rừng thuộc tỉnh Hoà Bình, Khu vực Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Lạc Dương, TP. Đà Lạt, Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng, Khu vực Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng tỉnh Lạng Sơn, khu vực Kỳ Sơn, Tương Dương tỉnh Nghệ An và rừng thuộc tỉnh Tây Ninh.

...hoàn toàn có thể sẽ đỏ rực trong cơn bão lửa...
...hoàn toàn có thể sẽ đỏ rực trong cơn bão lửa...

Từ ngày mồng 10 Tết Nguyên Đán Canh Dần trở đi (tức 23/2), UBND các địa phương trong các khu vực có rừng cảnh quan tại núi Ngự Bình, núi Bân, núi Tam Thai, đồi Vọng Cảnh... thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo vệ tốt rừng cảnh quan và bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm vui chơi nói trên trong ngày Tết Nguyên Tiêu. Tuyệt đối không được lợi dụng để mở quán hàng, nơi giữ xe tự phát. Không tổ chức lửa trại ở các khu vực gần rừng cảnh quan, dễ xảy ra cháy rừng; đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp gây rối trật tự công cộng, ô nhiễm môi trường, phá hoại rừng...

Hàng năm, dịp Tết Nguyên Tiêu (vào 15 tháng giêng Âm lịch) luôn có đông người, trong đó chủ yếu là thanh niên, sinh viên, học sinh lên các khu vực rừng cảnh quan trong thành phố để vui chơi. Đây cùng là dịp dễ phát sinh các hiện tượng chặt cây, bẻ cành, ảnh hưởng đến môi sinh và dễ xảy ra cháy rừng.

Theo Dự báo của Trung tâm Cảnh báo Cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái: Hiện nay nguy cơ cháy rừng ở Yên Bái là rất cao. Đặc biệt, tại các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn vì ở các huyện này khí hậu rất khô hanh và còn thường xuyên có gió Lào thổi về, trong khi đó đồng bào các dân tộc thiểu số của 2 huyện vùng cao này lại sống chủ yếu bằng làm nương, rẫy nên buộc phải phát, dọn, đốt nương để canh tác.

...Và lưỡi lửa biến mọi thứ thành tro tàn...
...Và lưỡi lửa biến mọi thứ thành tro tàn...

Trước tình hình đó, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như: Họp dân để phổ biến công tác PCCC rừng; tu sửa các biển báo, biển hiệu, in tờ rơi, phát cho dân, ký cam kết với các hộ gia đình trong phòng chống cháy rừng...

Đồng thời yêu cầu các chủ rừng phải chịu trách nhiệm PCCCR trên diện tích rừng được giao. Các lực lượng kiểm lâm địa bàn đã đôn đốc các chủ rừng trồng tập trung từ 1 ha trở lên phải có biện pháp PCCCR như: tiến hành làm đường băng cản lửa và thiết kế thi công các công trình khác để PCCCR.

Tất cả các hộ sản xuất nương rẫy phải nắm vững những quy định về đốt nương như: có đường băng cản lửa rộng từ 10m đến 15m, phải đốt từng đống nhỏ, đốt lúc gió nhẹ vào buổi chiều tối hoặc buổi sáng. Tiếp tục củng cố 1.451 tổ đội PCCCR ở cơ sở với gần 12.700 người, lấy lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên làm nòng cốt tham gia chữa cháy theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Lực lượng kiểm lâm phải là nòng cốt tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền, tổ chức ký cam kết tới từng hộ dân...

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