Đối tượng bồi dưỡng là viên chức giảng dạy hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học công lập, có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách và nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp Giảng viên chính (hạng II), có một trong các điều kiện sau:
Đang giữ chức danh nghề nghiệp Giảng viên chính (hạng II) nhưng chưa có Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Giảng viên chính (hạng II);
Đang giữ chức danh nghề nghiệp Giảng viên (hạng III) hoặc tương đương từ đủ 5 năm trở lên.
Chương trình gồm 11 chuyên đề giảng dạy, tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch, được bố cục thành 3 phần:
Phần I: Kiến thức về chính trị, về quản lý nhà nước và các kỹ năng chung (gồm 4 chuyên đề);
Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp (gồm 7 chuyên đề);
Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.
Tổng thời gian bồi dưỡng là: 6 tuần với 240 tiết. Trong đó có 176 tiết lý thuyết, thảo luận, thực hành; 10 tiết ôn tập; 6 tiết kiểm tra; 44 tiết tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch và 4 tiết công tác tổ chức lớp (khai giảng, bế giảng).
Yêu cầu đối với học viên: Nắm bắt được những hiểu biết cần thiết đối với Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Giảng viên chính (hạng II);
Sau khi tham gia khóa bồi dưỡng, học viên được nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, có tác phong và phương pháp làm việc đáp ứng yêu cầu đối với chức danh nghề nghiệp Giảng viên chính (hạng II).
Việc đánh giá ý thức học tập của học viên theo quy chế học tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Đánh giá thông qua kiểm tra viết (hoặc thực hành), chấm theo thang điểm 10. Học viên phải làm bài kiểm tra theo quy định, học viên nào không đạt điểm 5 trở lên thì phải kiểm tra lại.
Đánh giá chung cho toàn Chương trình thông qua bài thu hoạch cuối khóa, chấm theo thang điểm 10. Học viên không đạt điểm 5 trở lên thì phải viết lại bài thu hoạch. Sau khi viết lại bài thu hoạch, nếu không đạt được điểm 5 trở lên thì học viên không được cấp Chứng chỉ.
Căn cứ Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Giảng viên chính (hạng II) đã ban hành, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng và báo cáo Bộ GD&ĐT (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) trước khi tổ chức lớp học.
Việc quản lý và cấp phát chứng chỉ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức.