Băn khoăn chất lượng môn ngoại ngữ ở trường mầm non

Băn khoăn chất lượng môn ngoại ngữ ở trường mầm non

(GD&TĐ) - Các chuyên gia giáo dục cho rằng, học ngoại ngữ không bao giờ là sớm và  thời điểm thích hợp nhất để trẻ tiếp xúc với tiếng Anh là ở độ tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các trường mầm non, việc tổ chức cho trẻ học chương trình ngoại ngữ phần lớn là tự phát và thiếu bài bản. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiếp xúc và phát triển năng lực ngoại ngữ của trẻ.

Tại phần lớn các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội hiện nay, bên cạnh các lớp “năng khiếu” về múa, vẽ, đàn, thể dục nhịp điệu,… thường xuất hiện lớp tiếng Anh. Tất cả các lớp này trẻ đều tham gia dựa trên sự tự nguyện đăng ký của các phụ huynh. Những trẻ tham gia các lớp năng khiếu sẽ tách lớp để học cùng với các trẻ lớp khác mỗi khi đến giờ học môn năng khiếu đã được đăng ký. Và các lớp năng khiếu về tiếng Anh bao giờ cũng có học phí cao hơn so với các môn còn lại.

Nhiều trường MN chọn chương trình tiếng Anh có sự tham gia của giáo viên bản ngữ (Ảnh: MH)
Nhiều trường MN chọn chương trình tiếng Anh có sự tham gia của giáo viên bản ngữ (Ảnh: MH)

Vấn đề chất lượng

Hầu hết các chương trình tiếng Anh đang được áp dụng trong các trường mầm non hiện nay đều là tự phát. Nắm bắt nhu cầu cho con tiếp xúc sớm với ngoại ngữ của các bậc phụ huynh nên các trung tâm ngoại ngữ đã tiếp cận các nhà trường, chào hàng và triển khai chương trình của mình. Hiện có rất nhiều chương trình tiếng Anh song song tồn tại trong các trường Mầm non.

Xác định là môn “năng khiếu”, môn học thêm ngoài chương trình cho các con nhưng tiếng Anh lại có đặc thù dễ nhận thấy đó là “nếu không chuẩn từ đầu thì rất khó chỉnh về sau”. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc trau dồi cả 4 kĩ năng quan trọng (đọc, nghe, nói, viết) của việc học ngoại ngữ.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Hùng, M.A, chuyên gia về chương trình tiếng Anh dành cho trẻ em cho biết, đồng ý rằng được tiếp xúc và học ngoại ngữ sớm là một lợi điểm giúp làm nền móng cho quá trình học môn ngoại ngữ về sau của trẻ. Tuy nhiên, vấn đề là chương trình, giáo án, người hướng dẫn,…tất cả cần được “chuẩn từ bước khởi đầu”. Việc nhiều chương trình ngoại ngữ hiện nay đang áp dụng tràn lan trong các trường mầm non, chưa qua kiểm định khiến các nhà quản lý khó kiểm soát được chất lượng. Đôi khi các phụ huynh cho con theo học mà không tìm hiểu kỹ về chương trình dễ dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”.

Học phí cho các lớp tiếng Anh cũng không theo quy định nào mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận (chủ yếu giữa các trung tâm ngoại ngữ hay các công ty giáo dục với các nhà trường). Sự lựa chọn của các phụ huynh chỉ dựa trên cơ sở những giới thiệu từ phía nhà trường nên họ không có nhiều cơ hội. Với trường mầm non, thông thường mỗi trường chỉ chọn 1 chương trình tiếng Anh để giới thiệu đến các phụ huynh. 

Chị Ngọc Bích (quận Hoàng Mai) có con 4 tuổi rưỡi cho biết, mình cũng không biết chương trình tiếng Anh tên là gì nhưng mỗi tháng phải đóng thêm 160.000 đồng cho con học. Bố mẹ làm lao động tự do, không biết tiếng Anh nên cũng chẳng biết con học được gì không. Mấy tháng nay làm ăn khó khăn nên chẳng có điều kiện đóng tiền cho con học nữa.

Chị Lan Anh (quận Long Biên) có con theo học một chương trình tiếng Anh trong trường mầm non với mức giá khá “khủng”: 450.000đ/tháng cho biết, tôi đăng ký cho con học với tâm lý thoải mái, không dám kỳ vọng gì nhiều mà chỉ nghĩ rằng nhà trường tổ chức thì tiện cho con theo học. Thấy mức học phí cao nhưng vẫn cố gắng để cho con được bằng bạn bằng bè. Tôi lo nhất là mất tiền mà con học không cơ bản sau này sẽ khó sửa lỗi vì các bé cho rằng chỉ cô giáo của chúng mới nói đúng.

Chị Thanh Hà (huyện Đông Anh) cho con học lớp năng khiếu tiếng Anh với 80.000 đồng/ tháng cho biết, tôi đăng ký cho con học cả đàn, vẽ và tiếng Anh, cũng chẳng biết cháu học được bao nhiêu nhưng thỉnh thoảng có hỏi thì thấy cháu phát âm sai rất cơ bản. Chắc có lẽ do lớp đông mà học ít thời gian nên cô giáo không uốn nắn được từng bạn. Người lớn nghe trẻ phát âm sai thì buồn cười nhưng cũng lo khi vào tiểu học các cô lại vất vả sửa lỗi cho các con. Năm nay có lẽ tôi dừng, không đăng ký cho cháu học tiếng Anh nữa.

