Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án: Phương án 1, người lao động được chia làm 2 nhóm:
Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết 1 phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, quy định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần là vấn đề nhạy cảm trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cũng là vấn đề phức tạp nhất.
Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, để khi người già về hưu đều có lương, bảo hiểm y tế. Cùng với đó, phải quan tâm đến đời sống thực tế bây giờ của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, qua nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị, Chính phủ đưa ra 2 phương án. Đến 25/5, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về nội dung này và thấy rằng, không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong dự thảo Luật.
Bộ trưởng chia sẻ, qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất và tính toán đến tích hợp 2 phương án như một số đại biểu phân tích. Theo đó, người đang đóng được hưởng tiếp như phương án 1. Người đóng sau này thì hưởng theo phương án 2.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia đánh giá thấy rằng, nếu cộng 2 phương án thì cộng nhược điểm nhiều hơn là ưu điểm. Chính vì vậy, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề nghị cho lựa chọn 1 trong 2 phương án.
Hơn nữa, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến tác động rộng rãi; trong đó qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm một lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2.
Toàn cảnh phiên họp chiều 27/5. |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội 1 lần, chúng ta có nhiều giải pháp trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động.
Liên quan ý kiến đề xuất tăng các chính sách về thai sản, ốm đau... Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận, các ý kiến rất phù hợp, xác đáng, đúng với thực tế và đúng với nhu cầu.
Tuy nhiên, ngay trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật, chúng ta đưa nhiều chính sách tân tiến, tốt hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nếu tiếp tục tăng quỹ ốm đau thai sản thì ngân sách hiện nay chưa thể đảm bảo. Do vậy, trong giai đoạn trước mắt, cần đảm bảo hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu.
Giải trình nội dung liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, những đối tượng nào đã rõ, đủ điều kiện, chúng ta quy định ngay trong Luật này.
Đối với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, qua lấy ý kiến cho thấy, tham gia bảo hiểm bắt buộc là phù hợp; hơn nữa, trên thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn rất non trẻ (29 năm); trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình bảo hiểm xã hội, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.