Ban Nội chính TW chuyển hồ sơ dự án chống ngập 10 ngàn tỷ sang PTT Trương Hòa Bình

Phó trưởng ban Nội chính TW Phạm Gia Túc vừa có công văn chuyển hồ sơ dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng do Trung Nam Group làm nhà đầu tư dự án tới Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bị tư vấn giám sát "tuýt còi" do nhà đầu tư "tự ý" thay đổi vật liệu dự án.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bị tư vấn giám sát "tuýt còi" do nhà đầu tư "tự ý" thay đổi vật liệu dự án.

Giám đốc Liên danh tư vấn kêu cứu Tổng bí thư, Thủ tướng

Công văn cho biết Ban NCTW chuyển đơn và hồ sơ dự án đến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình để giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 15/11/2018, ông L. FERNANDO REQUENA, P.E. Giám đốc Điều hành Liên danh Tư vấn / Trưởng đoàn Liên danh Tư vấn giám sát Hợp đồng dự án chống ngập 10 ngàn tỷ tại TPHCM có văn bản gửi Tổng bí thư, Thủ tướng và Thường trực Ban bí thư BCH TW, Ủy ban KTTW và các cơ quan chức năng cho biết:

"Trong 20 năm làm việc ở Việt Nam, tôi đã cống hiến và đóng góp nhiều kinh nghiệm và kiến thức của tôi để hỗ trợ các dự án trọng điểm, phục vụ cho Chính phủ Việt Nam và người dân Việt Nam. Tôi coi Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình và sự thành công của Việt Nam cũng rất quan trọng đối với tôi.

Mặc dù đã qua tuổi 70, tôi vẫn mong muốn đóng góp cho sự thành công của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đó là lý do tại sao,  khi được giao nhiệm vụ, tôi đã chấp nhận tham gia Hợp đồng Tư vấn Giám sát Hợp đồng với tư cách là Giám đốc điều hành/ Trưởng đoàn cho Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1), Hợp đồng này đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 06/2017". 

Văn bản nêu: "Trong quá trình tôi làm việc cho dự án trọng điểm này, khi kiểm tra và phân tích tất cả các hồ sơ liên quan đến dự án cũng như giám sát việc thực hiện hợp đồng của Nhà đầu tư, tôi nhận thấy có một số vấn đề cần phải được nêu ra và cần phải được báo cáo tới Quý Ngài để có phương án xử lý kịp thời để tránh những thất thoát và rủi ro về tài chính cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm bảo đảm chất lượng thi công công trình của dự án. Thay mặt các thành viên của Liên danh Tư vấn GSHĐ, tôi xin báo cáo các vấn đề quan trọng nhất chưa được giải quyết  của dự án". 

Bảy vấn đề của dự án chống ngập 

Theo công văn nói trên, Giám đốc Điều hành Liên danh Tư vấn / Trưởng đoàn Liên danh Tư vấn giám sát Hợp đồng đề cập 7 vấn đề cần được cơ quan Nhà nước xem xét về dự án như sau:

1.     Pháp lý của Dự án:

Dự án được thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tổng vốn đầu tư dự án là 9.926 tỷ đồng. Nhà đầu tư phải huy động từ vốn tự có của doanh nghiệp là 1.068 tỷ đồng. Số vốn còn lại sẽ lấy từ khoản vay lãi suất ưu đãi 2% từ Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho ngân hàng BIDV, BIDV cho nhà đầu tư vay lại với lãi suất là 3%/năm.

Tổng cộng gần 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư còn lại là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. UBND TP.HCM (Bên A) có trách nhiệm trả nợ khoản vay này. Tuy nhiên, dự án lại được giao cho một Nhà đầu tư tư nhân thực hiện với chính sách quản lý tài chính không rõ ràng và thiếu minh bạch. Như vậy, cơ sở pháp lý của hợp đồng BT cần phải rà soát lại.

2.  Vấn đề quản lý tài chính:

Dự án được triển khai từ tháng 06/2016 đến nay. Tư vấn GSHĐ đã kiểm tra các tài liệu và hồ sơ tài chính và nhận thấy rằng dự án bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến tài chính không rõ ràng.

Cụ thể là Nhà đầu tư đã yêu cầu và Bên A (SCFC) đã xác nhận cho giải ngân số tiền tạm ứng khoảng 1.833 tỷ trái với quy định pháp luật của Hợp đồng BT, và trái với các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng BT.

Việc sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn vay không rõ ràng dẫn đến Nhà đầu tư không thể cung cấp được hồ sơ tài chính về nguồn vốn huy động và vốn giải ngân để Tư Vấn GSHĐ đánh giá tiến độ huy động vốn và công khai tài chính của dự án.

