Bàn giải pháp kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

GD&TĐ - Nhiều ý kiến của chuyên gia đến từ các tổ chức uy tín cùng bàn luận, trao đổi, nhằm kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao của Việt Nam.

Các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi, bàn giải pháp để cùng nhau tìm ra giải pháp giúp nâng cao vị thế, giá trị của chè Việt Nam.
Các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi, bàn giải pháp để cùng nhau tìm ra giải pháp giúp nâng cao vị thế, giá trị của chè Việt Nam.

Chương trình được chỉ đạo bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam; Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) là đơn vị phối hợp tổ chức.

Định vị vị thế cho cây chè

doanh.jpg
Các đại biểu tham dự diễn đàn tham quan gian hàng trưng bày một số sản phẩm chè nổi tiếng tại chương trình.

Chè là một cây công nghiệp thế mạnh của Việt Nam. Thời gian qua, người dân và cơ quan chuyên môn đã tập trung chuyển đổi cơ cấu giống chè mới. Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Ô Long và các loại chè khác lên 20%.

Diễn đàn được tổ chức với mục đích truyền thông, phổ biến rộng rãi bộ giống chè mới, kinh nghiệm đổi mới bộ giống chè, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và chế biến các sản phẩm chè của Việt Nam.

tbt.jpg
Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu tại diễn đàn.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka. Nguyên nhân chính do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng.

"Vì thế, nếu có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ từ cấp nông hộ đến doanh nghiệp và cả sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, cơ quan truyền thông… ngành chè Việt Nam sẽ có một vị thế mới trên thị trường quốc tế", nhà báo Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh thêm.

manh.jpg
Ông Nguyễn Quốc Mạnh trao đổi ý kiến tại chương trình.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1.125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỉ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.

Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD. Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD. Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn.

Để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.

Đa dạng hóa các giống chè mới

tien.jpg
Bà Nguyễn Thị Hồng Lam giới thiệu về một số giống chè mới được công nhận.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho hay, công tác nghiên cứu về cây chè được đơn vị này triển khai thực hiện 30 nhiệm vụ với tổng kinh phí khoảng 55 tỷ đồng.

Từ các nhiệm vụ được giao, Viện đã lựa chọn ra được bộ giống chè mới gồm 16 giống chè. Các quy trình kỹ thuật canh tác bền vững gồm có 5 tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ và 13 quy trình kỹ thuật cấp cơ sở đã được ngành sản xuất chè áp dụng trên hàng ngàn hecta chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn chè hữu cơ góp phần làm tăng giá trị cho sản phẩm chè Việt Nam.

Hiện tại, đơn vị này đã phát triển thành công và công nhận hai giống chè mới là Hương Bắc Sơn và TRI5.0.

Đặc biệt, thực hiện theo yêu cầu của Luật Trồng trọt năm 2019, Viện đã tiến hành lập hồ sơ và được Cục Trồng trọt chấp nhận công nhận và tự công bố lưu hành 11 giống chè, bao gồm các giống nổi bật như VN15, LCT1, PH21, TC4, PH12, PH14, LP18, PH22, PH276, CNS141, CNS183 và Bát Tiên.

tuan.jpg
Ông Đoàn Anh Tuân trao đổi tại diễn đàn.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đoàn Anh Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới chia sẻ, đơn vị hiện tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng; đầu tư trang thiết bị, nâng cao công nghệ sản xuất túi lọc, đảm bảo công nghệ sản xuất chất lượng cao nhất. Đặc biệt nói không với các chất bảo vệ thực vật không được phép.

Ngoài việc sản xuất chè theo cách truyền thống, một số sản phẩm phụ trợ như làm bột matcha… ngày càng được thị trường đón nhận. Song song với đầu tư công nghệ, doanh nghiệp sẽ phát triển các sản phẩm như du lịch sinh thái tại các vùng trồng chè. Việt Nam có nhiều sản phẩm độc đáo như chè sen được ướp độc đáo và tinh tế, đủ khả năng đưa lên tầm quốc bảo với giá trị cao hơn.

long.jpg
Ông Hoàng Vĩnh Long đưa ra quan điểm để tăng giá trị sản phẩm chè.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, chè Việt Nam xuất khẩu có giá rẻ nhưng vẫn cao hơn giá thế giới.

Thế giới nhìn nhận chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.

Hiện nay, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới. Nông nghiệp phá vỡ sản xuất tập trung, nông công nghiệp còn ít. Và họ lại tiếp tục tìm mua búp rẻ. Như vậy, để khắc phục tình trạng này, cần tập trung liên kết doanh nghiệp, HTX, nông dân, chính quyền địa phương. Tất cả cần vào cuộc để khai thác tiềm năng, bỏ tư duy “dìm giá”, phân tán thị trường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.