Bám trụ với nghề bán muối, rong ruổi ngày mùng 1 tết

Cứ đến sáng mùng 1 tết, một số bà con ở các xã vùng biển như Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Bích… thuộc huyện Diễn Châu (Nghệ An) lại rong ruổi trên đường để đi bán muối cầu may như một tục lệ đẹp.

Bám trụ với nghề bán muối, rong ruổi ngày mùng 1 tết
Về xã Diễn Vạn, người ta dễ dàng cảm nhận ngay được mùi vị mặn mòi của biển và vị đặc trưng của mùi hải sản tươi mới… Với 30% hộ nghèo toàn huyện, gần 500 hộ 3 xóm ở xã Diễn Vạn đang bám biển với các nghề như sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản… Một số gia đình còn lại thì buôn bán phế liệu hoặc kinh doanh …

Bám trụ với nghề bán muối, rong ruổi ngày mùng 1 tết - Ảnh 1


Sức lực bỏ ra làm thì nhiều nhưng công lời người dân thu lại chẳng đáng bao nhiêu. Tuy vậy, vì cái nghèo, cái khổ đeo bám, 40% hộ dân trong xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu vẫn đang phải oằn lưng theo nghề làm muối, bán muối rong. Hiện, trong xã có 3 hợp tác xã vẫn đang bám trụ với nghề làm muối này. Nhưng cũng vì vất vả quá, nhiều người dân đã bỏ nghề đi buôn bán phế liệu hoặc dành sức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Bám trụ với nghề bán muối, rong ruổi ngày mùng 1 tết - Ảnh 2


Rong ruổi trên từng con đường để rao bán muối
Ông Hoàng Thành Đô, trưởng xóm Trung Hậu cho biết: “Khó khăn quá nên dân họ chuyển nghề phần nhiều rồi, còn một số rất ít bám nghề bán muối nữa thôi. 6, 7 năm trước cũng vì bán muối rong ruổi thế này mà nhiều người gặp tai nạn rồi cả bại liệt nữa…”.
Nghe lời ông Đô chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Minh Thắng, người có lẽ là duy nhất của xóm Trung Hậu còn bám trụ với cái nghề bạc bẽo này. Hơn 25 năm nay, ông Thắng cứ lặn lội đạp xe đi TP Vinh (Nghệ An) rong ruổi khắp các ngõ xóm rao bán muối. Ông Thắng cho biết, khản cả cổ rao có khi cả ngày cũng chẳng bán được lạng nào. Vất vả là thế, cực nhọc là thế, nhưng với ông Thắng, cái nghề này còn “an toàn” hơn đánh bắt thủy sản, muối để đó, hôm nay không hết mai còn bán được tiếp, nếu may mắn có thể bán hết 1 tạ đổi được 1 yến gạo về ăn.
Anh Phạm Văn Thành (SN 1991), cậu con trai thứ hai ông Thắng, có thâm niên 10 năm theo cha đi bán muối. Hai cha con, mỗi người gánh gồng hơn 10 tạ muối đi TP Vinh, Yên Thành, Tân Kỳ… rao bán khản cả cổ. Nghề bán muối đã như một cái nghề mà người dân từ đời này sang đời khác muốn níu lấy để kiếm cơm. 14 năm nay, hai cha con đã mang về những hạt gạo từ những gánh muối nặng trĩu này.
Như một tục lệ đã quen, cũng như câu nói từ xa xưa: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, người dân ở Diễn Vạn, Diễn Châu lại tất bật với những tạ muối nặng trên xe, xuất phát lúc 3, 4h sáng để kịp bán hàng.
Hầu như vào ngày đầu năm, ai ai cũng với quan niệm mua muối để may mắn, còn người bán mong muốn buôn may bán đắt, bán "dăm" yến muối là cái thông lệ lấy may cho một năm khó nhọc. Cứ như vậy, tiếng người rao bán muối lại réo rắt mỗi buổi sáng sớm mùng 1 Tết trên khắp các con đường, người bán người mua xởi lởi, vui mừng ngày đầu xuân năm mới.
Nếu như ngày bình thường bán hết 1 tạ với giá khoảng 500.000 đồng, thì đến dịp lễ tết, người mua thường mua nhiều hơn, mừng tuổi nhiều hơn nên giá 1 tạ muối từ 600.000 -700.000 đồng.
Những tạ muối đầu năm lại được người bán đưa đi, rao bán. Chiếc xe cà tàng mỗi năm một thêm cũ kĩ, bàn tay của người bán cũng thêm nứt nẻ vì muối, nhưng họ vẫn tiếp tục rong ruổi rao bán, mong ước những chuyến hàng đầu xuân thuận lợi, may mắn đầy ắp cho cả một năm khó nhọc…
Theo ĐSPL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.