Từng bị bạn bè kì thị ngoại hình
Ba trong số các trường An Khang được nhận và trao học bổng cho chuyên ngành Quản trị kinh doanh gồm: ĐH Rochester: Học bổng 7th Generation $13000 mỗi năm; ĐH Fordham: Học bổng Faber Award $ 44700 mỗi năm; ĐH Massachusetts Amherst: Học bổng Chancellor's Award $16000 mỗi năm. Tuy nhiên, chàng nam sinh Hải Phòng vẫn quyết định lựa chọn theo học Trường ĐH Vanderbilt để theo đuổi ước mơ.
Chia sẻ về lý do chọn Trường ĐH Vanderbilt, An Khang nói: “Mặc dù, em phải tự túc học phí cũng như các khoản sinh hoạt phí khi theo học ở Trường ĐH Vanderbilt do đó sau khi nhập học em sẽ cố gắng hết sức rèn luyện, học tập để dành học bổng khuyến khích học tập của trường.
Đồng thời, Trường ĐH Vanderbilt nằm trong top 18 trường tốt nhất ở Mỹ, đây là trường mà em đã mơ ước khá lâu trong thời gian học THPT do đó em mạnh dạn đưa ra quyết định từ bỏ các mức học bổng lớn từ ba trường đại học khác để theo đuổi đam mê của mình”.
Trước đó, em được giải Ba Toán thành phố năm lớp 11 và giải Nhì Toán thành phố năm lớp 12 và được vào đội tuyển thành phố tham gia kì thi học sinh giỏi Quốc gia. Ngoài ra, An Khang còn gây ấn tượng với khả năng tiếng Anh khi sở hữu 7.5 IELTS và 1500 SAT, cùng nhiều thành tích cao khác trong các kì thi Toán quốc gia và quốc tế.
Với thành tích “khủng” này, ít ai biết rằng, trong quá khứ, nam sinh từng có giai đoạn bị bạn bè trêu chọc vì ngoại hình, phải đối mặt với nhiều lời chế giễu dẫn đến tự ti, xấu hổ.
Đấu tranh với các vấn đề về ngoại hình, An Khang kể lại, em đã cố gắng thử các cách khác nhau để phù hợp với “tiêu chuẩn” và kỳ vọng của xã hội nhưng cuối cùng em nhận ra tầm quan trọng của việc tôn trọng bản thân và trở nên tự tin hơn.
Hợp tác với một vài người bạn trong lớp, nam sinh đã khởi xướng một chiến dịch chống lại sự phân biệt ngoại hình để chống lại các tiêu chuẩn sắc đẹp có hại và thúc đẩy sự tự tin , hướng dẫn cho các bạn tuổi teen gìn giữ sức khỏe tinh thần.
Chân dung nam sinh từ bỏ học bổng của ba trường đại học để du học tự túc. |
Đến vượt qua sự tự ti
Ngay từ khi nhen nhóm ý định đi du học, An Khang đã xác định rõ, việc xin học bổng Mỹ là vô cùng khó khăn vì phải cạnh tranh với rất nhiều thí sinh tài giỏi trên khắp thế giới. Điều này sẽ càng đặc biệt khó khăn hơn khi Khang muốn nộp hồ sơ vào các trường top cao của Mỹ.
Thêm vào đó, nhiều trường đại học ở Mỹ sẽ xem xét kĩ càng với nhiều tiêu chí khó khăn hơn khi cân nhắc 1 bộ hồ sơ có xin học bổng so với 1 bộ hồ sơ không xin học bổng.
“Một ví dụ đơn giản dễ hiểu là 2 bộ hồ sơ có thành tích, hoạt động ngoại khoá, bài luận có mức tương đương nhau, nhưng 1 bộ hồ sơ xin học bổng và 1 bộ hồ sơ không thì các trường bên Mỹ phần lớn là ưu tiên bộ hồ sơ không xin học bổng. Vì vậy, để có được học bổng từ các trường ĐH Mỹ, hồ sơ của thí sinh phải có những thành tích xuất sắc, nổi bật hơn so với các bộ hồ sơ còn lại và trong bộ hồ sơ đó phải có nét riêng, thể hiện được cái tôi của mình” – nam sinh phân tích.
