(GD&TD)-Sáng nay (21/10), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến hai dự án Luật Lưu trữ và dự án Luật Đo lường. Đây là hai dự án luật dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Đa số đại biểu đồng tình với nguyên tắc: “Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ” (ảnh MH) |
Đối với dự án Luật Lưu trữ, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật gồm việc quản lý tài liệu thuộc Phòng lưu trữ; việc tổ chức lưu trữ; Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ; thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử; xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Về thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử, dự thảo Luật quy định theo hướng: sau thời hạn 10 năm kể từ ngày hoàn thành công việc, các tài liệu thuộc diện lưu vào Lưu trữ lịch sử (gồm cả tài liệu mật) được giao nộp cho Lưu trữ lịch sử. Khi hết thời hạn 40 năm hoặc 60 năm theo quy định nhưng tài liệu cần tiếp tục được bảo mật, chưa thể công khai thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Dự án Luật, chỉ có 2 cấp lưu trữ (cấp tỉnh và Trung ương). Nhiều đại biểu đồng tình với quy định này nhưng đề nghị cần có quy định về sắp xếp, bảo quản, bàn giao tài liệu từ cấp huyện cho cơ quan lưu trữ để tránh sự mất mát, hư hỏng các tài liệu lịch sử có giá trị
Về thời hạn giải mật tài liệu, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật phải nêu rõ nguyên tắc để xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chưa cho giải mật cũng như loại tài liệu chưa cho giải mật sau thời hạn chung (40 hoặc 60 năm).
Đối với các quy định về hiến tặng, bán các tài liệu quý của cá nhân cho Lưu trữ lịch sử, các Đại biểu Quốc hội nhất trí cao với nguyên tắc “Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ”. Do đó, đối với các tài liệu lưu trữ của cá nhân có giá trị, việc hiến tặng hoặc bán tài liệu lưu trữ cá nhân do cá nhân có tài liệu quyết định.
Về dự án Luật Đo lường, những nội dung cốt lõi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là chính sách của Nhà nước về đo lường; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và những hành vi bị cấm trong lĩnh vực đo lường. Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với việc bổ sung chương riêng quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường, đồng thời yêu cầu tăng nặng hình phạt để răn đe đối với những hành vi đo lường gian dối có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng...
Minh Duy