Ở Văn Lâm (Hưng Yên) có một địa danh được gọi là đất giai nhân, ấy là làng Ghênh xưa - nơi sinh của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (thời Lý), Thái phi Trương Thị Ngọc Chử (vợ Thế tử Trịnh Bính) và Thị nội cung tần - nữ sĩ Ngọc Trong.
Thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) vốn có tên là làng Ghênh, và trước đó nữa có tên là Siêu Loại. Không chỉ được xem là mảnh đất giai nhân, nơi đây còn là nơi phát tích những giai thoại bất hủ về tình yêu giữa bậc quân vương với thôn nữ quê mùa.
Dấu tích những huyền thoại ấy nay vẫn hiển hiện ở bãi đá cổ Từ Vũ họ Trương - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đã được xếp hạng.
Từ Vũ họ Trương
Trên mảnh đất nằm giữa cánh đồng Ghênh, bao quanh là những khu công nghiệp hiện đại là di tích bãi đá cổ Từ Vũ được xây dựng cách đây khoảng 300 năm. Ngôi đền thờ vị quan có tên là Trương Dự - phụ thân của Trương Thị Ngọc Chử, vương phi của Tấn quang vương Trịnh Bính.
Sau khi nhà Lê - Trịnh sụp đổ, Nguyễn Huệ về Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh được giao nhiệm vụ ở lại đã huỷ diệt các dấu tích liên quan đến nhà Trịnh. Ngôi đền Từ Vũ cũng là mục tiêu tàn phá khi bị đốt cháy ròng rã suốt 7 ngày đêm.
Những khúc gỗ còn sót lại, dân làng Gạo ven sông Ghênh đã xin về đủ dựng một ngôi đình làng. Ngày nay dấu tích ngôi đền chỉ còn lại một bãi đá nên người địa phương gọi là bãi đá cổ Từ Vũ.
Hiện tại, Từ Vũ có tổng diện tích khoảng 500m2, được bao bọc bởi dãy tường bao mới xây dựng lại từ năm 2001. Ngoài khu thờ chính, Từ Vũ có nhiều hiện vật bằng đá sắp xếp qua trục thần đạo từ cổng vào đến đền thờ. Từ lối đi ngoài khuôn viên là hai cột đá hình chữ nhật có kích thước cao 4m. Cột được tạo tác từ đá xanh, để trơn, là hai cột trụ của nghi môn Từ Vũ.
Cách hai cột đá một khoảng là tượng hai con chó đá, được tạc to khỏe, há mồm nhìn nhau hung dữ. Mỗi con cao 0,86m, dài 1,2m. Chó ngồi trên bệ đá rộng 0,8m, dài 1,4m. Hai chó đá như đang trong tư thế canh giữ, bảo vệ cho di tích. Tiếp đến là đôi rồng đá, có kích thước dài 1,2m, rộng 0,4m. Rồng được chạm khắc các vân mây và sóng nước, các đường chạm nông xoáy trôn ốc.
Liền kề đôi rồng đá là hai đẳng thờ bằng đá. Ngoài các đường viền thẳng, có dấu khoá kỷ hà ở các góc cạnh, không chạm khắc thêm loại hoa văn nào. Kế tiếp là hai pho tượng Phỗng đá được tạo trong tư thế quỳ và quay đầu vào nhau. Tượng đầu trọc, mồm rộng, ngực ưỡn, cao 0,95m.
Phía bên trong là hai tấm bia lớn. Tấm bia bên phải “Chương huệ hiển đức chi bi nhị Trương công tòng tự bi ký” có niên đại năm Cảnh Hưng thứ 3 (1741). Bia cao 1,8m, rộng 0,69m. Hai mặt bia đều ghi chữ Hán. Nội dung bia lược trích về thân thế của bà Trương Thị Ngọc Chử. Theo tư liệu di tích, bia ký và câu đối do Tiến sĩ Nguyễn Vĩ nhuận sắc, Tiến sĩ Nguyễn Kiều soạn.
