Bài toán lớn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT đã nhanh chóng tạo nên “cơn sốt” trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Con số 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt chính thức; 13 triệu người đã dùng ChatGPT/ngày trong tháng 1/2023, gấp đôi so với tháng 12/2022 (theo số liệu của Similar Web), cho thấy sức hút đặc biệt của ứng dụng công nghệ này.

ChatGPT - sản phẩm do OpenAI phát triển - được ví như “cỗ máy biết tuốt” bởi khả năng đáng kinh ngạc trong trả lời, trò chuyện, tương tác với người dùng. Sở dĩ có khả năng này là do ChatGPT được đào tạo với kho kiến thức khổng lồ thu thập trên Internet nhiều năm nay và công nghệ AI máy học, học sâu của OpenAI.

Bất ngờ hơn khi mới đây, công cụ AI này đã đạt mức điểm C+ khi trả lời 95 câu trắc nghiệm cùng 12 câu hỏi tự luận - đủ điểm vượt qua các bài kiểm tra 4 khóa học ở ĐH Luật Minnesota; đạt mức từ B- cho đến B khi làm bài kiểm tra ở Trường Kinh doanh Wharton của ĐH Pennsylvania. Đây là 2 đại học danh giá tại Mỹ. Một giáo sư đã thử yêu cầu ChatGPT viết bài luận để làm hồ sơ xin học bổng và kết quả, sản phẩm hoàn thành trong chưa đầy 1 phút khiến ông sửng sốt vì “công cụ này viết và diễn đạt về mình còn giỏi hơn chính mình”.

Ra đời trong bối cảnh Internet và các thiết bị điện tử trở nên thông dụng, phổ biến, ChatGPT có thể đồng hành với con người mọi nơi, mọi lúc. Khả năng của thiết bị này bởi vậy cũng dấy lên những lo ngại bị con người lợi dụng cho mục đích gian lận, đạo nhái. Và một trong số những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất có lẽ là giáo dục. Trên thực tế, đã có học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT để đối phó với các bài tập được giao. Bởi vậy, một số đại học Mỹ đã tạm cấm sinh viên sử dụng công cụ này.

Chia sẻ về ChatGPT, PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CMC - cho rằng, về tác động với giáo dục, có thể nhận thấy một số thay đổi như: Hỗ trợ người học tìm kiếm thông tin nhanh chóng, cập nhật kiến thức mới; giúp giải quyết các vấn đề và bổ trợ về kiến thức; giúp học sinh, sinh viên tự học và tự tìm kiếm thông tin, học hỏi một cách tự nhiên qua cuộc trò chuyện. Về giảng dạy, ChatGPT có thể giúp thầy cô tăng hiệu quả công việc và tạo môi trường học tập linh hoạt, thú vị hơn. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần nâng cao khả năng truyền đạt kiến thức, thay đổi phương pháp đánh giá người học sau khi ChatGPT ra đời.

Bên cạnh đó, với ChatGPT, người học có thể dễ dàng truy cập, sử dụng thông tin giả hoặc không chính xác, từ đó dẫn đến học sai kiến thức. Người học có thể bị phụ thuộc vào công nghệ nên giảm khả năng tự học, tự suy luận. Về mặt công nghệ, ChatGPT sử dụng kỹ thuật học tăng cường kết hợp với phản hồi của người dùng, thông tin dùng để huấn luyện chủ yếu dựa trên wikipedia và các bài báo khoa học, vì vậy thường có độ trễ về kiến thức, không cập nhật tới điểm người dùng đặt câu hỏi.

ChatGPT cũng không có khả năng suy luận, không đủ thông minh và thiếu tri thức khi cố gắng trả lời những câu hỏi yêu cầu khả năng tư duy. Tuy nhiên, đây là sản phẩm mới ra đời, ChatGPT vẫn còn trong giai đoạn phát triển và sẽ còn nhiều thay đổi trong tương lai. Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, không nên có kết luận vội vã những tác động tích cực hay tiêu cực với giáo dục của công cụ này. Hãy cùng chờ một thời gian nữa để sản phẩm hoàn thiện hơn, từ đó có các điều chỉnh phù hợp.

Dù thừa nhận sức mạnh của ChatGPT, nhưng nhiều chuyên gia khẳng định công cụ này còn rất lâu mới có thể so sánh được với trí tuệ và không thể thay thế được năng lực sáng tạo của con người. Nhưng rõ ràng, sự ra đời của ChatGPT nói riêng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nói chung cũng đặt ra bài toán lớn cho giáo dục để làm sao bắt kịp sự thay đổi và tiến bộ công nghệ. Còn theo GS Trương Nguyện Thành, trí tuệ nhân tạo như ChatGPT là nỗi lo hay niềm hy vọng - câu trả lời tùy theo tâm thế của từng người trước sự thay đổi mà nó mang lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.