Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TP Đà Nẵng đã chữa trị thành công cho 6/6 ca bệnh bị nhiễm Covid-19 và đã được xuất viện. Trong đó có 3 người nước ngoài, 3 người Việt Nam.
“Chúng tôi lo lắng nhưng không lo sợ”
Ngày 7/3, lần đầu tiên ngành Y tế Đà Nẵng phát hiện và tiếp nhận 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19, liên tiếp những ngày sau đó Đà Nẵng tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân khác nhiễm bệnh. Trong 1 tháng, ngày 10/4, bệnh nhân thứ 135 ở Việt Nam nhiễm Covid-19, và cũng là bệnh nhân thứ 6 nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng được bệnh viện Đà Nẵng chữa trị thành công và cho xuất viện. Một niềm vui và tự hào với các y bác sỹ ở Đà Nẵng, dù biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với họ, đây là một “cuộc chiến” đầy khó khăn và căm go.
Kể từ 1 tháng kể từ khi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên nhiễm Covid-19, tại nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 Khoa y học Nhiệt đới (bệnh viện Đà Nẵng), các y bác sỹ điều trị đã “đóng quân” nơi đây đã 1 tháng nay và chưa ai được về nhà thăm gia đình.
Bác sỹ Trương Thị Hoa - khoa Y học Nhiệt đới, tâm sự: “Đã một tháng nay, các y bác sỹ chúng tôi ở nơi đây chưa được về với gia đình. Giờ đây, khi ca bệnh cuối cùng được chữa thành công chúng tôi rất xúc động, mừng cho bệnh nhân được khỏi bệnh về với gia đình. Chúng tôi cũng có thể về với gia đình sau thời gian dài ở bệnh viện chữa trị cho các bệnh nhân. Tôi có 2 con nhỏ một đứa 6 tuổi và một đứa 3 tuổi. Một tháng nay, 2 con ở nhà với ba và ông bà nội chăm sóc. Thật sự giờ đây tôi rất nhớ con, nhớ gia đình”.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, bác sỹ Hoa cho rằng, đối với những bệnh nhân người nước ngoài, lúc bệnh nhân vào viện thì điều đầu tiên các y bác sỹ phải trấn an tinh thần các bệnh nhân.
“Trong số 6 bệnh nhân nhập viện điều trị, có 3 bệnh nhân người nước ngoài. Khi hai bệnh nhân quốc tịch Anh đầu tiên nhập viện họ tỏ ra rất lo lắng vì dịch bệnh, họ không muốn nhập viện trong thời gian quá dài. Nhưng hằng ngày, được các y bác sỹ và nhân viên y tế chăm sóc từ ăn uống cho tới sở thích, nên hai bệnh nhân lạc quan và vui vẻ điều trị. Khi ra viện, hai bệnh nhân cũng gửi lời cảm ơn các y bác sỹ rất nhiều”, bác sỹ Hoa chia sẻ.
Ngay sau khi tiễn bệnh nhân thứ 135 về địa phương, Bác sỹ chuyên khoa II Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học Nhiệt đới (bệnh viện Đà Nẵng) cho hay, bệnh nhân thứ 135 là ca bệnh thứ 6 mà bệnh viện Đà Nẵng chữa trị khỏi bệnh Covid-19, đây là thành công bước đầu, là nguồn động viên rất lớn cho những người làm trong ngành y tế của Đà Nẵng.
Bác sỹ Hàm cho rằng, dịch bệnh Covid-19 thì không ai tiên đoán được điều gì cả và cũng không biết khi nào hết dịch, diễn biến dịch như thế nào thì còn rất nhiều điều phải nói. Có thể chúng ta có những rủi ro ở phía trước, nhưng tâm thế các bác sỹ ở bệnh viện Đà Nẵng đã sẵn sàng “chiến đấu”, nếu có ca bệnh mới các y bác sỹ sẽ chữa trị, dù là ca bệnh nặng nhất.