Như vậy, vấn đề đặt ra là gần như không ai quản lý vấn đề chất lượng môn tiếng Anh ở các trường Mầm non. Trẻ chủ yếu học cho vui, tham gia cho biết mà mức học phí thì mỗi nơi mỗi giá. Tại Hà Nội, mức học phí phổ biến của môn tiếng Anh trong các trường Mầm non là từ 80.000 đồng đến 450.000 đồng/tháng. Các phụ huynh chỉ nghe theo vận động của nhà trường, ít cơ hội so sánh để quyết định chọn chương trình bổ ích nhất cho con theo học. Và trả lời cho câu hỏi, anh (chị) thấy cháu học tiếng Anh thế nào?, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, cả năm theo lớp tiếng Anh thấy cháu bập bẹ được vài từ. Vì nhà trường không thi thố, kiểm tra gì nên những phụ huynh không biết ngoại ngữ chỉ có chịu thua không biết con học được những gì, nói sai hay đúng.

Khơi dậy hứng thú của trẻ với môn tiếng Anh

Băn khoăn chất lượng môn ngoại ngữ ở trường mầm non ảnh 2
 

Nhiều ý kiến cho rằng nếu cho trẻ học tiếng Anh sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu trên thế giới đều cho ý kiến ngược lại. Không những việc học tiếng Anh không ảnh hưởng tới tư duy học tiếng mẹ đẻ mà được học tiếng Anh từ sớm còn giúp trẻ nói tiếng mẹ đẻ logic hơn. Độ tuổi học ngoại ngữ tốt và nhanh nhất là dưới 10. Trì hoãn việc cho con học tiếng Anh sớm sẽ làm khả năng học ngoại ngữ sau này của con chậm hơn. Đó là lý do hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con học tiếng Anh ngay từ độ tuổi mẫu giáo

Đặc điểm của trẻ là hiếu động, giàu năng lực, khó tập trung, khả năng ghi nhớ còn thụ động, chưa có định hướng. Cách tốt nhất để trẻ hứng thú với tiếng Anh là các chương trình học không bị gò bó. Học mà chơi sẽ có tác dụng hơn là việc chỉ tập trung vào lý thuyết. Bên cạnh đó, các chương trình sử dụng âm nhạc, trò chơi cũng giúp trẻ bớt nhàm chán.

Các chương trình tiếng Anh cho trẻ nên kết hợp học với việc giới thiệu cho trẻ những câu chuyện ngắn, các bài hát, phim hoạt hình, trò chơi ngôn ngữ theo chủ đề... Điều này khuyến khích trẻ thích học và tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh. Phụ huynh nên chọn những chương trình hội đủ những tiêu chí trên để con theo học đạt được hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, có một số chương trình tiếng Anh đã được nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng và đưa vào hệ thống giáo dục Việt Nam với tiêu chuẩn thích nghi với số đông học sinh (theo quy định về lượng học sinh/lớp của Bộ GD-ĐT). Ví dụ với chương trình tiếng Anh hiện nay đang phổ biến tại các lớp đầu cấp Tiểu học trên toàn quốc, với trên 100.000 h/s theo học là tiếng Anh Phonics – LBUK, thích hợp cho trẻ độ tuổi từ 5 – 10 tuổi. Với cấu trúc thân thiện, dễ hiểu, giúp trẻ phát âm theo đúng ngữ điệu chuẩn Anh, tạo thói quen dung tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 khi bước vào môi trường tiếp xúc hoàn toàn bằng tiếng Anh. Hi vọng rằng, sự phát triển mạnh mẽ và uy tín hiện nay được tạo dựng tại các trường Tiểu học trên toàn quốc với bề dày kinh nghiệm nhiều năm, Phonics – LBUK sẽ sớm dành cho học sinh cấp học Mầm non cơ hội được tiếp cận với chương trình tiếng Anh bài bản, phù hợp lứa tuổi và đảm bảo yếu tố quan trọng: “chuẩn từ bước khởi đầu”.  

Tiếng Anh ngày nay đã trở thành phương tiện quan trọng mà mọi người đều muốn trang bị để có thể hoàn thiện, tự tin, hội nhập. Sự kỳ vọng và chuẩn bị của các bậc phụ huynh cho con cái họ luôn đúng. Tuy nhiên, đứng trước những cơ hội “đầu tư”, phụ huynh nên cân nhắc đến yếu tố “chất lượng”, tránh tình trạng “tham gia cho vui” mà kết quả thu về không xứng với mức chi phí.  

Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cần được trau dồi thường xuyên, liên tục. Với trẻ lứa tuổi Mầm non cần có chương trình và giải pháp đồng bộ, có tính liên thông để tránh tình trạng "học trước quên sau", hoặc tiếp cận thiếu chuẩn ảnh hướng đến quá trình thu nhận kiến thức ở bậc học sau.

Bảo Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.