Tấm bia đối diện là “Lưu ân di ái chi bi”, được làm năm Bảo Thái thứ 7 (1726), nội dung ca ngợi ân đức của cụ Trương Dự và gia đình họ Trương, mặt sau ghi lại những người đã góp công, góp của để tu bổ Từ Vũ. Bia do các đại thần trong triều lúc bấy giờ là Tiến sĩ Đặng Đình Tướng, Nguyễn Đương Bao và Nguyễn Hãng cùng soạn.
Ngoài ra, Từ Vũ còn có đẳng đá cao 1,6m, dài 2,2m, rộng 1m cùng 6 bệ đá được chia thành hai hàng đối xứng nhau. Phía sau là khu đền ba gian với ban thờ, cỗ ngai thờ cụ Trương Lục (ông nội bà chúa Trương Thị Ngọc Chử). Hai bên ngai thờ ông Trương Lục (bố bà chúa) và trưởng tộc Trương Lộc.
Quân vương gặp thôn nữ
Giới lịch sử đánh giá, Từ Vũ họ Trương là dấu tích ghi lại cuộc gặp gỡ, nên duyên của chúa Trịnh với cô gái họ Trương năm nào, đồng thời cũng là lăng mộ của dòng họ.
Ngoài giá trị nghệ thuật, nơi đây còn ẩn chứa giá trị sử liệu rất cao. Tuy nhiên, trước khi nói về Thái phi Trương Thị Ngọc Chử, ở đất Ghênh có một người con gái nổi tiếng sử Việt: Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.
Sự xuất hiện của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan trong lịch sử đậm màu sắc thi vị. Trong một lần vua Lý Thánh Tông và quần thần xa giá đi các chùa chiền miền Kinh Bắc để cầu tự, vua bỗng thấy một cô gái đẹp đứng nép trong bụi cỏ lan, vừa làm vừa hát. Cô gái quê mùa nơi thôn dã có tâm hồn trinh nguyên, hương hoa đồng nội. nhan sắc không cần phấn son, nhung lụa đã làm cho đấng quân vương cảm xúc mãnh liệt.
Vua Lý Thánh Tông đã cho vời cô gái vào cung, phong làm vương phi và đổi tên là Ỷ Lan (ngồi dưới gốc lan). Sau này Vương phi Ỷ Lan trở thành Hoàng hậu Ỷ Lan - người đàn bà nhiếp chính có một không hai trong lịch sử Việt Nam, góp phần giữ yên bờ cõi, yên lòng dân khi vua Lý Thánh Tông cầm quân chinh phạt nước Chiêm Thành…
Và 500 năm sau cũng ở mảnh đất làng Ghênh, có một mối duyên kỳ ngộ giữa Thế tử Trịnh Bính (1664 - 1702), sau được gia phong là Tấn Quang vương. Khi Trịnh Bính 18 tuổi đã cầm quân dẹp loạn, trong một lần ca khúc khải hoàn, đoàn thuyền chiến của Trịnh Bính ngự lại bên bờ sông Ghênh, và như một định mệnh và duyên số, Trịnh Bính đã gặp cô thôn nữ làng Ghênh – Trương Thị Ngọc Chử. Ngọc Chử hơn Trịnh Bính 2 tuổi, không nghiêng nước nghiêng thành nhưng có giọng hát và khẩu khí hơn người đã khiến Tấn Quang vương mê đắm.
Cũng có thuyết nói rằng, vào một ngày đầu xuân Trịnh Bính dùng võng lọng đi du xuân ở một số vùng ngoại thành, khi tới đất Như Quỳnh thì dân làng một số bỏ chạy, một số quỳ lạy. Trong khi đó, bà Trương Thị Ngọc Chử vẫn thản nhiên cắt cỏ ở khu vực Từ Vũ ngày nay, xem như không có chuyện gì xảy ra.
