Đồng hành cùng học sinh
Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa – giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 11/6 nhớ lại: “Ngày 1/12 mình được báo tin giáo viên bộ môn giảng dạy lớp mình chủ nhiệm là F0. Vậy là 40 học sinh lớp mình thành F1. Nhận tin từ tiết 2. Tiết 3 mình dạy xong lớp khác là quay về ngay lớp chủ nhiệm để nắm tình hình.
Đợi đến tiết 5 để nhận chỉ đạo của Ban Giám Hiệu sau khi BGH họp xong. Mình lên nhờ giáo viên đang đứng lớp dặn dò những điều quan trọng như thông báo các em được nghỉ học, khai báo y tế tại địa phương, tiến hành xét nghiệm, tự cách ly ở nhà trong 14 ngày, vì HS đã tiêm vắc xin mũi 2 nhưng chưa đủ 14 ngày”.
Trên nhóm Zalo của lớp, thầy Nguyễn Đình Hòa trao đổi với phụ huynh những thông tin quan trọng. Dặn các em về thay quần áo, tắm với xà phòng và nước nóng, súc hầu họng bằng nước muối hằng ngày, ăn uống đầy đủ, tránh ăn uống đồ lạnh, vận động thường xuyên...
“Rất may là tất cả phụ huynh và học sinh đều hợp tác rất tốt, dù có vài người hoang mang nhưng xử lí đều bình tĩnh, đúng quy trình nên ổn định được tâm lí sớm. Nguyên cả buổi chiều chỉ trực điện thoại, Zalo và Facebook. Có thể gần 2 năm đối phó với dịch bệnh đã khiến mọi người đủ hiểu biết để đối mặt và vượt qua những khó khăn” – thầy Hòa kể.
Kết quả xét nghiệm lần 1 của lớp 11/6: 100% âm tính. Hội phụ huynh nhanh chóng chia sẻ các thông tin liên quan. Học sinh gọi video với nhau để hỏi thăm. Nhà phụ huynh có điều kiện nhận giúp đỡ cho các gia đình không có điều kiện nên 100% học sinh lớp được cách ly tại nhà mình hoặc nhà bạn.
Tiết học Văn đầu tiên trở lại dạy học trực tuyến chỉ sau 2 ngày HS đến trường, thầy Hòa đã không thể dạy bài mới mà chỉ hỏi thăm sức khỏe của từng em, đúng nghĩa từng em một. 100% đều có sức khỏe tốt, trừ 2 em bị cảm nhẹ trước đó, tâm lí ổn định, điều kiện cách ly tốt.
“Tôi quyết định ra bài tập về nhà: Viết nhật ký cách ly. Cứ ba ngày chấm 1 cột điểm. Chấm nội dung nhật kí, cách sử dụng từ ngữ, suy nghĩ trải nghiệm của bản thân, những bài viết có cảm xúc, suy nghĩ tích cực sẽ có điểm cộng... Không hạn chế cách viết: trên giấy, trên facebook, trên file word, quay video..." - thầy Hòa cho biết.
Thầy Hòa nhận xét, những bài "tường thuật" cách ly của các em đều sinh động. Các em trải nghiệm và trưởng thành: biết tự dọn vệ sinh nơi cách ly, chăm sóc bản thân, tự làm đồ ăn, tự học, chia sẻ với bạn bè.... Có bạn tranh thủ thời gian luyện đàn, luyện vẽ, tập nấu ăn.... Các em suy nghĩ về người khác, cảm nhận về tình yêu thương của ba mẹ, người thân, bạn bè....
Những giọt nước mắt trưởng thành
Gia Khánh chia sẻ: “Nghe học online, kiểm tra online vui đấy nhưng tôi lại không vui như trước kia có lẽ thứ tôi cần nghe nhất lúc này là tiếng cười hò hét chứ không phải là tiếng phát ra từ chiếc điện thoại. Hai ngày cách li vừa qua vừa là khoảng thời gin tôi tự bảo vệ chính mình và cộng đồng cũng là lúc tới biết được tôi thích gì và ghét gì. Học online và cách li trong 1 phòng bốn bức tường chán thật đấy. Mà nhờ những lúc như này tôi mới thấy rõ được ba mẹ tôi bạn bè và thầy cô tôi quan tâm tôi như thế nào thật sự rất biết ơn những người xung quanh tôi".
