Tọa đàm do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức. Tọa đàm nhằm đánh giá bối cảnh dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam, xác định khoảng cách, cơ hội, tập trung vào ba lĩnh vực: thành tích học sinh, chất lượng giáo viên và tiếng Anh trong giáo dục.
Thông qua Tọa đàm, Ban tổ chức thu thập ý kiến của các bên liên quan về ưu tiên và tính khả thi của các khuyến nghị chính sách; đồng thời khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong quy trình xây dựng và thay đổi chính sách.

Phát biểu mở đầu, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta phải xây dựng kế hoạch, lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
Theo đó, tiếng Anh không chỉ là môn học, mà còn dạy các môn học khác bằng tiếng Anh. Muốn vậy, chúng ta phải thống nhất cách hiểu Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Kết luận số 91-KT/TW nêu rõ: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...".
Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh không chỉ là nhiệm vụ giáo dục, mà còn là chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, việc sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giảng dạy trong các môn học khác nhau, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy đa chiều, linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với những thách thức mới.
“Dù vậy, định đây là nhiệm vụ khó khăn, không thể thực hiện nhanh chóng” - GS.TS Lê Anh Vinh nhìn nhận và cho rằng, chúng ta phải đặt ra kế hoạch rõ ràng và có lộ trình cụ thể.
Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục cần có kế hoạch đưa tiếng Anh vào nội dung chương trình giảng dạy. Làm sao để tiếng Anh trở thành công cụ giáo dục và trở thành ngôn ngữ thứ hai ở một cấp độ nào đó.

Nhận thấy, xuất phát điểm của mỗi cơ sở giáo dục là khác nhau và có những khó khăn nhất định, TS Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng Ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia nhấn mạnh, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng các bước để hiện thực hóa điều đó trong tương lai.
TS Nguyễn Thị Mai Hữu mong muốn thông qua tọa đàm sẽ thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp của các bên liên quan để thực hiện hiệu quả các hoạt động tiếp theo.
Trưởng Ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia gợi mở, đưa tiếng Anh thứ hai trong trường học nghĩa là trở thành ngôn ngữ giao tiếp, giảng dạy trong nhà trường. Không chỉ vậy, mục tiêu lớn hơn cả là, tất cả giáo viên có thể dạy học bằng tiếng Anh. Sau 2045, hy vọng các nhà trường có thể đưa nền giáo dục nước nhà trở thành song ngữ.
Từ những năm 2000, Chính phủ Việt Nam nhận thấy vai trò quan trọng của tiếng Anh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Ngày 30/9/2008 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1400/QĐ-TTg về “Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020", nhằm cải cách toàn diện giáo dục ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tại Việt Nam. Đề án nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngày 22/12/2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 2080/QĐ-TTg, điều chỉnh Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025. Để đáp ứng những yêu cầu mới của kỷ nguyên số, giai đoạn này Đề án xác định tám định hướng chiến lược, bao gồm tích hợp dạy ngoại ngữ với các môn học khác, tăng cường ứng dụng công nghệ, tạo môi trường học tập, đảm bảo năng lực giáo viên và thúc đẩy xã hội hóa trong giáo dục ngoại ngữ.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tại tọa đàm thảo luận chuyên sâu về kết quả học tập của học sinh, chất lượng giáo viên và việc triển khai giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Các giảng viên, giáo viên, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế đã báo cáo thực trạng, đối thoại mở về các ưu tiên và thách thức, cùng thảo luận chuyên sâu về các khuyến nghị chính sách.