Bạch hầu tái xuất

GD&TĐ - Bạch hầu là một trong vắc xin được Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai từ năm 1986. 

Bạch hầu tái xuất

Đến nay, căn bệnh này đã được kiểm soát với số lượng người mắc không đáng kể. Tuy nhiên, việc xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại Quảng Nam cho thấy vi khuẩn gây căn bệnh này vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng.

Người dân hoang mang

Căn bệnh này xuất hiện ở thôn 8A và 8B (Phước Lộc, Phước Sơn, Quảng Nam) khiến ít nhất 3 người chết và 10 người nhập viện. Những bệnh nhân trên đều có triệu chứng điển hình như sốt, ăn uống khó, sưng hạch cổ.

Theo ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, ngay sau khi nắm được thông tin về dịch bệnh, đoàn công tác của Sở Y tế đã đến hiện trường để tìm hiểu dịch bệnh và tìm cách khoanh vùng dập dịch. Tại địa bàn, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 trường hợp có triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó.

Cũng theo ông Hai, ngành Y tế ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh trên và 10 ca được điều trị ổn định. Thực hiện xét nghiệm ở 10/13 ca (do 3 ca không lấy được mẫu bệnh phẩm vì bệnh nhân và người nhà không hợp tác) đã có kết quả của 7 mẫu xét nghiệm, có 1 ca dương tính, đã được điều trị ổn định. 2 ca tử vong có kết quả âm tính.

Lý giải về việc nhiều bệnh nhân mắc và tử vong trong thời gian dài mà ngành Y tế mới vào cuộc, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Phước Sơn, Huỳnh Tấn Dũng cho rằng do thôn 8A và 8B nằm sâu trong rừng, giao thông đi lại khó khăn nên khi có 3 ca tử vong, người nhà đến chính quyền xã xin tiền mai táng mới biết.

Ngay sau đó, trung tâm đã tổ chức đoàn khám sàng lọc và vận động người bệnh đi chữa trị cũng như chuyển bệnh nhân nặng xuống bệnh viện tuyến dưới. Cũng theo ông Dũng, các trường hợp nhập viện đều có hạch vùng hầu, amidan bị sưng, cổ họng mưng mủ, khó khăn trong việc ăn uống. Hiện các bệnh nhân tại trung tâm đang được cách ly và điều trị bằng cách nâng sức đề kháng và uống thuốc kháng sinh.

Để dịch bệnh không lây lan, Trung tâm Y tế Dự phòng đã phun khử trùng, khử độc khắp trên địa bàn toàn xã Phước Lộc, đồng thời lập trạm dã chiến với gần 10 y bác sỹ ngay tại xã này để tổ chức khám, phát hiện và chữa bệnh kịp thời. Chính quyền xã cũng chốt chặt các ngả đường vào xã để người trong làng không ra ngoài và người bên ngoài không được phép vào khu vực này. 

Bệnh có thể phòng ngừa 

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong trong vòng khoảng 10 ngày sau khi mắc bệnh. 

Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng khi trẻ được 2 tháng tuổi, tiêm 4 mũi liên tục. Sau 10 năm nên tiêm nhắc lại để duy trì khả năng miễn dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.