“Đứng trước dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, trong lịch sử chúng ta chưa có dịch bệnh nào đặc biệt lan rộng trên toàn cầu như thế, không ai mà không lo. Nhưng chúng tôi lo lắng nhưng không lo sợ. Vì bên cạnh chúng tôi còn có nhiều người dân, lãnh đạo thành phố và ngành y tế ủng hộ. Chúng tôi 1 tháng nay chưa ai về nhà cả, chúng tôi gọi điện và nhắn nhủ những người trong gia đình ở nhà hãy yên tâm, vì công việc, vì trách nhiệm, chúng tôi sẽ cố gắng đem lại sự bình yên cho thành phố, cho đất nước. Khi tổ quốc gọi, chúng tôi sẽ sẵn sàng”, Bác sỹ Hàm chia sẻ.
Bác sỹ Hàm cũng thông tin, sau khi chữa 6 ca bệnh nhiễm Covid-19 xong, theo kế hoạch thì 45 y bác sĩ và điều dưỡng của Khoa Y học Nhiệt đới sẽ được đi cách ly y tế 14 ngày tại cơ sở cách ly tập trung.
“Giả sử trong thời gian này hoặc trong thời gian cách ly y tế, nếu có ca bệnh nhiễm Covid-19 mới ở Đà Nẵng, chúng tôi sẽ tiếp tục “chiến đấu” chữa trị cho các bệnh nhân”, bác sỹ Hàm thông tin thêm.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, phác đồ của Bộ Y tế
Trao đổi với GD&TĐ, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, bệnh viện Đà Nẵng rất may mắn khi gặp nhiều thuận lợi trong công tác điều trị bệnh nhiễm Covid-19.
“Trong quá trình điều trị, mọi vấn đề về chẩn đoán, xét nghiệm, tầm soát, tránh lây nhiễm cho các nhân viên y tế…thì chúng tôi thực hiện nghiêm quy trình của Bộ Y tế. Kết quả ngày hôm nay là bước đầu, chúng tôi rất vui mừng. Tuy nhiên, mọi điều vẫn còn đang ở phía trước. Vấn đề đối phó với dịch bệnh Covid-19 còn rất nhiều khó khăn”, bác sỹ Nhân nói.
Theo Bác sỹ Lê Đức Nhân, trong 6 ca bệnh ở Đà Nẵng, từ lúc vào viện đến lúc điều trị quá trình diễn biến rất thuận lợi, không có ca bệnh nặng nào cần phải hội chẩn với các chuyên gia. Nguyên tắc chống dịch bệnh thì ở bệnh viện nào cũng phải có phương án cụ thể. Tuy nhiên, ở Bệnh viện Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị chu đáo, luôn cập nhật các gala khuyến cáo, phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Tất cả trang bị y tế đều được chuẩn bị rất cẩn thận và đầy đủ.
Bác sỹ Nhân cho hay, trong quá trình điều trị các bệnh nhân, bệnh viện cũng bố trí riêng một khu để cách ly nhân viên y tế, trang bị đầy đủ điều kiện sinh hoạt cho y bác sỹ để thực hiện công tác chữa bệnh. Bên cạnh đó, tất cả những nhân viên y tế, các y bác sỹ khi tiếp xúc với bệnh nhân đều được bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi may mắn có được đội ngũ y bác sỹ trẻ rất xung kích, trách nhiệm. Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, bất kể mệnh lệnh gì thì các y bác sỹ đều vào cuộc. Các y bác sỹ trẻ làm công tác chuyên môn vẫn đi cắm trực ở chốt kiểm soát dịch. Điều này rất tuyệt vời khi có một lực lượng y bác sỹ trẻ và tâm huyết đến vậy”, bác sỹ Nhân nhấn mạnh.
Có thể nói, chữa trị thành công cho 6 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng là bước đầu trong quá trình điều trị bệnh. Dẫu biết là nguy hiểm, nhưng các y bác sỹ đã đón nhận và làm việc hết sức của mình để chữa trị thành công cho các ca nhiễm Covid-19. Đây là niềm vui của ngành Y tế, toàn thể người dân và lãnh đạo TP Đà Nẵng. Chúng tôi, là một người dân xin gửi đến lời cảm ơn và sự tri ân đến các y bác sỹ, những người đang ngày đêm “chiến đấu” với dịch Covid-19.