Khoảng cách giữa quy định và thực tế
Dạo quanh một số địa bàn có nhiều khu nhà trọ cho thuê trên địa bàn Hà Nội như: Xuân Đỉnh, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Cổ Nhuế, Gia Lâm, Đông Anh, Đống Đa, Hoàng Mai... người đi thuê trọ hầu như phải trả giá điện cao hơn rất nhiều so với quy định.
Cụ thể, theo quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt của Nhà nước hiện nay đang được chia theo 6 bậc thang: Bậc 1 (từ 0 -50kWh) 1.549 đồng/kWh; bậc 2 (51kWh - 100kWh) 1.600 đồng/kWh; bậc 3 (101kWh - 200kWh) 1.858 đồng/kWh; bậc 4 (201kWh - 300kWh) 2.340 đồng/kWh; bậc 5 (301kWh - 400kWh) 2.615 đồng/kWh và bậc 6 (từ 401kWh trở lên) 2.701 đồng/kWh. Nhưng hiện nay hầu hết các chủ có nhà cho thuê thu 4.000 – 4.500 đồng/kWh, cao hơn rất nhiều so với giá điện sinh hoạt của Nhà nước quy định, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người đi thuê, đặc biệt là thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Anh Nguyễn Đức Nhiệm – người đi thuê trọ tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện tiền điện mà gia đình anh cùng mọi người ở đây đang phải đóng là 4.000 đồng/kWh. Quả thực 4.000 đồng/kWh là cao hơn rất nhiều so với giá Nhà nước quy định, nhưng nói thật vẫn còn rẻ hơn một số nơi khác 500 đồng/kWh. “Trước kia gia đình tôi thuê ở trên đường Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy) chủ nhà tính 4.500 đồng/kWh, cứ đến mùa hè nắng nóng vì có con nhỏ phải bật điều hoà nhiều nên gia đình mất cả triệu tiền điện mỗi tháng. Tuy đến thuê ở đây giá điện rẻ hơn được 500 đồng/kWh, nhưng mùa hè nắng nóng vợ chồng tôi vẫn lo vì tiền điện sẽ tăng” – anh Nhiệm chia sẻ.
Trước câu hỏi, mọi người có thắc mắc về giá điện với chủ nhà không, anh Nhiệm cho biết, khi đến thuê chủ nhà trọ thông báo giá điện, nước, nhưng vợ chồng tôi thấy cũng chấp nhận được vì phòng ốc ở đây rộng và thoáng mát. Theo anh Nhiệm, hiện ở hầu hết các khu nhà trọ cho thuê đều áp giá điện 4.000 – 4.500 đồng/kWh, thậm chí có chủ nhà còn lấy 5.000 đồng/kWh. Tất nhiên, cũng có nơi chủ nhà chỉ lấy 3.000 - 3.500 đồng/kWh, nhưng ngược lại giá nước, cáp truyền hình, Internet... lại tăng cao hơn và nơi ở cũng chật chội, xuống cấp hơn nên đâu cũng vào đó.
Đừng để quy định chỉ ở trên giấy tờ
Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn giá bán điện cho sinh viên, công nhân và người lao động thuê nhà rất rõ ràng: Nếu chủ nhà trọ đứng tên hợp đồng mua bán điện sẽ được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán điện sinh hoạt của bậc 3 (trường hợp không xác định được số hộ), thì cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người là 1/2 định mức, 3 người là 3/4 định mức và 4 người được tính là 1 định mức. Trong trường hợp, nếu không thể kê khai được số người thì sẽ áp dụng bán lẻ giá điện sinh hoạt của bậc 3 là ở mức từ 101kWh đến 200kWh với giá 1.858 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện tiêu thụ của đồng hồ tổng.
Liên quan đến chế tài xử phạt vi phạm hành chính, tại Điều 12, Khoản 6 của Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thuỷ điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã nêu rất rõ: Đối với người cho thuê nhà trọ thu tiền điện giá cao hơn quy định đối với người thuê nhà trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ cho mục đích sinh hoạt sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Để Nghị định của Chính phủ, cũng như Thông tư của Bộ Công Thương được thực thi một cách nghiêm minh, cũng như để sinh viên, công nhân và người lao động đi thuê nhà trọ không phải trả giá điện “trên trời” như hiện nay, thiết nghĩ, các cấp, ngành, đoàn thể cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, chính quyền địa phương (nơi có các nhà trọ cho thuê) cần phải vào cuộc kiểm tra sát sao hơn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để người đi thuê nhà trọ được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt theo đúng quy định của Nhà nước.