Dành thời gian tìm hiểu kỹ càng, chuẩn bị dài hơi, hiểu rõ đâu là điểm yếu, đâu là thế mạnh của bản thân, An Khang chọn cách tham gia các hoạt động ngoại khóa và bài luận làm điểm nhấn, ghi dấu ấn trong quá trình nộp hồ sơ.
Cụ thể, nam sinh đã tham gia nhiều hoạt động tập thể và em cũng đã từng làm Leader của dự án EcoWay Project mùa 4. Đây là dự án bảo vệ môi trường biển và trồng rừng ngập mặn được diễn ra ở Đồ Sơn và Cát Bà.
Ngoài ra, em cũng tham gia chương trình quyên góp sách vở, quần áo cho trẻ em miền núi; tham gia dạy học miễn phí cho các trẻ em tiểu học qua dự án Tiny Things,…
Đặc biệt, em lấy chính câu chuyện của bản thân – người từng bị kỳ thị ngoại hình để làm nội dung bài luận chính và từ đó, em đã thành công xin học bổng của ba trường đại học danh tiếng trên nước Mỹ.
“Về bài luận, em chọn nói về sự phát triển của bản thân mình về thể chất lẫn tinh thần từ những năm học THCS cho đến những năm học THPT, cách em vượt qua những khó khăn trở ngại khi bị chê bai, nói xấu. Trong bài luận, em cố gắng nhấn mạnh những tác động bất lợi của việc phân biệt ngoại hình và ủng hộ một nền văn hóa hòa nhập và yêu bản thân” – An Khang chia sẻ.
Dù đã có giai đoạn chuẩn bị dài hơi, tìm hiểu kỹ lưỡng, song, An Khang nói rằng, em đã gặp phải những khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ.Khó khăn lớn nhất là cân bằng thời gian giữa việc học trên trường và làm bài luận, chuẩn bị hồ sơ nộp cho trường.
“Khoảng thời gian làm bài luận trùng với thời gian em ôn thi học sinh giỏi Quốc gia, nên việc cân bằng thời gian giữa 2 việc này rất là khó. Ngoài ra, những bài luận phụ của các trường bên Mỹ cũng là khá nhiều, điều đó khiến cho em phải viết nhiều hơn và chọn lọc từ ngữ một cách cẩn thận, nổi bật để có thể tạo ấn tượng với nhà trường.
Ý tưởng của những bài luận phụ của em cũng phải đa dạng, khác biệt với bài luận chính để như vậy mình mới thể hiện được nhiều góc, khía cạnh mới mẻ của bản thân hơn.
Hằng ngày em sẽ thường phải học từ 2 đến 3 ca môn Toán để chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi, nên phần lớn thời gian làm bài luận em sẽ dành vào ban đêm hoặc những hôm được nghỉ ngơi. Rất may mắn trong quá trình này em không có vấn đề gì về sức khoẻ do em may mắn được gia đình chăm sóc rất tốt.
Ngoài ra, em cũng tham khảo, xin ý kiến của các anh chị tiền bối chuyên Toán khoá trước cũng đi du học Mỹ và tham dự học sinh giỏi quốc gia về cách cân bằng được 2 việc này.
Đồng thời, em cũng tham khảo bài luận, xin lời khuyên của các anh chị tiền bối nên từ đó em đã có được nhiều ý tưởng mới mẻ, nhiều kiến thức kinh nghiệm quý báu để hoàn chỉnh bài luận của mình” – An Khang tự hào kể lại hành trình đầy gian nan.
Theo chia sẻ của cô Hà Thanh Duyên – giáo viên Trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng), Nguyễn An Khang là cậu học sinh thông minh, năng động sáng tạo. Em luôn có kế hoạch học tập cụ thể cho bản thân. Với sự thông minh của em, tôi tin em sẽ thành công với những gì mình đã chọn và phát huy được hết khả năng của bản thân”.