Băn khoăn với dự thảo quy định ngưỡng đầu vào tuyển sinh cao đẳng

GD&TĐ - Dự thảo thông tư quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, xin ý kiến góp ý từ tháng 9 đến 26/11/2016 có một số nội dung khiến lãnh đạo trường cao đẳng băn khoăn.

Băn khoăn với dự thảo quy định ngưỡng đầu vào tuyển sinh cao đẳng

Hạn chế nguồn tuyển trường cao đẳng 

Điều 17 của dự thảo quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nêu: Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển cao đẳng, trung cấp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Điều 20, yêu cầu về đảm bảo chất lượng đầu vào đối với trường tuyển sinh riêng có nội dung: Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 5,5 đối với hệ cao đẳng (theo thang điểm 10).

Chia sẻ quan điểm về nội dung này trong dự thảo, NGND Hà Xuân Quang – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội - cho rằng:

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 của Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với hệ cao đẳng là tốt nghiệp THPT. Đó là quy định hợp lý, dự thảo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nên giữ nguyên điều này.

Cùng quan điểm, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội – nhận định: Dự thảo cho phép các trường được lựa chọn các phương án xét tuyển, có thể sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển cao đẳng, trung cấp hoặc đăng ký tự chủ tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập thì điểm trung bình từng môn học hoặc điểm trung bình chung các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 5,5 (xét tuyển cao đẳng).

Dự thảo quy chế đồng thời quy định phải có Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng ký dự tuyển cao đẳng nếu các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Với quy định này, theo ông Ngọc, chất lượng đầu vào được kiểm soát, nhưng trong điều kiện tuyển sinh cao đẳng, trung cấp gặp nhiều khó khăn thì sẽ hạn chế nguồn tuyển sinh vào cao đẳng.

Nói về điểm mới trong thời gian cho phép các trường xét tuyển trong dự thảo, ông Đồng Văn Ngọc cho rằng: Dự thảo cho phép các trường tuyển sinh làm nhiều đợt trong năm từ 1/1 đến 31/12, nhưng lại quy định: Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển cao đẳng, trung cấp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Như vậy, các trường phải đợi kết quả kỳ thi THPT quốc gia và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để làm cơ sở xây dựng phương án xét tuyển.

Như thế sẽ muộn, do đó khó khăn cho triển khai hoạt động tuyển sinh của các trường. Hiện nay đa số các trường phải triển khai công tác tuyển sinh ngay từ đầu năm kế hoạch.

“Với mục tiêu coi trọng đào tạo kỹ năng trong các trường cao đẳng, trung cấp và tạo điều kiện cho các trường trong công tác tuyển sinh, thì Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ nên quy định cứng về đối tượng tuyển sinh, còn ngưỡng đảm bảo chất lượng cho phép các trường, căn cứ vào hồ sơ đăng ký dự tuyển, từng ngành nghề đào tạo chủ động xác định ngưỡng xét tuyển của từng trường” – Ông Đồng Văn Ngọc đề nghị.

Cân nhắc tiêu chí trình độ giảng viên

Về tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, theo dự thảo, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sẽ căn cứ vào số học sinh, sinh viên chính quy/1 giáo viên, giảng viên quy đổi của cơ sở đào tạo và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo/1 sinh viên, học sinh.

Giáo viên, giảng viên của cơ sở đào tạo được quy đổi về cùng một trình độ để tính các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Đối với các trường đại học, học viện: Lấy số giảng viên có trình độ thạc sĩ làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng chính quy trong năm.

Giảng viên có trình độ khác, được quy đổi về giảng viên có trình độ thạc sĩ theo hệ số: Giảng viên có trình độ đại học, hệ số 0,8; giảng viên trình độ thác sĩ, hệ số 1; trình độ tiến sĩ hệ số 1,5; phó giáo sư hệ số 2 và giáo sư hệ số 3.

Đối với các trường cao đẳng, trung cấp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp: Lấy số giảng viên có trình độ đại học làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp hệ chính quy trong năm.

Giảng viên, giáo viên có trình độ khác được quy đổi về giảng viên, giáo viên có trình độ đại học theo hệ số: Giảng viên trình độ trung cấp, nghệ nhân hệ số 0,6; trình độ cao đẳng hệ số 0,8; trình độ đại học hệ số 1; thạc sĩ hệ số 1,3; tiến sĩ hệ số 1,5; phó giáo sư hệ số 2 và giáo sư hệ số 3.

Bày tỏ băn khoăn với nội dung này, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội Hà Xuân Quang cho rằng: Nếu đào tạo nghề, cần coi trọng giảng viên có tay nghề. Quy định như trên thực sự chưa khuyến khích được giáo viên có tay nghề giỏi về tham gia giảng dạy.

“Đơn cử, nhà trường muốn mời người có tay nghề giỏi nhưng đang làm trong doanh nghiệp về tham gia giảng dạy thì chỉ có thể ở hình thức hợp tác. Nếu không ghi nhận những đối tượng này sẽ bỏ lỡ lượng lớn người dạy có tay nghề thực tế” – Ông Quang nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