Bản hợp đồng "lịch sử" của mẹ và con gái

GD&TĐ - Chị Hồng vẫn kiên quyết từ chối dù Lam, con gái chị nhiều lần xin mẹ cho đi học thêm các môn Toán, Văn, ngoại ngữ.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nằn nì xin mẹ không được thì Lam đe dọa, rằng con sẽ không đi học cả chính khóa, nếu mẹ không cho con đi học thêm. Thấy vậy, chị Hồng bèn ngồi lại nói chuyện lần cuối để kết thúc vấn đề này với con:

- Hãy trả lời thành thực với mẹ, con muốn đi học thêm để làm gì?

- Để con học thật giỏi, giỏi hơn các bạn trong lớp, trở thành học trò xuất sắc nhất trường và được khen thưởng. Con muốn mẹ tự hào về con.

- Mẹ nhắc lại với con một lần nữa: Thành tích học tập của con không phải là tấm huy chương của mẹ. Mẹ sẽ không tự hào về điều đó đâu. Lý do của con chưa đủ thuyết phục mẹ đồng ý.

Ngay cả khi chị Hồng đã quyết liệt đến như vậy, nhưng Lam vẫn không chịu thua mẹ. Cô gái nhỏ tiếp tục tấn công mẹ bằng được, để mẹ cho cô đi học thêm. Để tránh việc con gái cứ lèo nhèo mãi, chị Hồng đóng chặt cửa phòng ngủ, không nói chuyện nếu Lam cứ tiếp tục chủ đề đòi đi học thêm.

Lam bèn viết một lá thư, rồi ban đêm nhét qua khe cửa phòng ngủ của mẹ. Lá thư viết: “Mẹ ơi, con biết rằng mẹ phải đi làm rất vất vả để nuôi con ăn học. Việc phải bỏ thêm tiền cho con đi học thêm, bỏ thêm thời gian đưa con đi học ngoài giờ chính khóa lại chồng thêm vất vả cho mẹ.

Những lý do cho việc đi học thêm trước đây mà con đưa ra là không phù hợp. Bây giờ, con mới thực sự hiểu, rằng tại sao con cần giỏi hơn. Con không thực sự hài lòng với những gì được học ở chính khóa, con muốn học thêm để phát huy hết những năng lực con nghĩ là mình có.

Con sẽ phấn đấu để khi học hết cấp THPT, sẽ giành được học bổng du học ở Anh, học ngành học về di dân quốc tế, để được làm việc ở Liên Hợp Quốc, từ đó có thể giúp đỡ những người phải di dân trên toàn thế giới mẹ ạ”.

Sáng hôm sau, khi Lam vừa thức giấc, vươn vai ngồi dậy thì thấy một tờ giấy nhỏ gần khe cửa phòng ngủ của mình. Cô gái nhỏ hồi hộp mở lá thư của mẹ ra.

Thư viết: “Con gái yêu. Mẹ mừng vì con tìm ra sứ mệnh của mình rất sớm. Hãy dành cả đời mình để thực hiện sứ mệnh này, con nhé. Mẹ sẽ đồng hành cùng con. Nhưng trên hết, con cần đồng hành với chính mình suốt cả cuộc đời và đừng từ bỏ chính mình, từ bỏ sứ mệnh của mình. Con chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh đẹp đẽ đó, hạnh phúc với sứ mệnh đó, khi con biết nghiêm khắc tự kỷ luật. Mẹ tin tưởng ở con”.

Cũng trong ngày hôm đó, khi đi làm về nhà, chị Hồng cùng con gái thảo ra một bản hợp đồng. Trong đó, chị Hồng là chủ đầu tư, còn Lam là đối tác nhận đầu tư. Chị Hồng sẽ đầu tư tiền và thời gian để giúp con gái thực hiện nguyện vọng đi học thêm, du học… của Lam, còn Lam sẽ phải thực hiện được sứ mệnh trở thành một nhân viên làm việc cho Liên Hợp Quốc.

11 năm đã trôi qua kể từ ngày hai mẹ con ký bản hợp đồng có một không hai đó, tới nay, Lam đã đường hoàng làm một nhân viên của Liên Hợp Quốc, sinh sống và làm việc lại Geneve (Thụy Sĩ).

Lam là người đầu tiên trong gia đình làm việc tại Liên Hợp Quốc. Bản hợp đồng của hai mẹ con chị Hồng đã đi vào lịch sử gia đình. Chị vẫn trân trọng giữ nó, cùng với lá thư con chị nhét qua khe cửa phòng ngủ năm ấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.