Trước thái độ coi thường như vậy, Trịnh Bính tới gần xem rõ sự tình, bà Chử vẫn thản nhiên tay cầm liềm cắt cỏ, miệng cất lên tiếng hát: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/Trăm hàng thảo mộc lai hàng tay ta/Mặc ai che tán che tàn/Ta đây mặc sức nghênh ngang cõi bờ”.
Giọng hát ngọt ngào của con nhà nghề đã làm Trịnh Bính nghe thấy lấy làm ngạc nhiên bèn cho gọi cô gái cắt cỏ tới và hỏi vì sao thấy kiệu chúa tới vẫn ngồi cắt cỏ và hát như vậy. Ngọc Chử trả lời: “Chúa ngự giá là việc của chúa, còn tôi cắt cỏ là phận của tôi, chúa hỏi để làm gì?”. Nghe câu trả lời khẳng khái và thấy bà đẹp người, tài giỏi, Trịnh Bính bèn tuyển làm cung phi.
Sau, bà Ngọc Chử sinh ra chúa Trịnh Cương thì bị mất sữa, chúa Trịnh Cương khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, ai bế dỗ cũng không được khiến cả phủ mất ăn mất ngủ. Khi ấy bà có cô em con dì ruột là Nguyễn Thị Cảo lấy chồng về làng Khe cũng vừa sinh con nên mời vào cung nuôi con cùng.
Bà Cảo thương chị thương cháu nhận lời, ai dè bà Cảo vừa đón cháu lên tay thì Trịnh Cương đã nín khóc đòi bú. Từ đó bà Cảo ở lại trong cung nuôi con nuôi cháu. Khi chúa Trịnh Cương lên ngôi chúa, tôn bà Ngọc Chử làm Thái phi, tục gọi là bà chúa Ghênh; còn bà Cảo làm phu nhân, tục gọi là bà vú Khe, nên dần có câu phương ngôn lưu truyền trong dân gian Ghênh đẻ, Khe nuôi.
Việc bà Ngọc Chử vào cung cũng được huyền thoại hóa qua thuyết “Đặt mộ vào cung”. Chuyện là vào thời Lê, họ Trương nhà nghèo, bán nước ven đường kiếm sống. Một hôm có vị đạo sĩ vào quán chỉ cho huyệt đất quý. Xong việc đạo sĩ chỉ bảo họ Lã ở đầu ngõ Hàng Nghiên.
Họ Trương tìm đến tạ lễ nhưng không có ai họ Lã, chỉ có miếu thờ Thuần Dương tổ sư, tên hiệu của Lã Đồng Tân, mới biết nhà được tiên ông ban phúc. Sau đó họ Trương sinh ra Ngọc Chử rồi duyên may gặp được Tấn Quang vương mê người mê nết và giọng hát hay được kén làm phi.
Nữ sĩ họ Trương
Theo gia phả họ Trương và các tài liệu liên quan thì từ nhiều đời trước dòng họ Trương đất Như Kinh (nay là Như Quỳnh) chuyên làm nghề xướng ca, đặc biệt nhờ tài năng vượt trội mà họ thường được lưu diễn trong phủ chúa, cung vua.
Hiện nay, còn một toà miếu cổ ở phủ Chí Nguyên thờ họ Trương, tại đây vua Lê Hiển Tông có làm đôi câu đối truy tặng như sau: Năm mươi năm, may áo diễn tuồng xưa, rực rỡ sân son truyền nghiệp đẹp/ Ức vạn thuở, tóc da ơn thấm đẫm, rành rành bút đỏ chép công to.
Khi về già, bà Ngọc Chử đã ngỏ ý với Trịnh Cương muốn xây đền Từ Vũ để thờ cụ thân sinh và 2 anh trai mình. Trịnh Cương vốn hiếu thảo, đã chuyên tâm xây ngôi Từ Vũ ở chính cánh đồng - nơi Trịnh Bính gặp bà Ngọc Chử, dựng cả nhà thờ họ Trương ở làng Lê Xá.
