(GD&TĐ) - Trước nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, bán hàng đa cấp đang ngày càng phát triển mạnh. Bên cạnh những công ty làm ăn chân chính cũng có một số công ty kinh doanh đa cấp làm biến tướng hình thức kinh doanh này. Bằng đội ngũ cộng tác viên và hệ thống chân rết, sản phẩm được bán cho người dân với giá không hề rẻ, còn công dụng và chức năng thì chỉ “nghe nói”.
Lắm chiêu bán hàng đa cấp
Sau nhiều ngày nghe lời rủ rê của một số SV, chúng tôi cũng tìm được giấy mời tham gia hội thảo, hội nghị do các công ty bán hàng đa cấp tổ chức tại TP.HCM. Thuyết giảng ở hội thảo là những người được cho là CEO, giảng viên, chuyên gia về bán hàng đa cấp, họ đi xe hơi xịn, bước vào hội thảo là “rót mật” vào tai những khán giả, mời gọi họ tham gia với mức lương hàng chục, hàng trăm triệu đồng/tháng. Còn khán giả đa phần là SV các trường ĐH, CĐ, một số bà nội trợ và những người đang thất nghiệp mong có việc làm. Trong đó, đối tượng tân SV và SV năm cuối các trường được các công ty bán hàng đa cấp tập trung lôi kéo mạnh mẽ nhất.
Đây được xem như chiêu quảng bá nhằm gia tăng số lượng cộng tác viên bán hàng đa cấp và hệ thống chân rết lan tỏa đi khắp nơi. Tham gia vài lần nên chúng tôi hiểu được phần nào thực hư của việc bán hàng này. Tại một buổi hội thảo, T- SV trường CĐ Công thương TP. HCM bắt đầu ngay vào việc tiếp thị sản phẩm với chúng tôi. Ban đầu là thực phẩm chức năng đủ loại từ Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hàn Quốc,… sau thấy không “ăn thua” nên T đem tiếp các loại mỹ phẩm, rồi đến kem đánh răng, nước rửa chén, xà phòng, dầu gội và nhiều thứ khác mà nhãn hiệu, mẫu mã chưa từng thấy xuất hiện trên thị trường bao giờ. Không quên chuyện lương bổng, T khoe “Mức lương hiện nay là 15 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng, phụ cấp, còn những người khác cấp cao hơn, lương tháng cả trăm triệu đồng”. Tuy nhiêu, điều kiện cuối cùng để tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp là phải mua bộ sản phẩm giá từ 1,5- 5 triệu đồng để tiếp thị và bán ra thị trường, từ đó mở rộng cộng tác viên để hưởng phần trăm hoa hồng... Anh giảng viên xưng tên Vinh, quê ở Bến Tre, khoe rằng trước kia anh làm thợ hồ, khó khăn quá nên được bạn giới thiệu đi bán hàng đa cấp ở công ty thực phẩm chức năng T. Làm ăn khấm khá nên anh trở thành “cấp cao” và đi giảng về bán hàng đa cấp trong các hội thảo và kiêm “giảng viên” về thực phẩm chức năng?!
Một cuộc hội thảo của nhóm kinh doanh hàng đa cấp |
Chúng tôi được bật mí cách kinh doanh đa cấp rất cụ thể, bán hàng đa cấp là kiểu bán hàng theo cấp số, bạn là người đầu tiên trong chuỗi bán hàng, rồi bạn giới thiệu được 2 khách hàng trở thành 2 nhánh trong chuỗi đó, tiếp theo đó 2 khách hàng của bạn lại tiếp tục giới thiệu mỗi người 2 khách hàng nữa, người ta gọi là các kênh bán hàng. Tiếp tục cứ theo chiều hướng cấp số đó mà tăng lên. Khi đó bạn sẽ được hưởng hoa hồng từ những người mà bạn giới thiệu, tạo thành một chuỗi dài vô tận. Khi đó 2% mà bạn nhận được nó sẽ được nhân lên rất nhiều, đó chính là kiểu bán hàng đa cấp và kinh doanh mạng.
Theo nhiều người đang kinh doanh thực phẩm chức năng cho biết, ở sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu và kinh doanh đa cấp, mức chênh lệch giữa mua vào và bán ra cho các nhà phân phối trung bình là 73%, có khi cao hơn 100%. Tuy nhiên, mức giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng còn cao hơn gấp nhiều lần. Bằng mức siêu lợi nhuận, kinh doanh hàng hóa mà giá cả có thể “hét” bất cứ lúc nào nên đã đánh trúng vào tâm lý muốn kiếm nhiều tiền của người tham gia. Một số công ty đã kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, thông tin sai lệch về tính năng, thổi phồng công dụng sản phẩm… Để phát triển mạng lưới phân phối, các doanh nghiệp quy định mức tiền thưởng, tiền hoa hồng cao, vì thế phải nâng giá bán sản phẩm cao gấp nhiều lần so với giá thực tế.
