Báo cáo đề án tái cơ cấu hệ thống NHTM trong tháng 11

Báo cáo đề án tái cơ cấu hệ thống NHTM trong tháng 11

(GD&TD)– Ngày 09/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10  trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý.

jkj
Chính phủ yêu cầu NHNN báo cáo đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại trong tháng 11/2011 (ảnh MH)

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương kiên trì thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã được đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ từ đầu năm đến nay; nhất quán các chính sách kinh tế vĩ mô, theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, theo sát tín hiệu thị trường; thực hiện các biện pháp kiểm soát, ổn định tỷ giá VND/USD và lãi suất liên ngân hàng.

Đồng thời, có kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát; điều hành tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý (khoảng 12 – 13% cho cả năm 2011).

Tập trung tín dụng cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên cho chế biến nông sản, thủy sản để xuất khẩu và tiêu thụ, tập trung hỗ trợ vốn để khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương bị thiên tai tàn phá nặng nề.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2011.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp quyết liệt để kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát tình hình thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/11/2011.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa khóa thắt chặt, kết hợp với chính sách tiền tệ chặt chẽ. Tập trung kiểm tra, chỉ đạo các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2011, kết hợp quản lý chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả để giảm bội chi; chỉ đạo, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp quyết liệt để ổn định thị trường giá cả, nhất là trong các tháng cuối năm; nghiên cứu, đề xuất việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và kéo dài thời gian miễn, giảm, dãn thuế cho các doanh nghiệp.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bảo đảm bố trí vốn tập trung, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên các dự án hoàn thành sớm, các công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt, đối ứng ODA, các chương trình an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, an ninh quốc phòng.

Cho đến hết tháng 10 năm 2011, Chính phủ đã hỗ trợ vùng bị lũ lụt với tổng số tiền là 397 tỷ đồng, 1.300 tấn gạo, tạm ứng 47 tỷ đồng hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi; đang tiếp tục xem xét hỗ trợ các địa phương để cứu đói, khôi phục và phát triển sản xuất.

Trước sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ kịp thời cho những gia đình mất nhà cửa, tài sản; huy động các lực lượng, phương tiện để cứu trợ kịp thời cho người dân ở các địa bàn còn bị cô lập; triển khai các biện pháp khôi phục cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, bệnh, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động phòng chống thiên tai, nhất là tại khu vực miền Trung đang thời kỳ lũ chính vụ; tu bổ đê bao, bờ bao vùng Đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm kế hoạch sản xuất.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, tập trung vào các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, vùng nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm giải quyết chính sách về việc làm trong điều kiện các doanh nghiệp khó khăn, phá sản; kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với khu vực doanh nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông. UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần chủ động chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thống nhất xây dựng phương án giảm ùn tắc giao thông tại hai thành phố.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm; chủ động các biện pháp phòng, chống, khống chế, xử lý kịp thời dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng.

* Quan điểm và nguyên tắc cơ bản đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, song đánh giá một cách khách quan, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế về khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và nhân lực cần phải khắc phục, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.

Những yếu kém nói trên đã tồn tại từ lâu làm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thiếu tính ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây mất an toàn và dễ bị tổn thương khi môi trường kinh doanh và thị trường trong nước, quốc tế biến động bất lợi. Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận thức hết sức sâu sắc những yếu kém nói trên của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã cố gắng từng bước khắc phục, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm giữ vững sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Tại Thông báo số 191-TB/TW ngày 01/9/2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khẳng định: “Việc tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách trước mắt cũng như chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước để góp phần phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đề án phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 đã đưa ra định hướng phát triển hệ thống ngân hàng: Cải cách căn bản, triệt để và phát triển toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại, hoạt động đa năng để đạt trình độ phát triển trung bình tiên tiến trong khu vực ASEAN với cấu trúc đa dạng về sở hữu, về loại hình tổ chức tín dụng, có quy mô hoạt động lớn hơn, tài chính lành mạnh, đồng thời, tạo nền tảng đến sau năm 2010 xây dựng được hệ thống các tổ chức tín dụng hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Châu Á, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng, có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.

Quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục đổi mới và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, NHNN đã đưa ra quan điểm và nguyên tắc cơ bản đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng như sau:

Thứ nhất, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Về quy mô, hệ thống ngân hàng có các ngân hàng lớn đủ sức cạnh tranh trong khu vực; có các ngân hàng lớn làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng; có những ngân hàng vừa và nhỏ, tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng mỗi tầng lớp trong xã hội. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng những tháng cuối năm 2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh: Không phân biệt quy mô của ngân hàng nhưng vấn đề quan trọng nhất là ngân hàng đang tồn tại phải hoạt động an toàn, lành mạnh và có hiệu quả.

Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.

Thứ tư, tái cơ cấu ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của ngân hàng cụ thể sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý.

Xuân Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.