Cháu của bà Ngọc Chử là nữ sĩ Ngọc Trong cũng nổi tiếng không kém. Tương truyền bà là một Thị nội cung tần tài sắc vẹn toàn, là tác giả bản “Diễn ca thần tích” dài 606 câu nổi tiếng trong lịch sử văn học.
Gia phả “Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả”, hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, đời thứ 8 trong thế phả họ Trương, cha của Ngọc Trong tên là Trương Đôn Hậu, làm quan Chánh võ úy thời vua Lê - chúa Trịnh, lấy vợ họ Nguyễn, sinh được 6 người con (2 trai, 4 gái), và Ngọc Trong là con gái thứ ba trong số 4 con gái. Sau, Ngọc Trong được vào cung làm Thị nội cung tần. Theo suy đoán của giới nghiên cứu, rất có thể bà vào hầu trong phủ chúa Trịnh ở thời kỳ Trịnh Cương hoặc Trịnh Giang.
Tên tuổi và cuộc đời của Hoàng thái hậu Ỷ Lan triều Lý được biết tới một cách sâu sắc từ chính tác phẩm của nữ sĩ Ngọc Trong, là “Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn” (Văn diễn ca bằng quốc ngữ thần tích sao chép từ bản cổ Hoàng Thái hậu thứ ba triều Lý), gồm 558 câu thơ lục bát và hai bài kệ chữ Hán thể ngũ ngôn tứ tuyệt.
Bản thảo được hoàn thành vào tháng 8 (âm lịch) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 20 (1759), và rất có thể đã được khắc in, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy một bản in nào. Song nó vẫn tồn tại, nhờ được chép trong mục “Phụng lục bản tộc quý nữ” (Sao chép thuộc quý nữ trong họ) nằm trong cuốn “Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả”. Năm 2010, truyện thơ này đã được giới thiệu đầy đủ (có kèm theo bài giới thiệu tác giả và phần chú thích tác phẩm) trong cuốn “Các nữ tác gia Hán Nôm Việt Nam” do PGS. TS. Đỗ Thị Hảo làm chủ biên.
Từ tác phẩm này, hậu thế mới biết Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tên thật là Khiết Nương (nàng Khiết), cha là nông dân họ Lê, người thôn Thổ Lỗi. Năm Khiết Nương 12 tuổi thì mẹ mất, cha lấy mẹ kế họ Ðồng; không lâu sau thì cha cũng qua đời, Khiết Nương sống với mẹ kế. Hai người rất thương quý nhau.
Khiết Nương thường đi lễ chùa làng, cầu duyên. Năm Giáp Thìn 1064, vua Lý Thánh Tông đã 38 tuổi mà chưa có con, đến chùa Thổ Lỗi cầu tự, rồi cho tổ chức hội để tuyển cung nữ tại vùng quê này.
Trong khi mọi người nô nức đi hội, là con nhà nghèo, Khiết Nương vẫn đi làm cỏ ngoài ruộng. Một ông hàng dầu đi qua, trò chuyện với Khiết Nương, thấy ở trên đầu nàng có đám mây ngũ sắc, đã đoán rằng Khiết Nương sẽ là cung phi. Vua Lý Thánh Tông thấy Khiết Nương một mình bên đám cỏ lan, lấy làm lạ, đã cho gọi vào hỏi chuyện, rồi cho đón vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân.
Tại làng Ghênh xưa, nay là thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) còn ngôi đền Ghênh được xây dựng từ năm 1115 lưu giữ dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan - nơi bà được sinh ra vẫn còn bia đá Thạch Sàng. Vào ngày 25 tháng Bảy hàng năm, đền Ghênh mở hội để tưởng nhớ bà. Mặc dù di tích đã bị tàn phá do chiến tranh, nhưng năm 1989 địa phương đã dựng lại đền Ghênh trên mảnh đất cũ và rước tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan ở chùa Dương Xá về an vị.