Coi chừng “tiền mất tật mang”!
Những kiểu bán hàng đa cấp không mới ở nước ta, cách đây mấy năm đã xuất hiện nhiều công ty bán hàng đa cấp “nổi đình nổi đám” có tới hàng chục ngàn nhân viên và đại lý như: S L tại Hà Nội; T; A tại TP. HCM. Sau đó một thời gian công ty biến mất trong im lặng, nhiều người trắng tay mà không biết tìm ai? Hỏi ai và đi thưa kiện ai? Bạn Thái Minh, SV trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Nhỏ em họ của mình và nhiều bạn học cùng lớp mới chân ướt chân ráo vào học thấy các bạn SV khóa trước kinh doanh hàng đa cấp làm quen. Ban đầu rủ đi dự hội thảo của một công ty với những lời lẽ rất hay là có thể tự kinh doanh, kiếm tiền ăn học không phải xin gia đình... Sau thời gian mê việc, nhỏ em bắt đầu bỏ tiết, thường xuyên nghỉ học. Thời gian đầu làm có tiền, được trả lương qua tài khoản và quản lý qua mạng, sau đó công ty tuyên bố giải thể, nhỏ em trắng tay, còn mấy triệu đồng tiền gửi lấy hàng cũng mất luôn!”.
Thường các công ty kinh doanh hàng đa cấp không quảng cáo, chỉ mồi chài người mua, mở rộng cộng tác viên nhằm phát triển mạng lưới. Thường mỗi người muốn gia nhập mạng lưới phải mua một sản phẩm gì đó giá cả rất cao, còn chất lượng thì phải “hỏi lại sau”. Như việc kinh doanh các loại thực phẩm chức năng, thiết bị trị liệu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Sau đó, dùng đội ngũ bán hàng để quảng cáo, tiếp thị gây cho người tiêu dùng ngộ nhận là thuốc chữa bệnh, hoặc thổi phồng công dụng của sản phẩm… Chị Mỹ Kim, ở Q.9, TP.HCM, từng tham gia bán hàng đa cấp cho biết: “Tôi từng kinh doanh đa cấp và nhận ra rằng hiện nay còn có những ‘con sâu làm rầu nồi canh’ càng làm công việc kinh doanh đa cấp thêm khó khăn. Vấn đề là tự bản thân chúng ta tìm hiểu, suy xét cho kỹ trước khi tham gia vào công ty kinh doanh đa cấp nào đó. Đừng mơ tưởng dễ dàng quá để có thu nhập như người ta nói 50 - 100 triệu đồng/tháng”.
Đa số người bán hàng đa cấp bước chân vào môi trường này ít nhất phải bỏ ra một số tiền để mua món hàng không rõ xuất xứ nhưng đội một giá “cắt cổ” vì lời rủ rê, mời gọi của những người thân, bạn bè và những lời hoa mỹ. Điều đương nhiên là muốn bán được hàng phải quảng cáo, đầu tiên là quảng cáo cho gia đình bạn, bạn bè, người thân, sau đó mới đến người khác và nhiều người sau khi kinh doanh hàng đa cấp một thời gian mới ngộ ra rằng: “Mình như cỗ máy bán hàng theo kiểu mắt xích”. Cũng có một số người do trình độ hạn chế, mất cảnh giác bị cuốn vào việc bán hàng đa cấp theo kiểu “buôn bán mối quan hệ” này. Anh Nguyễn Thanh Việt, nhân viên công ty Việt Sơn, Q.3, cho biết: “Bạn tôi và cũng là đồng nghiệp, đang công tác tại một cơ quan mức thu nhập ổn định, đùng một cái xin nghỉ để tham gia bán hàng đa cấp. Tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã từng được mời mọc với những lời đề nghị hấp dẫn về lương, đôi lúc cũng thấy bị phân tâm. Nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn từ chối và theo nghề nghiệp bấy lâu nay của mình. Bây giờ biết tin một số công ty kinh doanh đa cấp giải thể, nhiều người trắng tay cũng chẳng biết nói sao. Không biết người bạn, người đồng nghiệp của mình như thế nào rồi?!”
Theo Sở Công thương TP. HCM, tính đến tháng 6-2011, sở đã cấp 29 giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. |
Nguyễn Quốc Ngữ