Bài thơ Tây Tiến - bảy mươi năm hành trình

GD&TĐ - Bài thơ “Tây Tiến” có một số phận đặc biệt, được đón nhận ngay, được yêu thương rồi cũng trải gian truân, chìm nổi như phận người…

Gia đình nhà thơ Quang Dũng (ảnh tư liệu)
Gia đình nhà thơ Quang Dũng (ảnh tư liệu)

Duyên cha – con

Khi sáng tác "Tây Tiến", cha tôi viết rất nhanh, ý tứ xuất thần, chắc hẳn cha tôi không bao giờ nghĩ sẽ có lúc bài thơ được đón nhận và yêu thương đến vậy. Trong một lần trao đổi với người con trai cả của mình là thầy giáo, nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh, tên bài thơ đã được bỏ bớt chữ Nhớ bởi theo ông: “ Chỉ cần hai chữ Tây Tiến đã gợi lên nỗi nhớ rồi”.

Mùa xuân năm 1947, khi ông tạm biệt gia đình đi Tây Tiến, ông không biết rằng phải đến gần 5 năm sau ( 1951) hai cha con mới được gặp mặt nhau tại khu rừng thông Thanh Hóa khi ông đã chuyển sang công tác khác. Ông đã lấy tên con trai Quang Dũng làm bút danh và đặt tên con là Quang Vĩnh.

Ảnh tư liệu gia đình nhà thơ Quang Dũng
Ảnh tư liệu gia đình nhà thơ Quang Dũng

Nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh là người đầu tiên phổ nhạc bài thơ tình Không đề của ông lấy nhan đề là Ta mãi là mùa xanh xưa. Giai điệu lãng mạn, dìu dặt không quá bi lụy và sang trọng, đúng như câu chuyện trong thơ của cha: “ Bỏ em anh đi/ Đường hai mươi năm dài bao chia ly… Có những vợ chồng không là trăm năm mà tình yêu thương…”.

Con phổ thơ tình của cha cũng là một việc xưa nay hiếm. Sau ba mươi năm cha tôi đi xa, không biết bao nhiêu lần tôi đã đọc Tây Tiến, mỗi lần đọc Tây Tiến là mỗi lần cảm xúc trong tôi ùa về khác nhau và có cả những tiếc nuối vì tôi đã không thể chia sẻ với ông sớm hơn như cách một tri kỉ để cùng ông đàm đạo.

Tôi đọc “Tây Tiến” và một số tác phẩm của cha khi tôi 14 tuổi và thực sự bị mê hoặc. Tôi trở thành độc giả mê thơ của cha mình mà chưa một lần thốt nên lời trước ông. Trong rừng kí ức về cha tôi – một chiến binh Tây Tiến- ( tôi thích hình ảnh và tên gọi này khi nhắc về cha) luôn hiện hữu một trái tim nhân hậu trong vóc dáng trượng phu.

Cuộc hành quân cuối cùng của hai người bạn

“Tây Tiến” là bài thơ được ông dành cho tình cảm thật đặc biệt, ông từng nói: “Tây Tiến là bài thơ mà tôi tâm đắc nhất”. Khi sáng tác bài thơ "Tây Tiến" cha tôi mới rời đơn vị Tây Tiến chưa lâu. Trung đoàn 52 Tây Tiến ra đời ngày 27.2.1947 là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công hiển hách góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi ba nước Đông dương.

Việc thành lập tổ chức mới của Đoàn Vũ trang tuyên truyền được cha tôi viết trong cuốn hồi kí thật cảm động với những tên người thật: “Đoàn vũ trang tuyên truyền từ nay sẽ đặt là Đoàn vũ trang tuyên truyền liên quân Lào - Việt. Đoàn gồm ba trung đội , hai trung đội chiến đấu Lào và Việt, một trung đội nhạc binh. Ban chỉ huy gồm một Đoàn trưởng , ba cố vấn của quân đội Lào, hai của quân đội Việt”.

Cuộc sống của người chiến sĩ những năm tháng cơ cực ấy biết bao gian nan vất vả. Trải qua bao khoảnh khắc mong manh sinh tử đã gắn bó tình cảm và xóa đi khoảng cách hai dân tộc cùng chung chiến hào đánh giặc. Với sức vóc của một chàng thanh niên 27 tuổi hừng hực tinh thần yêu nước, muốn chiến đấu, xông pha trận mạc, muốn cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước - “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Ông đã đưa được tinh thần ấy, sức trẻ ấy của ông và của cả một thế hệ thanh niên cùng thời vào thơ Tây Tiến. Tây Tiến là đứa con tinh thần vạm vỡ, tráng kiện của ông và đứa con tinh thần ấy đến nay đã tròn 70 tuổi thơ, sau khi trải qua nhiều trắc trở và cũng gây không ít hệ lụy cho cuộc đời ông.

Và thật cảm động, 70 năm sau chiến thắng Mường Láp ( 1945- 2015), Đại tá Nguyễn Xuân Sâm, cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến, đồng đội và là bạn thân thiết của cha tôi đã đích thân đưa bức tượng bán thân của cha tôi lên trưng bày ở nhà truyền thống khu Di tích lịch sử Lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Mộc Châu như một cuộc hành quân cuối cùng của hai người bạn.

Tượng đài Tây Tiến

Bài thơ Tây Tiến có một số phận đặc biệt, được đón nhận ngay, được yêu thương rồi cũng trải gian truân, chìm nổi như phận người… Năm 1988, sau 40 năm ra đời, Tây Tiến được công bố ở tác phẩm thơ in riêng “Mây đầu ô”, bạn bè và gia đình coi đây là niềm an ủi tinh thần với ông đúng khi ông từ giã cuộc đời.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu 

Tôi đã kính cẩn đặt cuốn “Mây đầu ô” lên ngực áo liệm của Cha với lời cầu mong ông còn kịp cảm nhận! Tại các địa phương nơi quân Tây Tiến hoạt động như Lạc Sơn, Mai Châu - Hòa Bình, Mộc Châu- Sơn La, Mường Lát -Thanh Hóa những tượng đài vinh danh trung đoàn 52 Tây Tiến lần lượt được dựng lên và ở mỗi tượng đài, thơ Tây Tiến được trích và khắc vào bia đá trang trọng như một chứng tích lịch sử của Trung Đoàn .

Ngày 26.10.2017, Di tích lịch sử Lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được xếp hạng di tích Quốc gia. Đây là sự tri ân xứng đáng của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Sơn La với Trung đoàn 52 Tây Tiến - đặc biệt là UBND huyện Mộc Châu nơi ghi dấu đoàn quân Tây Tiến anh hùng. Thật vinh dự khi công trình được lấy ý tưởng từ bài thơ "Tây Tiến" .

Tây Tiến, bảy mươi năm sừng sững một tượng đài.

…Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