Bảo đảm an sinh, thu hút người lao động

GD&TĐ - Theo Tổng cục Thống kê, số người thiếu việc làm trong tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 940.500 người, tăng 27.300 người so cùng kỳ năm trước.

Xây dựng và phát triển những chính sách thiết thực sẽ giữ chân người lao động lâu dài.
Xây dựng và phát triển những chính sách thiết thực sẽ giữ chân người lao động lâu dài.

Để công nhân tin tưởng vào chính sách và có cơ hội nhận lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng những chính sách bảo đảm việc làm.

Không “mặn mà” với doanh nghiệp

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 940.500 người, tăng 27.300 người so cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68% và khu vực nông thôn là 2%. Tuy thất nghiệp nhưng nhiều người lao động không mặn mà với công việc mới vì nhiều lý do.

Anh Hoàng Hà Phong (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) không tìm việc làm toàn thời gian mà chọn làm tự do để học thêm tiếng Nhật. Là kỹ sư công nghệ thông tin, anh Phong làm công việc bảo trì website, làm dịch vụ định vị Google Map cho các cửa hàng, quán ăn. Thời gian rảnh, anh Phong đến trung tâm học tiếng Nhật Bản.

Anh Phong cho biết, khi đưa hồ sơ lên các chuyên trang tuyển dụng, có rất nhiều nơi mời đi làm nhưng mức lương thua xa công việc thời vụ hiện tại của anh.

“Đa số doanh nghiệp chào mời mức lương khoảng 8 đến 10 triệu đồng nhưng khối lượng công việc khá lớn. Tôi không muốn gò bó, hơn nữa có dự định ra nước ngoài nên không muốn đi làm toàn thời gian”, anh Phong cho biết.

Chia sẻ về việc chọn chạy xe ôm công nghệ thay vì kiếm việc làm ổn định, anh Trần Minh Đức (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, thu nhập từ công việc thời vụ cao hơn công việc toàn thời gian. Công việc hiện tại giúp anh thoải mái về thời gian làm việc, sắp xếp được cuộc sống cá nhân.

Anh Đức chia sẻ, khi chạy xe ôm công nghệ, anh có 3 năm làm nhân viên bán hàng với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng mỗi tháng. Tuy công việc ổn định nhưng thu nhập thấp nên anh nghỉ tìm công việc khác.

“Công việc bán hàng cũng chạy suốt ngoài đường như bây giờ nhưng thu nhập thấp quá. Bây giờ, tôi vừa chạy giao hàng vừa chở khách, ngày làm khoảng 10 giờ nhưng thu nhập gần gấp đôi”, anh Đức chia sẻ.

Anh Đức cũng cho biết, anh cũng chăm lên mạng tìm việc nhưng chưa có công việc nào phù hợp mà thu nhập tốt hơn. Công việc phù hợp thì thu nhập quá thấp, khởi điểm chỉ 8 triệu đồng/tháng thì không đủ chi tiêu sinh hoạt ở Hà Nội, làm sao có dư để tiết kiệm.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Lê Phương Hoa, giám đốc nhân sự một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tại huyện Hoài Đức đánh giá, mặt bằng lương hiện nay cho khối công nhân sản xuất và cả nhân viên văn phòng khá thấp so với mức sống.

Tại công ty nơi bà Hoa đang làm việc, thu nhập của công nhân mới nhận việc khoảng 6,5 đến 7 triệu đồng/tháng, công nhân có tay nghề cũng chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương được quy định từ cách đây 10 năm và chỉ mới 2 lần điều chỉnh ở mức vài phần trăm.

“Chưa bao giờ công nhân đến ứng tuyển mà từ chối nhận việc như vài tháng gần đây. Họ hy vọng mức thu nhập cao hơn nên chúng tôi đưa ra một số phụ cấp, thưởng cũng được thêm hơn 1 triệu đồng nhưng người lao động vẫn quay lưng. Tôi đã đề xuất chính sách trả lương mới nhưng ban giám đốc chưa đồng ý bởi lo ngại điều này ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh”, bà Hoa chia sẻ.

Chính sách tốt, bảo đảm cuộc sống

Những năm gần đây, số lượng người lao động làm hồ sơ rút BHXH một lần tăng cao. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như mất việc, cuộc sống khó khăn cần có nguồn trang trải.

Nhiều công nhân cho rằng, tuổi nghề của họ rất ngắn, đa số doanh nghiệp không giữ họ lại khi ở độ tuổi 50 nên họ khó có cơ hội làm việc đến lúc nghỉ hưu. Do vậy, họ chọn rút BHXH một lần khi còn có thể và rời khỏi lưới an sinh.

Để công nhân tin tưởng vào chính sách và có cơ hội nhận lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng những chính sách bảo đảm việc làm.

Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam, doanh nghiệp luôn tạo mọi điều kiện cho lao động tham gia BHXH để có lương hưu.

Trong quá trình làm việc, nhiều công nhân dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH. Nếu họ có nguyện vọng hưởng hưu, công ty sẽ tiếp tục để họ làm việc đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu sau khi có giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế và hướng dẫn của tổ chức Công đoàn.

Còn tại Công ty TNHH Hoàng Tôn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng sẵn sàng nhận lại công nhân cũ dù lớn tuổi để họ có cơ hội nhận lương hưu. Đại diện công đoàn công ty cho biết, tại công ty có khá nhiều công nhân đã cống hiến gần 20 năm tuy nhiên quá trình làm việc không liên tục vì nhiều lý do như nhà máy xa nơi ở, muốn thay đổi môi trường làm việc…

Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc một thời gian, nhiều công nhân muốn quay trở lại. Với những trường hợp như vậy, doanh nghiệp vẫn sẵn lòng nhận họ. Nhờ vậy, quá trình làm việc cũng như tham gia BHXH của họ sẽ được liên tục, không bị gián đoạn mà dẫn đến quyết định nhận BHXH một lần.

Bên cạnh bảo đảm việc làm, công tác tuyên truyền liên quan đến chính sách BHXH một lần phải thật sự khéo léo. Theo ông Trần Minh Cương, chuyên gia tuyển dụng cho biết, thời gian gần đây, rất đông công nhân nghỉ việc để rút BHXH một lần. Đây là vấn đề cần phải được quan tâm. Trong thời gian còn làm việc, ông cũng gặp không ít trường hợp tương tự.

“Không ai muốn trở thành gánh nặng cho con cho cháu, vì vậy cần khuyên họ nên suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Vì rút BHXH, khoản tiền ấy nhanh chóng không còn nhưng nếu để lại nhận lương hưu, khoản tiền sẽ được nhận hàng tháng kéo dài đến khi mất, cùng với đó là nhiều chế độ khác như BHYT trọn đời…”, vị chuyên gia nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.

Tìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng