Bali nỗ lực gìn giữ văn hóa bản địa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù là một điểm nóng du lịch, đón tiếp nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới nhưng Bali (Indonesia) vẫn giữ được các giá trị truyền thống độc đáo.

Những hình nộm khổng lồ được mang đi diễu hành qua các đường phố trước lễ hội Nyepi. Ảnh: Firdia Lisnawati/AP
Những hình nộm khổng lồ được mang đi diễu hành qua các đường phố trước lễ hội Nyepi. Ảnh: Firdia Lisnawati/AP

Dù là một điểm nóng du lịch, đón tiếp nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới nhưng Bali (Indonesia) vẫn giữ được các giá trị truyền thống độc đáo như ngày Nyepi. Tuy nhiên, để văn hóa bản địa không bị mai một là điều không dễ dàng.

Lúc bình minh, ở ngôi làng ven biển Seseh trên bờ biển phía Tây Bali, Putu và chồng bà là Made dành một giờ để đọc kinh và phân phát những chiếc giỏ nhỏ bằng lá đựng lễ vật để cầu sức khỏe cho mùa gặt sắp tới.

Cuối ngày, con gái 11 tuổi của họ sẽ tham gia lớp học “sanghyang dedari”, một điệu nhảy thiêng liêng dành cho các bé gái được thiết kế để chống lại các thế lực siêu nhiên tiêu cực.

Trong khi đó, 2 anh trai của cô sẽ trau dồi kỹ năng chơi xylophone bằng gỗ và trống cầm tay trong dàn nhạc “gamelan” truyền thống để chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành một ngôi đền Hindu mới. Đây là một trong hơn 10 nghìn ngôi đền trên đảo.

Trong những tuần tới, ông Made và các con sẽ giúp hàng xóm tạo ra những con búp bê “ogoh-ogoh” khổng lồ bằng gỗ, tre, giấy và xốp, tượng trưng cho sinh vật thần thoại tà ác. Những sinh vật này sẽ được mang diễu hành qua các đường phố và thắp sáng vào đêm hôm trước Nyepi, năm mới của người Hindu ở Bali.

Trong ngày Nyepi, mọi ánh sáng trên đảo đều tắt, phương tiện giao thông ngừng hoạt động và sân bay đóng cửa. Mọi người, dù là người Bali hay không, sẽ ở nhà và họ nghĩ rằng việc này khiến các linh hồn ma quỷ thấy trên đảo không có gì.

Sự bất thường

Niềm hy vọng của bà Putu về tương lai cũng giống như đại đa số người khác sinh sống trên đảo Bali, một hòn đảo nơi tôn giáo lai giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo dựa trên việc thờ cúng tổ tiên và thuyết vật linh có từ thế kỷ thứ nhất vẫn tồn tại, thậm chí còn phát triển mạnh trước làn sóng du lịch đại chúng.

Theo dữ liệu của chính phủ Indonesia, năm ngoái, 5,2 triệu người nước ngoài cùng với 9,4 triệu khách du lịch trong nước đã đến thăm Bali và hòn đảo này đang phát triển với tốc độ chóng mặt để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Những tác động tiêu cực của sự tăng trưởng vượt bậc như vậy được minh họa trong các bức tranh tường của nghệ sĩ người Bali Slinat. Ông đã kết hợp những bức ảnh mang tính biểu tượng của các vũ công người Bali với các biểu tượng đương đại như mặt nạ phòng độc và tờ USD.

“Những bức ảnh cũ này là hình ảnh đầu tiên được sử dụng để quảng bá du lịch ở Bali và truyền tải rằng đây là một nơi kỳ lạ. Họ đã khởi động ngành du lịch ở Bali” – nghệ sĩ Slinat nói với Al Jazeera - “Tuy nhiên, sau đó chúng tôi có quá nhiều du lịch và điều đó đã phá hỏng vẻ đẹp kỳ lạ của Bali. Vì vậy, tôi tạo ra tác phẩm nhại này để thể hiện rằng mọi thứ ở đây đã thay đổi biết bao kể từ khi những bức ảnh đó được chụp”.

Tuy nhiên, văn hóa và tôn giáo truyền thống của người Bali vẫn kiên cường trước sự tấn công dữ dội đó. Đây là điều bất thường so với các điểm nóng du lịch khác trên thế giới.

Theo kết quả của một nghiên cứu về tác động của du lịch đến văn hóa được công bố năm 2016 trên Tạp chí Du lịch, Khách sạn và Thể thao (có trụ sở tại Anh), khi người dân địa phương tiếp đãi khách du lịch, họ thích nghi với nhu cầu, thái độ và giá trị của khách du lịch và cuối cùng bắt đầu làm theo. Bằng cách đi theo lối sống của khách du lịch, giới trẻ sẽ mang lại những thay đổi về vật chất.

Tuy nhiên, Indonesia là một ngoại lệ - một đất nước mà “để thu hút khách du lịch ở xa, trẻ em nuôi dưỡng phong tục địa phương để tạo ra nền tảng vững chắc và đích thực của các thành phần văn hóa mà không phá vỡ các giá trị của tổ tiên”.

Không có chuyến bay nào ra vào sân bay quốc tế Bali vào ngày Nyepi và khách du lịch phải ở trong khách sạn. Ảnh: Fikri Yusuf/Reuters

Không có chuyến bay nào ra vào sân bay quốc tế Bali vào ngày Nyepi và khách du lịch phải ở trong khách sạn. Ảnh: Fikri Yusuf/Reuters

Là giảng viên về kiến trúc truyền thống tại Đại học Warmadewa ở Bali, ông I Nyoman Gede Maha Putra cho biết, các chính sách của chính phủ có từ những năm 1930, gồm chương trình giảng dạy ở trường học, sản xuất thực phẩm và đồ uống truyền thống. Bên cạnh đó, họ đầu tư vào các công trình tôn giáo vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và tôn giáo trên cái gọi là Đảo của các vị thần.

Ông nói thêm rằng, các quy tắc xây dựng được chính thức hóa vào những năm 1970 không cho phép tòa nhà mới nào cao hơn một cây dừa đã giúp duy trì cảm giác đặc biệt của đảo.

“Sắp tới, tất cả thanh niên của chúng tôi sẽ bắt đầu làm tượng giấy ogoh-ogoh cho Nyepi. Họ sẽ thích thú với quá trình này cũng như các cuộc diễu hành và cảm thấy tự hào khi khách du lịch nhìn thấy những gì họ đã làm ra”, ông Putra cho biết. Theo ông, mọi người ở đây tin tưởng rất mạnh mẽ rằng linh hồn tổ tiên họ đang sống xung quanh và các nghi lễ này là cách duy nhất để thể giao tiếp với họ.

Các nghi lễ diễn ra hàng ngày ở Bali, kể cả ở các địa điểm du lịch nổi tiếng. Ảnh: Ian Neubauer/Al Jazeera

Các nghi lễ diễn ra hàng ngày ở Bali, kể cả ở các địa điểm du lịch nổi tiếng. Ảnh: Ian Neubauer/Al Jazeera

Lo ngại sự mai một

Những người khác nói rằng chính khả năng thích ứng của văn hóa Bali đã khiến nó trở nên kiên cường.

“Văn hóa Bali không bất động”, giảng viên Khoa học chính trị Ketut Putra Erawan của Đại học Udayana của Bali cho biết, “nhiều lần nó đã cho thấy khả năng tự tái tạo lại chính mình thông qua những vấn đề và cơ hội mà chúng tôi gặp phải như du lịch, truyền thông xã hội, chủ nghĩa cá nhân và văn hóa đại chúng.

Người Bali đặt những chiếc giỏ nhỏ bằng lá cọ đựng đồ cúng xung quanh nhà, cánh đồng, đền thờ… Ảnh: Ian Neubauer/Al Jazeera

Người Bali đặt những chiếc giỏ nhỏ bằng lá cọ đựng đồ cúng xung quanh nhà, cánh đồng, đền thờ… Ảnh: Ian Neubauer/Al Jazeera

Nó tìm ra những cách mới để phù hợp với giới trẻ trong thời đại mới”. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng những hình dạng và cách thể hiện mới này không còn vững chắc như trước đây.

Theo giải thích của ông Erawan, ngày nay chúng ta gặp quá nhiều thông tin và chúng sai lệch. Điều đó có xu hướng thúc đẩy yếu tố bên ngoài của văn hóa, như chủ nghĩa tiêu dùng và thời trang, nhưng đó không phải là cốt lõi của văn hóa Bali.

Nhiều người quan tâm hơn đến việc ăn mặc như người Bali thay vì có đủ kiến thức để hiểu về văn hóa và tôn giáo phức tạp của nơi này. Những khách sạn nhiều tầng và chung cư cao gấp nhiều lần cây dừa đang mọc lên trên những cánh đồng lúa truyền thống của hòn đảo.

Theo Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.