Đại biểu Đỗ Văn Bình - đoàn TP Hải Phòng nêu ý kiến khi thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong phiên làm việc sáng 8/6 của Quốc hội.
Xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tinh nhuệ
Thực tế thời gian qua, cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ trong điều kiện phải đấu tranh với các diễn biến ngày càng phức tạp của các hoạt động xâm phạm chủ quyền, các hành vi vi phạm luật pháp của các đối tượng có vũ trang trên biển.
"Tôi nhất trí cao với việc sửa đổi nội dung xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam không chỉ từng bước hiện đại như đã được quy định tại Pháp lệnh cảnh sát biển mà là xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại như quy định tại Điều 5 của dự thảo luật" - đại biểu Đỗ Văn Bình nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Văn Bình, phần này còn có những quy định nội dung chưa rõ, chưa đầy đủ. Tại khoản 2 Điều 8, với quy định chức năng của cảnh sát biển là giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và sự ổn định của vùng biển, cần làm rõ nội hàm của "giữ gìn sự ổn định của vùng biển" là gì để khi thực thi nhiệm vụ đảm bảo đúng quy định.
Tại khoản 1 Điều 9 quy định nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam có nội dung bảo vệ tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân, theo đại biểu Đỗ Văn Bình, quy định như vậy là chưa đầy đủ.
Đại biểu dẫn giải ví dụ, khi ngư dân đang đánh cá ở vùng biển Việt Nam theo đúng quy định xuất hiện tàu lạ xua đuổi hoặc tranh chấp khai thác nguồn lợi biển với ngư dân Việt Nam, khi đó có thể chưa xuất hiện tình huống xâm hại, đe dọa đến tính mạng, tài sản nhưng đã xâm hại đến quyền, lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.
Với chức năng làm nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển thì bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ngư dân và của tổ chức, cá nhân trên vùng biển Việt Nam là nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.
Làm rõ quy định không được nổ súng
Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Bình, Nghị quyết số 09 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cũng xác định xây dựng lực lượng cảnh sát biển mạnh là một trong những chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, khai thác tài nguyên biển hợp pháp trên vùng biển Việt Nam.
Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định nhiệm vụ của cảnh sát biển là thực thi pháp luật trên biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đại biểu Đỗ Văn Bình cho biết, hiện nay ngoài cảnh sát biển vẫn còn có lực lượng khác hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ như: kiểm ngư, hải quan, để khẳng định vị trí, chức năng của cảnh sát biển là cơ quan làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, tạo điều kiện cho lực lượng này thực thi nhiệm vụ.
Vì thế theo đại biểu Đỗ Văn Bình nên viết lại là: "làm nòng cốt cùng với các lực lượng liên quan khác thực thi pháp luật trên biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tham gia khắc phục sự cố môi trường biển".
Về quy định không được nổ súng, đại biểu Đỗ Văn Bình nêu ý kiến: Khoản 2 Điều 15 dự thảo luật có quy định "Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam không được nổ súng vào tàu thuyền mặc dù biết rõ tàu này là do đối tượng phạm tội điều khiển chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, khi trên tàu thuyền đó có chở người hoặc các con tin để dừng tàu thuyền đó".
Theo đại biểu Đỗ Văn Bình, quy định như trên là không rõ, không nổ súng vào tàu thuyền có các con tin có thể hiểu là để đảm bảo an toàn cho con tin đang chở trên tàu, nhưng còn quy định trên tàu thuyền đó có chở người là chưa rõ, vì có thể người là hành khách, không bắn vào tàu thuyền là để bảo đảm an toàn cho hành khách, nhưng cũng có thể người ở đây là đối tượng phạm tội, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ, hoàn thiện dự thảo luật.