“Trời mưa bong bóng phập phồng”
Mẹ đi lấy chồng, con khóc mình con...
Lá trầu đã héo lại hon
Tơ duyên đứt đoạn sao còn nối dây?
Mẹ đành biền biệt chân mây
Bỏ con khóc ướt những ngày tuổi thơ.
Bơ vơ là cái ngóng chờ
Mồ côi là kiếp bụi bờ lang thang
Lá xanh rồi lại lá vàng
Thời gian bầm tím ngút ngàn lệ rơi...
Con giờ biết khóc mẹ ơi!
Thương thân cò gánh vạn lời đắng đau
Chơi vơi bến nước đục ngầu
Trăm năm gãy vỡ nát nhàu vầng trăng.
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời bình của Đặng Toán
Mượn lời người xưa, tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn chỉ thay bốn chữ “con ở với ai” bằng “con khóc mình con”, chuyển từ câu nói sang hình ảnh mà mức độ buồn tủi, xót xa, cay đắng của nhân vật xưng “con” như đã tăng lên rất nhiều.
Ở thời điểm diễn ra câu chuyện thơ, trong suy nghĩ của nhân vật trữ tình (đứa trẻ), việc người mẹ bước đi bước nữa là một việc làm quá ư vô lí, khó hiểu và không thể có một kết quả tốt đẹp được: “Lá trầu đã héo lại hon/Tơ duyên đứt đoạn sao còn nối dây?”.
Câu hỏi duy nhất trong bài và cũng chính là nỗi băn khoăn đến đau đáu của người con mà không thể có lời giải đáp, bởi không phải người mẹ không biết điều ngỡ như vô lí đó: “Mẹ đành biền biệt chân mây/Bỏ con khóc ướt những ngày tuổi thơ”.
Song dẫu con có “khóc ướt những ngày tuổi thơ”, có hờn dỗi, van xin năn nỉ thì cuối cùng vẫn phải chấp nhận hoàn cảnh thực tại của mình: “Bơ vơ là cái ngóng chờ/ Mồ côi là kiếp bụi bờ lang thang...”. Người ta thường nói, thời gian như có phép nhiệm màu, làm lành vết thương lòng, xoa dịu bao nỗi niềm xa xót.
Nhưng với nhân vật thơ lúc này lại là một ngoại lệ.: “Lá xanh rồi lại lá vàng/Thời gian bầm tím ngút ngàn lệ rơi...” Nước mắt vẫn không ngừng tuôn chảy và cõi lòng con chưa khi nào thôi tê tái. Nếu ở khổ một tiếng khóc mới rấm rứt “khóc mình con”, sang khổ hai tuy nó đã nhiều hơn “ướt những ngày tuổi thơ”.
Thì tới khổ thơ thứ ba, nước mắt đã như nham thạch quánh lại khiến cho thời gian bầm tím. Và như vậy nỗi đau khổ, cay đắng tưởng như không gì có thể so sánh được.
Có thể thời gian không có phép nhiệm màu, nhưng ít ra nó cũng đã cho nhân vật trữ tình hiểu ra được nhiều điều: “Con giờ biết khóc mẹ ơi/Thương thân cò gánh vạn lời đắng đau/Chơi vơi bến nước đục ngầu/Trăm năm gãy vờ nát nhàu vầng trăng.”
Vẫn có nước mắt rơi, song không còn là tiếng khóc của tủi hờn, trách giận mà lúc này nó là tiếng lòng xót thương, ân hận của nhân vật người con trước tình cảnh “đắng đau” mà nhân vật người mẹ đã phải gánh chịu.
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh: “Trăm năm gãy vỡ nát nhàu vầng trăng” và đó là một sáng tạo của tác giả. Những chữ, những từ gợi sự trường tồn, vĩnh cửu: “Trăm năm, vầng trăng” khi được liên kết lại bằng loạt động từ đồng nghĩa khác âm: Gãy, vỡ, nát, nhàu đã tạo ra hiệu quả bất ngờ: Vô vàn những khổ đau, đắng đót và cả những ê chề đã dồn dập giáng xuống tấm thân cò mỏng manh của mẹ.
Khi con hiểu được lòng mẹ, khi con biết xót thương mẹ thì có thể đã muộn mất rồi. Và bởi vậy câu thơ, bài thơ như có thêm sức ám ảnh, neo đậu trong tâm trí người đọc.
Có lẽ “Bài thơ gửi mẹ” là một tác phẩm ngắn song lại nhiều nước mắt nhất. Và thông điệp sẻ chia, yêu thương và cảm thông đã tìm được sự đồng cảm của độc giả khi nó được chuyển tải bằng những tác phẩm văn học giầu tính nhân văn, nhân ái!