(GD&TĐ) - “Lên Cỏi đi! Điện sáng theo đường bê tông đã về đến bản, nhà tạm đã được xóa xong, bản Cỏi giờ đã có tới 2 cử nhân rồi đấy...” - cái cách mời khách vừa như khoe, vừa như rủ rê nhiệt tình của ông Trưởng bản Đặng Vĩnh Phúc đã thôi thúc chúng tôi ngược ngàn Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) vào một ngày đầu thu nắng đẹp...
Điện xuyên mây về sáng nếp nhà sàn
Mấy năm trước đường về bản Cỏi chỉ là lối mòn gập ghềnh đất đá, hết dốc dựng lại đến cua tay áo, xe máy cài số 1 chỉ vượt được từng chặng, ngày mưa cuốc bộ có khi còn nhanh hơn nhiều lần so với đi xe. Vậy mà hôm nay trở lại, bản của đồng bào Dao Tiền nằm ẩn mình dưới tán đại ngàn rừng quốc gia Xuân Sơn đón chúng tôi bằng lối trải bê tông phẳng lì tuy chỉ đủ 2 làn xe tránh nhau nhưng đã như một giấc mơ dành tặng cho miền “sơn cùng thủy tận này”.
Mấy anh cán bộ ở phòng giao thông Tân Sơn kể rằng, làm đường khắp huyện nhưng chẳng đâu ngại bằng điều xe đổ đường lên bản Cỏi. Khí hậu khắc nghiệt lại thêm địa hình đồi núi hiểm trở thế nên không ít thợ bỏ cuộc giữa chừng, phải chật vật lắm mới được nghe tiếng reo vui của bà con ngày bàn giao công trình. Ánh điện theo các trụ cao thế xuyên mây ngàn về tận đầu sàn, rồi đến đường giao thông kiên cố... chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước về tới bản nhanh hơn, đời sống của đồng bào Dao Tiền được cải thiện dần dần...
Ngày hội bản Dao |
Dừng xe bên con suối đầu bản, từ xa đã nghe thấy rộn ràng tiếng trẻ nô đùa, tiếng máy xay xát, tiếng cưa đục rộn rập bên những căn nhà sắp khánh thành. “So với thời kỳ mới hạ sơn định cư, dân số của bản đã đông hơn nhiều, với 85 hộ và gần 400 nhân khẩu. Xong mấy căn này nữa là coi như bản đã xóa được gần 85% nhà tạm thay bằng nhà kiên cố. Số vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ giải quyết được một nửa nhu cầu, còn lại là do bà con huy động các nguồn để tự kiên cố nếp nhà của mình. Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng có được ngôi nhà rộng, vững chãi để ở là đã vui sướng lắm rồi...” - Trưởng bản Đặng Vĩnh Phúc giọng tự hào. Ông Phúc đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình tiêu biểu cho phong trào tự tích cóp đủ tiền xây nhà mà không phải nhờ đến nguồn hỗ trợ như hộ anh Bàn Văn Hoan, Triệu Văn Khang hay Lý Thị Tào.
Chỉ tay vào căn nhà rộng rãi, khang trang trên nền nhà cũ, anh Triệu Văn Khang cười: “Thành quả của gần 15 năm gia đình tôi tiết kiệm đấy. Trong nhà chưa sắm được nhiều tài sản có giá trị đâu nhưng tôi luôn động viên để vợ tin là, nhà đã thoáng, đã rộng thì suy nghĩ sẽ thông, làm ăn sẽ thuận, con cái học hành sẽ tiến bộ...”.
Từ ngày có điện, có đường bê tông, diện mạo bản Cỏi đã đổi thay, cũng như từ khi có nhà kiên cố, nếp nghĩ, cách thức làm ăn của phần đông bà con Dao Tiền nơi đây đã được mở mang, thông thoáng hẳn. Bản đã có hàng chục gia đình thực hiện mô hình kinh tế trang trại kết hợp cả trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển chăn nuôi đại gia súc, dựng chuồng nuôi gia cầm với quy mô lớn. Nhờ có nguồn nước tưới dồi dào, bên những thửa ruộng hẹp cấy lúa, bà con còn trồng xen canh một số loại rau màu, mùa nào thức ấy vừa phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt, vừa cung cấp cho thương lái để có thêm thu nhập.