Em Minh Quang đã có những trải nghiệm đáng nhớ khi thực hiện cách ly một mình tại một phòng trọ của nhà một bạn cùng lớp. Quang kể, lúc xách va ly đến điểm cách ly, “lòng tôi lâng lâng vui sướng vì nghĩ sắp được thoát khỏi những ngày tháng bị bố mẹ cằn nhằn, sẽ có những ngày tháng sống thoải mái…”.
Nhưng rồi Quang phải tự tay lau dọn phòng trọ để có một chỗ ở đủ sạch sẽ trong 14 ngày tự cách ly. “Đang ngủ tiếng chuông báo thức của điện thoại. Trong vô thức tôi lại kêu to: “Cho con ngủ thêm 10p nữa nha mẹ !”. Lúc này không ai đáp lại, tôi chợt nhận ra mình đã đi cách li và đang sống một cuộc sống tự lập, không có bố mẹ bên cạnh. Trong lòng tôi cứ thấy thiếu thiếu điều gì đó”.
Đi cách ly một mình, lần đầu tiên, Quang tự tay rửa chén bát: “Việc này, nếu là mẹ tôi thì có lẽ chỉ cần 1-2 phút có lẽ đã xong rồi. Không hiểu sao, dù tôi có rửa thế nào cũng sạch được như mẹ, tôi chỉ đành rửa lại 2-3 lần cho xong việc”.
Cậu con trai mới lớn chia sẻ chân thành về những khoảnh khắc “yếu lòng” khi nhận một hộp thức ăn trên bàn cùng lời nhắn của mẹ: "Con ăn uống đầy đủ và mang áo khoác vào nhé! Trời lạnh rồi đó!”. Tôi vẻ bên ngoài không bộc lộ ra nhưng thực sự trong lòng tôi lúc này rất nhớ mẹ rồi.
Tôi nhớ những bữa tối được ngồi ăn uống và nói chuyện với bố mẹ, giờ thì chỉ có một mình tôi với 4 bức tường trắng xung quanh. Tôi cứ thì thầm những chuyện trải qua ngày hôm nay như thể tôi đang ngồi với bố mẹ vậy. Nhưng thứ tôi nhận được cũng chỉ là âm thanh vang lại từ những câu nói của tôi. Không kiềm được cảm xúc mình, bỗng tôi rơi vài giọt lệ . Lần đầu tiên tôi khóc vì thiếu vắng đi hình bóng của bố mẹ" .
Nhật ký cách ly ngày thứ 4, Thanh Thảo đã chia sẻ cùng thầy giáo và các bạn về bộ phim Happiness. "Bộ phim lấy bối cảnh trong một chung cư, nơi có sự phân hóa giàu nghèo, nghĩa là giữa những người mua và thuê căn hộ để ở. Và trước tình trạng thế giới đang dần quen với bệnh dịch Corona thì lại gặp một căn bệnh truyền nhiễm khác. Tất cả người dân phải sống trong nỗi sợ hãi, buộc phải chiến đấu để sinh tồn. Nhờ vậy, mà lòng người, sự ích kỉ hay sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh đều được thể hiện qua sắc thái của nhiều nhân vật khác nhau.
Bên cạnh việc tranh giành quyết liệt để tồn tại, còn có những giây phút hạnh phúc, vui vẻ cùng những người thân bên cạnh, bảo vệ họ khỏi nguy hiểm và cùng chia sẻ thức ăn, nước uống,... Cũng nhờ căn bệnh này mà mọi người lại quý trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống hơn và những tình cảm, tâm sự, lời nói từ trước đến giờ được giữ kín thì bây giờ lại thổ lộ ra.."