Bài toán “con cừu và thuyền trưởng“: Ý kiến giáo viên tiểu học

GD&TĐ - PGS.TSKH Trần Văn Tấn (Trường ĐH SP Hà Nội) cho biết: Đây là bài toán có tiếng vì bắt nguồn từ Gustave Flaubert - Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp.

Bài toán “con cừu và thuyền trưởng“: Ý kiến giáo viên tiểu học

Bài toán dựa vào phản ứng, đo độ trưởng thành

Nó xuất hiện trong một bức thư G.Flaubert gửi em gái của ông năm 1841, khi cô này đang học về Hình học và Lượng giác. Flaubert phát biểu bài toán dài dòng hơn các phiên bản sau này.

Có thể thấy ngay là bài toán đưa giả thiết một đằng nhưng lại hỏi một nẻo như để thử phản ứng của người học: Có học sinh sẽ phát hiện ra ngay sự bất cập trong nội dung đề toán, nhưng cũng có em lúng túng không biết xử lý ra sao, hoặc thậm chí có em vẫn cứ yên tâm thực hiện các thao tác tính toán hình thức và ra đáp số cụ thể.

Xét về phương diện giáo dục, dựa vào phản ứng của học trò, người thầy có thể đo được sự "trưởng thành" của người học. Bởi như đã nói ở trên, sẽ có em phát hiện ra ngay đề toán có vấn đề, nhưng cũng có em lúng túng; cá biệt  có em sẽ máy móc lấy 45 trừ 5 để ra kết quả là 40 tuổi.

Cũng theo PGS.TSKH Trần Văn Tấn, dạng câu hỏi như thế này có nhiều mức hỏi khác nhau, và đây là cách hỏi đơn giản nhất - tức là đọc đề có thể thấy ngay sự bất thường.

“Chúng ta phải rèn luyện cho học sinh có tinh thần cảnh giác với thông tin, rèn cho các em thói quen phản biện, có tư duy độc lập, bản lĩnh trong nhận thức. Có lẽ đây cũng là mục đích của tác giả đề toán này. 

Tuy nhiên, trong giáo dục còn có nhiều cách, nhiều con đường để hình thành các năng lực tư duy đó cho người học” - PGS. TSKH Trần Văn Tấn nhận định.

Nhiều ý kiến đồng tình

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, nhiều giáo viên tiêu biểu toàn quốc cũng tỏ ý đồng tình với cách ra đề toán rèn tư duy phản biện cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ (Trường Tiểu học Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, Kiên Giang):

Nhiều học sinh tiểu học ít khi đọc kĩ đề bài nên những bài toán như thế này, đúng như quan điểm của tác giả - Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Thực - sẽ khiến học sinh cảnh giác, từ đó tạo phản ứng đọc đề trọn vẹn, suy nghĩ thấu đáo trước khi làm bài.

Bài toán cũng góp phần nâng cao năng lực nhận thức và kĩ năng phát hiện vấn đề của học sinh, đặt biệt là cách tư duy phản biện - rất cần cho học sinh hiện nay.

Thầy giáo Tô Ngọc Sơn (Trường Tiểu học Chu Văn An, Cao Lãnh, Đồng Tháp):

Quả thật học sinh của tôi chưa được làm quen với dạng toán này. Cách ra đề như một kiểu “đánh lừa học sinh” nên có vẻ hơi khó với học sinh lớp 2 đại trà. Tuy nhiên, tới đây tôi có thể sẽ giới thiệu dạng đề mới tương tự như vậy với các em học sinh giỏi để làm quen.

Cô giáo Đoàn Thị Kim Tuyến - Tổ trưởng tổ 3, 4, 5 Trường Tiểu học xã Đoàn Kết (Đạ Huoai, Lâm Đồng):

Đây là cách ra đề toán mà dữ liệu và câu hỏi không lô gíc, cũng là cách rất mới lạ với học sinh lớp 2. Thường những bài toán dành cho lứa tuổi này cho biết cái gì thì hỏi cái đó.

Nhưng đây cũng là cách mới đòi hỏi học sinh phải thực sự tư duy, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến lứa tuổi của các em để ra đề phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