3.  Các vấn đề về kỹ thuật:

·  Thay đổi vật liệu sử dụng trong thi công công trình: Trong thời gian thi công, nhà đầu tư đã thay đổi loại thép sử dụng để chế tạo cửa cống. Nhà đầu tư đã thay đổi từ loại thép tiêu chuẩn Nhật mà đã được UBND TP.HCM phê duyệt trong hồ sơ thiết kế cơ sở (khoảng 3.000 tấn) sang thép Trung Quốc mà chưa được phê duyệt từ UBND TP.HCM, nhà đầu tư cũng không tuân theo Điều 17 của Hợp đồng BT đã ký.

· Thi công thực tế không đúng với hồ sợ thiết kế thi công được duyệt. Cụ thể là việc xây dựng cống Mương Chuối không tuân theo bản vẽ thi công được các ban ngành liên quan phê duyệt (PMU 9). Nhà đầu tư cũng tăng dự toán từ 1.481 tỷ đồng lên 2.186 tỷ đồng (dự toán điều chỉnh mới nhất là 2.024 tỷ đồng). Việc chênh lệch khoảng 600 tỷ đồng cần phải được làm rõ.

·  Đổ bùn sai vị trí: Nhà đầu tư dự án đổ khoảng 430.000 m3 bùn tại những vị trí chưa được phê duyệt trong Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường, với chi phí là 124 tỷ. Vấn đề này cần được làm rõ.

4.  Bản vẽ thi công chưa được phê duyệt và tổng mức đầu tư cũng chưa được xác định.

Mặc dù dự án đã thi công được hơn 2 năm, một số hạng mục công việc chưa được phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán. Vì vậy, tổng mức đầu tư của dự án cho  đến nay vẫn chưa thể tính toán và xác định được. Theo Khoản 1, Điều 10 Nghị định 32/2015/NĐ-CP: “Thẩm định dự toán cần phải được thực hiện đồng thời với đánh giá thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công”.

5.  Đánh giá kiểm soát chất lượng công trình xây dựng: Cho đến hôm nay, Tư vấn GSHĐ vẫn chưa nhận được kết quả đánh giá của Hội đồng kiểm tra và nghiệm thu xây dựng công trình- Bộ NN&PTNT về việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của nhà đầu tư và nhà thầu thi công trong việc tham gia các công tác khảo sát, thiết kế và xây dựng theo các điều khoản của Nghị định 46/2015 / NĐ-CP và các luật liên quan.

6.  Hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT): Đến thời điểm 31/12/2017, Giá trị thuế VAT đầu ra phải nộp đạt 283 tỷ đồng. Tuy nhiên Nhà đầu tư không thực hiện phát hành hóa đơn VAT cũng như không nộp khoản thuế VAT này.  Nhà đầu tư chỉ nộp yêu cầu hoàn thuế VAT đầu vào với giá trị 326 tỷ đồng lên Cục Thuế TP.HCM và được hoàn thuế trái luật với số tiền là 267,7 tỷ đồng.

7.  Nhà đầu tư đang cố gắng làm mất uy tín những công việc của Tư vấn GSHĐ:

· Theo hợp đồng tư vấn được ký giữa SCFC là đại diện của UBND TP.HCM và Tư vấn GSHĐ: Tư vấn GSHĐ phải thực hiện giám sát việc thực hiện hợp đồng cho bên thứ ba, trong trường hợp này là Tập đoàn Trung Nam và Trung Nam BT1547.

Khi Tư vấn GSHĐ báo cáo lên UBND TP.HCM những sai phạm của Tập đoàn Trung Nam trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nhà đầu tư phản ứng lại những sai phạm mà Tư vấn GSHĐ báo cáo bằng cách lan truyền những thông tin sai lệch về Tư vấn GSHĐ, làm ảnh hưởng đến uy tín của Tư vấn GSHĐ.

·   Vào ngày 27 tháng 04 năm 2018, Nhà đầu tư đã gởi thông báo đến UBND TP.HCM về việc dừng thi công dự án, trong đó nêu rằng nhà đầu tư không thể huy động vốn cho dự án. Sau đó, nhà đầu tư tổ chức họp báo và thông báo sai lệch về lý do dừng thi công dự án là do Tư vấn GSHĐ yêu cầu làm thế.

·   Gần đây, Nhà đầu tư đã gởi công văn lên Bộ Công An tuyên bố rằng Tư vấn GSHĐ sử dụng chữ ký giả của Trưởng đoàn trong thời gian Trưởng đoàn Tư vấn trở về Mỹ do vợ bị bệnh nặng. Tuy nhiên, hợp đồng tư vấn ký giữa SCFC và Tư vấn GSHĐ là hợp đồng trọn gói. Trưởng đoàn được liên danh Tư vấn GSHĐ ủy quyền để quản lý công việc của dự án. Trưởng đoàn có thể làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian tại văn phòng dự án. Việc này dẫn đến Bộ Công an đã gởi cán bộ đến để điều tra về vấn đề này, gây hoang mang và lo lắng cho thành viên trong đoàn Tư vấn GSHĐ.

Theo Sohuutritue.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.