Sai sót ngày càng nhiều
Ngày 9/7 vừa qua, từ truyền thông chính thống cho đến mạng xã hội - đã dậy sóng phê phán trọng tài chính Nguyễn Ngọc Châu khi công nhận bàn thắng ghi bằng tay của tiền đạo Xuân Nam giúp Bình Định mở tỷ số 1-0 trong trận hòa 1-1 trên sân chủ nhà Sài Gòn FC ở vòng đấu thứ 6 lượt đi
V.League 2022. Theo ông Dương Văn Hiền, trọng tài Nguyễn Ngọc Châu đã không theo kịp tình huống và đã có quyết định sai lầm khi công nhận bàn thắng. Còn trên sân Thanh Hóa, trọng tài chính Trần Văn Lập và các trợ lý đã phải rời sân trong sự bảo vệ của lực lượng an ninh, vì bị khán giả phản ứng gay gắt. Trong trận, ban huấn luyện đội Thanh Hóa cũng đã bày tỏ thái độ khá quyết liệt với trọng tài Lập, sau khi đội Thanh Hóa bị 1 quả phạt đền.
V.League 2022 đã trở lại sau gần 100 ngày tạm dừng cho các hoạt động bóng đá của đội tuyển quốc gia. Trong quãng nghỉ, công tác trọng tài đã được Ban tổ chức giải, Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đặc biệt lưu ý và quán triệt cả về mặt luật lẫn con người. Nhưng điều đó vẫn không thể hạn chế những sai sót có thể ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, dẫn đến phản ứng tiêu cực từ khán giả, nhất là các đội bóng.
Trên sân Hàng Đẫy ngày 4/7 vừa qua, trợ lý trọng tài Nguyễn Quốc Toản không bắt việt vị với tiền đạo Gieovane nên đã tạo ra tình huống tranh cãi, khi Viettel thua Hà Tĩnh 0-1. Tình huống này diễn ra ở phút 75, Geovane đã ở vị trí việt vị trước khi nhận bóng từ đồng đội. Cầu thủ mang áo số 94 của Viettel chỉ đứng trên một cầu thủ phòng ngự của đội Hà Tĩnh. Theo luật, Geovane phải đứng trên hoặc bằng ít nhất hai cầu thủ của đội phòng ngự.
Mặc dù vậy, trợ lý Quốc Toàn đã không phất cờ việt vị khi Geovane đưa bóng qua vạch vôi và ông cũng không thấy tình huống ghi bàn của ngoại binh này, 2 lỗi liên tiếp.
Trọng tài chính Nguyễn Mạnh Hải cho trận đấu tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra. Trong luật bóng đá chỉ quy định về vị trí của cầu thủ phòng ngự và cầu thủ tấn công trong lỗi việt vị chứ không xét vai trò hậu vệ hay thủ môn để bắt lỗi. Vì vậy, đây là trường hợp không khó với các trợ lý.
Trưởng ban trọng tài của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Dương Văn Hiền cho biết, Ban trọng tài luôn nhắc nhở, động viên anh em tập trung. Tuy nhiên với tính chất đặc thù của nghề trọng tài thì ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh.
“Trợ lý Quốc Toản chắc chắn bị kỷ luật do mắc lỗi nghiêm trọng trong trận đấu giữa Viettel với Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), chúng tôi không thể công bố mức độ xử phạt”, ông Hiền phát biểu.
Sai lầm của trợ lý Ngô Quốc Toản được đánh giá là nghiêm trọng nhưng chưa để lại hậu quả nặng nề. Một phần V.League 2022 mới trở lại, sức nóng của các trận đấu chưa cao và đồng thời, cuộc đua ở cả 2 đầu bảng xếp hạng chưa đến hồi khốc liệt. Mặc dù vậy, những quyết định thiếu chính xác của đội ngũ cầm cân nảy mực chính là dấu hiệu cảnh báo về hệ luỵ khôn lường nếu chúng không được giải quyết triệt để.
Trước đó, trên sân Gò Đậu tối 14/3, trọng tài Mai Xuân Hùng đưa ra quyết định sai, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả trận đấu giữa Bình Dương với Hải Phòng. Cụ thể, ông Hùng đã thổi một quả phạt đền cho Bình Dương dù điểm va chạm của pha phạm lỗi diễn ra ngoài vòng cấm khiến đội bóng đất Cảng chịu bàn thua “oan ức”. Từ bàn thua này, đội bóng đất Cảng ngậm ngùi chia điểm với đội chủ nhà với tỷ số chung cuộc 2-2.
Quyết định sai lầm của ông Hùng được cho là có phần nguyên nhân từ trợ lý Nguyễn Thành Trung. Ở góc quan sát ngang, vị trí có thể đánh giá khoảng cách với vạch sơn vùng cấm địa tốt hơn, ông trợ lý Trung “mũ ni che tai” không góp ý khi trọng tài chính thổi phạt đền. Trước đó, ông Hùng xuất phát chậm, cách pha tranh chấp khoảng 22 mét và có góc nhìn dọc. Góc quan sát dọc này khiến ông khó đánh giá đúng điểm phạm lỗi.