Bà con bản Cỏi giờ đã làm lúa nước, không đốt nương nữa |
Kinh tế ổn định, cái đói cố hữu từ bao đời bị đẩy xa dần, đời sống tinh thần của người bản Cỏi vốn đã phong phú nay càng sinh động. Đêm ở bản giữa ngàn, ánh điện bừng sáng trong mỗi ngôi nhà, trẻ nhỏ bi bô học chữ, người già quây quần bên bếp lửa chuyện trò, chủ các gia đình thì tập trung vừa xem ti vi vừa bàn chuyện làm ăn, mở mang kinh tế. còn cánh thanh niên lại họp nhau hát đối đáp, giao duyên, tiếng cười lanh lảnh vọng vào vách núi. “Người Dao Tiền ở bản Cỏi hôm nay đâu chỉ no dần cái bụng, chắc ấm nếp nhà mà việc học hành của con trẻ cũng ngày càng được quan tâm. Tỷ lệ các cháu được về trường huyện học hết cấp THCS, THPT ngày càng tăng, đặc biệt là năm vừa rồi bản đã có 2 cử nhân đầu tiên tốt nghiệp đại học, xin được việc ở thành phố...” - ông Trưởng bản Phúc không giấu nổi niềm tự hào.
Giữ rừng để giữ bản sắc
Bản Cỏi của đồng bào Dao Tiền là địa bàn xa nhất, sâu nhất trong Vườn quốc gia Xuân Sơn, một trong những nơi có sự đa dạng sinh thái vào bậc nhất nước. “Nhiều người bảo rằng, có lẽ do rừng thiêng, nước độc, đường vào hiểm trở nên những cánh rừng già nơi đây mới được duy trì, đa dạng sinh học mới phong phú thế. Nhưng chỉ những người trong cuộc như chúng tôi mới hiểu được vai trò, công lao giữ rừng của người dân đặc biệt là đồng bào Dao bản Cỏi. Đồng bào được tham gia xây dựng quy chế rồi tự nguyện bảo vệ rừng, không chặt phá, không làm bẫy diệt thú dưới mọi hình thức...” - anh Khuất Văn Hoàng, cán bộ kiểm lâm xã Xuân Sơn bộc bạch.
Đồng bào Dao Tiền từ bao đời nay “sống nhờ rừng, thác gửi rừng” nên rừng là cuộc sống của họ. Truyền đời bà con vẫn lấy việc khai thác lâm sản, đốt nương, trỉa lúa làm kế sinh nhai. Thế nhưng từ khi vườn quốc gia thực hiện chính sách “khoán bảo vệ rừng nguyên sinh”, dựa vào mỗi nhà để giữ rừng thì bà con bảo nhau nghe theo chính quyền là trồng lúa nước để khỏi phải đốt nương, không lên núi đốn cây, bắt thú nữa mà “mỗi người đã trở thành một kiểm lâm”.
Lối làm việc của Ban quản lí Vườn quốc gia theo đúng quy chế, sòng phẳng, thật thà như bản tính người Dao với mức khoán 50.000 đồng/ha bảo vệ và 4 triệu đồng/ha trồng rừng khiến bà con rất yên tâm, ủng hộ. Hàng ngày, hàng tháng bà con bản Cỏi chia ra thành từng nhóm đi tuần tra rừng. Ai chặt phá rừng, đặt bẫy diệt thú nếu phát hiện nhẹ thì bị cảnh cáo, nặng thì bị truy tố và bên cạnh đó còn bị phạt, bị trừ vào tiền bảo vệ rừng hàng năm.
“Số tiền vài triệu đồng cho công sức bảo vệ và trồng rừng một năm chưa đủ để giúp đồng bào Dao Tiền ở bản Cỏi làm giàu nhưng điều quan trọng là sự phối hợp, gắn kết này giữa chính quyền và người dân đã giúp bà con nhận ra được giá trị và ích lợi của rừng nguyên sinh - cái nôi nuôi dưỡng họ từ bao đời. Giữ được rừng là giữ được những nét riêng độc đáo chỉ có ở bản làng mình. Người Dao nào ở bản Cỏi cũng hiểu điều đó...” - ông Bàn Xuân Lâm, Chủ tịch xã Xuân Sơn tâm sự.
Nguyễn Trương Minh