Áp dụng linh hoạt
Thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Việc cho phép các trường có thể thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh trực tuyến hoặc thông qua các bài thực hành hay dự án học tập trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Đây cũng là hướng đi mới được nhiều nơi áp dụng từ năm học trước, sau khi có Thông tư 09/2021 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn việc dạy học trực tuyến.
Cũng theo thầy Cường, ngày 20/7/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT. Trong đó có hình thức đánh giá định kỳ và đánh giá thường xuyên. Mục tiêu phải đảm bảo đánh giá học sinh theo quá trình, đa dạng về hình thức đánh giá. Điểm đáng chú ý là thầy cô có thể đánh giá thông qua sản phẩm dự án học tập của học sinh. Qua đó, giáo viên cũng nêu rõ các tiêu chí và giao nhiệm vụ cho cá nhân hoặc nhóm học sinh.
Mô hình đánh giá qua bài thực hành/dự án học tập được áp dụng với các môn liên quan đến yếu tố thuyết trình. Có thể là một sản phẩm, bài tìm hiểu về chủ đề nào đó nên phù hợp các bộ môn như Công nghệ, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh… Đây là xu hướng rất hiện đại và cập nhật với xu thế về đánh giá học sinh trên thế giới. Qua bài kiểm tra đánh giá, câu chuyện không chỉ dừng lại ở điểm số mà còn thể hiện năng lực của học sinh, nhất là trong bối cảnh các em phải học trực tuyến do dịch Covid-19.
Ngoài ra, thầy Cao Cường cũng lưu ý: Việc áp dụng hình thức đánh giá này cần theo từng mức độ của học sinh. Với mỗi môn học và khối lớp khác nhau, thầy cô sẽ đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá. Với học sinh lớp 6, 7 tiêu chí sẽ nhẹ nhàng hơn so với khối 8, 9.
Kích thích tính sáng tạo của học sinh
Còn theo cô Hoàng Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khi triển khai kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua bài thực hành/dự án học tập, bản thân giáo viên phải nâng cao kiến thức chuyên sâu của mình để đáp ứng được yêu cầu môn học. Trong mỗi hoạt động dự án, ngoài những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học sinh sẽ có sự sáng tạo và trí tưởng tượng rất phong phú. Thông qua những hoạt động này, các em được trang bị kỹ năng chia sẻ, hợp tác, tự nghiên cứu. Đồng thời, để nộp bài/sản phẩm trên các ứng dụng trực tuyến (Azota, Padlet…) cho thầy cô, học sinh phải có kỹ năng công nghệ thông tin.
“Tại trường Trường THCS Thụy Phương, việc đánh giá học sinh thông qua bài thực hành/dự án học tập bám sát chương trình dạy học STEM. Từ áp dụng lý thuyết, các em sẽ được thực hành và thỏa sức sáng tạo hơn. Điều này giúp học sinh đỡ nhàm chán với những hình thức kiểm tra theo lối mòn. Trường triển khai mạnh ở một số môn như Mỹ thuật, Công nghệ, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Với môn Toán, học sinh có thể không cần trèo lên đỉnh của mái đình Chèm mà vẫn đo được chiều cao của cái cột đình thông qua các kiến thức Toán và cách đo độ bằng eke. Hoặc khi sáng chế ra máy sấy khô hoa quả, các em phải vận dụng các nguyên lý để biết sử dụng điện thế ra sao, đối lưu không khí thế nào thì hoa quả mới được sấy khô và giữ được lâu hơn. Dù mới là những nghiên cứu sơ khai ban đầu nhưng cũng rất đáng để động viên các em”, cô Lan nhấn mạnh.
Cũng là đơn vị áp dụng hình thức đánh giá học sinh qua những dự án học tập, cô Nguyễn Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay: Nhà trường sẽ căn cứ vào từng giai đoạn và đối tượng khác nhau. Việc này tương tự như cho học sinh nghiên cứu một vấn đề mang tính chuyên sâu hơn và cần nhiều thời gian hơn so với kiểm tra 45 phút. Với dự án ở môn Ngữ văn, học sinh có thể nghiên cứu về văn học địa phương hoặc chủ đề về một tác giả - tác phẩm lớn nào đó. Các em sẽ có thời gian để tự nghiên cứu và rút ra những kiến thức cần nhớ.
Nghiên cứu phải có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh về nội dung, mục tiêu của dự án. Các em có thể tham khảo rất nhiều các nguồn tài liệu khác nhau để phục vụ quá trình nghiên cứu, kể cả khảo sát, phỏng vấn. Kể cả môn Thể dục, học sinh có thể tìm hiểu về lịch sử của một môn thể thao nào đó rồi thuyết trình và gửi cho thầy cô. Giáo viên sẽ cho trưng bày, đánh giá nhận xét và đi đến kết luận. Từ đó thúc đẩy sự chủ động và tính sáng tạo của học sinh.