Nhưng trọng tài Hùng cũng nên xem lại chính mình, bởi ông cắt còi rất nhanh và quyết định thổi phạt đền, không tham khảo trợ lý trong tình huống ông có nhiều bất lợi về nhận định.
Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền đánh giá: “Quyết định thổi phạt đền là sai. Trọng tài chính ở vị trí xa so với điểm va chạm gần vòng cấm. Trọng tài khó nhìn, dẫn đến ngộ nhận. Điều đáng trách nữa là trợ lý trọng tài. Anh ấy có góc nhìn tốt nhất, nhưng không hỗ trợ trọng tài chính”.
Trọng tài Mai Xuân Hùng từng có nhiều sai lầm trong quá khứ đều do những lỗi chuyên môn. Ở mùa giải 2020, ông Hùng từng bị “treo còi” 6 trận vì mắc hai lỗi nghiêm trọng trong trận đấu giữa Sài Gòn và Nam Định khi gây tranh cãi với 4 lần không thổi phạt đền đội chủ nhà, trong đó có 2 lần quyết định sai.
Sau thời gian dài chỉ thực hiện nhiệm vụ trợ lý, trọng tài Mai Xuân Hùng mới trở lại bắt chính tại V-League ở trận đấu giữa Hải Phòng và Bình Dương và ngay lập tức mắc lỗi.
V.League 2022 mới qua 5 vòng đấu, song những sai lầm của đội ngũ trọng tài, cả lỗi nghiêm trọng và sai sót chuyên môn xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đó khiến người ta hoài nghi về công tác trọng tài.
Phải chăng công tác tuyển chọn nhân sự, kiểm tra và đánh giá của Ban trọng tài với đội ngũ trọng tài cho V.League có vấn đề? Hay bóng đá Việt Nam đang khan hiếm trọng tài giỏi?
Chuyên gia trọng tài Đoàn Phú Tấn - người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, làm giám sát trọng tài hay kinh nghiệm quản lý với chức danh Phó Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chia sẻ: “Tôi không đánh giá nguyên nhân trọng tài sai sót ở những pha bóng vừa qua tại V.League 2022.
Nhưng vấn đề ở đây là cần chấn chỉnh ngay thái độ thiếu trách nhiệm khi làm nhiệm vụ của một số trọng tài. Như trường hợp trọng tài Mai Xuân Hùng, anh ấy ở vị trí rất xa điểm phạm lỗi. Thà rằng trọng tài bỏ lỗi không thổi còi. Nhưng đằng này trọng tài không chắc chắn với phán đoán mà vẫn thổi phạt đền thì khó chấp nhận”.
Công an phải vào sân hộ tống trọng tài Trần Văn Lập trên sân Thanh Hóa. |
VAR - giấc mơ cuộc đời!
VPF từng lên kế hoạch sẽ đưa công nghệ VAR vào V.League từ mùa giải 2019. Phương án được đưa ra là VPF sẽ mua thiết bị công nghệ từ nhà cung cấp do FIFA chỉ định. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt lên xe 16 chỗ với 8 màn hình, tương đương 8 máy quay. Xe sẽ di chuyển đến từng sân khi có trận đấu. Nhưng đến nay, VAR chưa thể sử dụng ở V-League do phải được sự khảo sát thực tế sau đó được FIFA cấp phép.
Chỉ sau 5 vòng đấu, cho dù Ban tổ chức và Ban trọng tài đã cố gắng hết sức có thể, song đội ngũ trọng tài mắc nhiều sai lầm. Đặc biệt, sự gắn kết trong phối hợp giữa trọng tài chính và trọng tài biên, giờ được “nâng cấp” gọi là trợ lý trọng tài đã cho thấy có độ vênh khá lớn.
Các trợ lý dường như luôn lựa chọn cho mình vùng an toàn, thay vì họ cần đưa ra chính kiến trong các tình huống nhạy cảm, nhằm hỗ trợ trọng tài chính. Vấn đề bao giờ sân chơi chuyên nghiệp có VAR (Công nghệ video hỗ trợ trọng tài) lại được đặt ra.
Trận Hải Phòng gặp Nam Định tại Lạch Tray, vòng 2 V.League 2022, trọng tài Trần Đình Thịnh và các trợ lý đưa ra quyết định gây tranh cãi dựa vào căn cứ chưa từng có trong lịch sử suốt hơn 20 năm qua.
Trong tình huống ở phút 67, Triệu Việt Hưng của Hải Phòng khống chế bóng trước khi chuyền cho Rimario ở sát cầu môn. Chân sút ngoại của đội bóng đất Cảng dứt điểm bóng dội cột dọc Nam Định. Ngay lập tức, Việt Hưng lao lên đá bồi thành công, nâng tỷ số lên 2-0 cho Hải Phòng.
Trọng tài Trần Đình Thịnh quay lại phía trợ lý của mình để xem có lỗi việt vị ở Rimario hay không. Trợ ý của ông “im lặng”. Ngay khi đó, trọng tài Thịnh đã nổi hồi còi xác nhận bàn thắng cho Hải Phòng. Bảng tỷ số điện tử nhảy lên con số 2 cho Hải Phòng.
