Bánh cuốn Thanh Trì

GD&TĐ - Cuối mỗi tuần, lòng nó lại thầm vui. Không phải vì chuyện được xả hơi sau những ngày học hành lu bù mà vì được thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì.

Ảnh: Quốc Bình
Ảnh: Quốc Bình

Cuối mỗi tuần, lòng nó lại thầm vui. Không phải vì chuyện được xả hơi sau những ngày học hành lu bù mà vì được thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội).

Ban đầu, nó khá ấm ức khi mẹ lên menu chỉ có một bữa sáng dành cho món ăn khoái khẩu này, trong khi ngày nào ngoài ngõ cũng có tiếng rao “Ai bánh cuốn Thanh Trì đi…” hay phía chợ tạm cũng nhiều hàng bán.

Nhưng giờ nó đã “ngộ” ra “luật” bất thành văn này đúng là khắc nghiệt đối với những cơn thèm đôi khi trỗi dậy nhưng cũng có cái lý riêng. Chẳng phải, nếu ngày nào cũng ăn thì sẽ thấy tẻ nhạt, xa cách. Chờ đủ một tuần thì lòng sẽ cuộn lên những háo hức, nhớ mong đó sao!

Bánh cuốn Thanh Trì vốn đã nức tiếng xa gần và đi vào câu ca: “Thanh Trì có bánh cuốn ngon,/ Có gò Ngũ nhạc, có con sông Hồng”. Dẫu vậy, nó vẫn săm soi khi lần đầu thưởng thức, nhất là lá bánh – nhận diện cơ bản cho các kiểu bánh cuốn đều được tráng từ bột gạo ở mỗi vùng miền.

banh-cuon-thanh-tri-3-2605.jpg
banh-cuon-thanh-tri-2-8446.jpg
Ảnh: Quốc Bình

Đúng là thật sự khác biệt. Lá bánh Thanh Trì trắng nuột và mỏng tang, điểm trên đó là chút mộc nhĩ, hành phi vừa vặn thơm hương. Nhấn miếng bánh cuốn ấy được rắc thêm hành phi giòn và kẹp cùng chả quế vào bát mắm pha có vị ngọt là nổi bật nhất cùng chút cay của ớt (chứ bây giờ làm gì có cà cuống, nó chắc thế) và thưởng thức. Chao ôi, miễn chê!

Có lần, đầu ngõ xuất hiện hàng bánh cuốn mới. Mẹ phát hiện nên hí hửng bảo nó ra mua về đổi vị. Phụng phịu một lúc nó mới chịu cất bước. Ui chao, mỗi người một suất đắt đỏ mà lá bánh thì trong leo lẻo, dính bết như thể làm từ bột đao chứ không phải là bột gạo. Nó hân hoan nhìn mẹ. Mẹ chữa thẹn: “Đồng ý. Bánh cuốn Thanh Trì vẫn là nhất!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Những vần thơ tự hát trái tim yêu

GD&TĐ - Sự nhạy cảm của một trái tim trước mọi lẽ cuộc đời đã thôi thúc Xuân Quỳnh đến với con đường làm thơ và hoạt động văn học.