Nhưng sau khi công nhận bàn thắng, trọng tài Thịnh đã chạy ra hội ý với trợ lý của mình. Ông nhìn lên màn hình LED to ở phía khán đài D của sân Lạch Tray. Sau một hồi theo dõi, ông Thịnh quyết định “bẻ còi”, không công nhận bàn thắng.
Vậy là, tấm màn LED hàng chục tỷ đồng mà Hải Phòng đầu tư cho sân Lạch Tray vô tình trở thành màn hình VAR bất đắc dĩ hỗ trợ cho ông Thịnh đưa ra quyết định chính xác.
Từ tình huống quay chậm ấy, trọng tài Thịnh xác định được Rimario đúng là không việt vị. Nhưng Triệu Việt Hưng lại để bóng chạm tay trong nỗ lực khống chế bóng trước đó. Và ông Thịnh quyết định không công nhận bàn thắng, nhằm bảo vệ sự công bằng cho trận đấu.
Sau đó ở phút 86, chính ông Thịnh một lần nữa cầu viện đến màn LED để xác thực chắc chắn quyết định thổi phạt đền cho Nam Định. Nhiều người cho rằng trọng tài Thịnh đã sai khi điểm phạm lỗi ở ngoài vòng cấm địa.
Nhưng các chuyên gia đều khẳng định ông Thịnh đã đúng khi diễn biến phạm lỗi kéo dài đến trong khu vực 16m50. Thực tế, ông Thịnh không sai khi quyết định cho Nam Định được hưởng quả phạt 11m.
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Văn Hiền cho biết: “Thực sự chúng ta chưa quen với công nghệ VAR. Việc trọng tài chính xem lại tình huống thông qua màn hình lớn để từ chối bàn thắng của Hải Phòng đúng là không hợp lí.
Thực ra trọng tài chính cũng chỉ dùng màn hình lớn để tham khảo lại thôi, chứ tình huống đó trọng tài chính và trợ lí của mình đã có những hội ý với nhau rồi mới đi đến quyết định không công nhận bàn thắng”.
Thực tế từ 2 - 3 năm trước, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã xây dựng kế hoạch đưa VAR vào V-League. VPF thậm chí còn mời tổ chức chuyên về VAR ở châu Á cùng các nhà đài để tìm ra phương án khả thi trong việc sử dụng VAR.
Thế nhưng sau cùng, câu chuyện cũng chỉ dừng lại trong cuộc họp đó. Có nhiều rào cản khiến bóng đá Việt Nam chưa thể tiếp cận với VAR. Tuy nhiên, 2 nguyên nhân quan trọng nhất là tài chính và con người.
Vấn đề đầu tiên liên quan đến tài chính. Để đầu tư, lắp đặt và vận hành VAR đòi hỏi số tiền rất lớn. Như tại World Cup 2018, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) phải chi 700 nghìn USD/trận (khoảng hơn 16 tỉ đồng/trận) cho hệ thống VAR.
Ngay tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Liên đoàn Bóng đá châu Á cũng tiêu tốn khoảng 17 tỉ đồng/trận để lắp đặt công nghệ VAR tại sân vận động Mỹ Đình. Để có VAR, dù mỗi vòng đấu chỉ 1 - 2 trận và chi phí cũng sẽ rẻ hơn so với chuẩn quốc tế, nhưng ước tình VPF sẽ phải đầu tư kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Nếu muốn làm VAR thì phải cử trọng tài đi học và đáp ứng đủ những điều kiện khắt khe của FIFA. Tất nhiên, đây là điều quá sức với những nhà tổ chức ở thời điểm hiện tại. Số lượng trọng tài và trợ lý trọng tài cấp FIFA của bóng đá Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, tổ trọng tài điều khiển phòng VAR đòi hỏi số lượng rất lớn và có chuyên môn cao. Theo ông Hiền, cả Đông Nam Á hiện chỉ có 1 trọng tài người
Singapore được FIFA công nhận về những vấn đề liên quan đến VAR. Chỉ duy nhất trọng tài này đủ điều kiện tác nghiệp tại những giải đấu quốc tế. Thái Lan đào tạo trọng tài VAR để sử dụng các giải trong nước.
VAR thật sự rất cần thiết cho trận đấu, giảm áp lực cho trọng tài và giảm thiểu những sai sót cũng như giúp trận đấu trở nên công bằng hơn.
V.League chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều khi có VAR, vấn nạn về trọng tài ít nhiều được khắc phục. Nhưng nếu muốn áp dụng VAR, bóng đá Việt Nam phải đáp ứng đủ các tiêu chí rất khắt khe, mua bản quyền từ các công ty được FIFA cấp phép cho đến đào tạo nhân sự.
Vậy nên, bao giờ V.League có VAR và đội ngũ trọng tài Việt Nam được hưởng thành quả của công nghệ thì hiện tại những người có trách nhiệm tổ chức giải đấu chưa thể trả lời.