Bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch: Bệnh nhân khỏi bệnh là động lực để quên đi vất vả

GD&TĐ - Những bữa cơm ăn vội, giấc ngủ chập chờn và đôi tay da nhăn nheo vì thường xuyên dùng nước sát khuẩn, đeo găng tay cả chục giờ liền nhưng trên môi họ vẫn nở nụ cười, động viên nhau ngày chiến thắng sắp đến gần.

Bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch: Bệnh nhân khỏi bệnh là động lực để quên đi vất vả

Đi theo tiếng gọi của lương tâm

Ngay sau khi có lời kêu gọi y bác sĩ vào tuyến đầu chống dịch, anh Vũ Quang – bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia cùng đồng đội đã không do dự, tạm cởi chiếc áo blouse khoác lên mình thay bằng bộ đồ quân nhân xung phong vào TP Hồ Chí Minh để chống dịch.

Lúc đăng ký đi anh lặng lẽ không nói gì với gia đình, vợ con vì sợ họ lo lắng. “Sáng thứ 2, anh em chúng tôi lên đường, chủ nhật khi cả nhà đang ăn sáng, tôi báo tin tôi sẽ đi vào TP Hồ Chí Minh chống dịch vào ngày mai. Cả nhà bất ngờ, nhưng lúc đó tôi dồn cả nhà vào thế đã rồi họ chuyển từ trạng thái bất ngờ, lo lắng sang cùng nhau sắp xếp hành trang thiết yếu cho tôi lên đường”.

Bác sĩ Vũ Quang – bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia. Ảnh NVCC.
Bác sĩ Vũ  Quang – bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia. Ảnh NVCC.

Tạm rời Hà Nội với gia đình thân yêu, anh cùng đồng đội của mình vào TP. HCM với quyết tâm “không hết dịch không về”. Vào đến nơi, anh được phân công đến Trường mầm non Vườn Hồng cơ sở 2 ở đường 39/27A Dạ Nam – phường 2 - quận 8 – TP. HCM.

“Lúc đến nơi nhận nhiệm vụ, nơi ở của nhóm mình rất khó khăn. Bởi trường lâu không hoạt động, nhà vệ sinh, quạt bị hỏng, nước sinh hoạt không có. Lúc đó, không ai bảo ai mấy anh em bỏ balô xuống dọn dẹp để có chỗ sinh hoạt và làm địa điểm cấp cứu cho bệnh nhân khi cần”.

Anh Quang được phân làm tổ trưởng trạm y tế lưu động có 6 thành viên với nhiệm vị chính là: khám, điều trị, tư vấn, cấp cứu cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà và cấp cứu các bệnh khác. Đặc biệt, nhóm anh có nhiệm vụ đến tận nhà mẫu xét nghiệm, điều trị, theo dõi tình trạng và quản lý F0 điều trị tại nhà ở quận 8.

Bác sĩ Quang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Ảnh NVCC.
Bác sĩ Quang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Ảnh NVCC.

Mỗi ngày nhóm của anh điều trị cho 150 bệnh nhân F0, mỗi lần đi ngoài trang thiết bị cấp cứu cho bệnh nhân, các thành viên trong đội thay nhau vác thêm 1 bình oxy từ 8-15kg để hỗ trợ những bệnh nhân nặng cần thở oxy.

“Để có thể hoàn thành được khối lượng công việc, mỗi ngày trước 6h sáng tôi và đồng đội của mình đã phải hoàn thành công việc cá nhân. Đúng 7h, khoác lên người bộ đồ bảo hộ đi đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm cho F0, đến 14h chiều mới được về ăn cơm trưa. Từ 15h đến 20h tiếp tục khám, cấp cứu, phát thuộc điều trị cho bệnh nhân F0. Đến sau 20h cả nhóm sẽ thay nhau trực cấp cứu trong đêm đến 6h sáng hôm sau. Đây cũng là thời gian chúng tôi làm việc cá nhân như: tắm rửa, ăn cơm, hay gọi điện về cho gia đình một xíu”, anh Quang chia sẻ.

Tổ quân y lưu động được đóng tại Trường mầm non Vườn Hồng cơ sở 2 ở đường 39/27A Dạ Nam – phường 2 - quận 8 – TP. HCM.
Tổ quân y lưu động được đóng tại Trường mầm non Vườn Hồng cơ sở 2 ở đường 39/27A Dạ Nam – phường 2 - quận 8 – TP. HCM.

Ngoài khám chữa bệnh cho F0, chúng tôi cũng phải đồng hành với họ

Vốn xuất thân từ một bác sĩ quân y, bởi vậy anh luôn xác định cho mình khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì là phải nỗ lực hết sức, không ngần ngại gian khổ. Chính vì vậy, dẫu mỗi ngày anh cùng các thành viên trong đội chỉ có 1-2 tiếng làm việc cá nhân cho mình nhưng vẫn không một lời kêu than.

“Ngay từ khi xác định đi vào tuyến đầu chống dịch bản thân mình và các đồng đội cũng xác định tư tưởng sẽ rất vất vả, đây là cuộc chiến ác liệt. Dẫu không có súng nhưng vẫn sẽ có thương vong, chúng ta phải nắm tay nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau làm nhiệm vụ. Ngày chiến thắng sẽ đến gần thôi”, anh Quang cũng chia sẻ.

Đôi bàn tay da nhăn nheo sau nhiều giờ làm việc. Ảnh NVCC.
Đôi bàn tay da nhăn nheo sau nhiều giờ làm việc. Ảnh NVCC.

Nói xong, tôi nhìn xuống những đôi tay da nhăn nheo vì phải găng tay của anh và đồng đội, cùng với những đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ nhưng vẫn luôn nở nụ cười tiếp nhận các cuộc gọi của bệnh nhân đến nhờ tư vấn.

Anh Quang trải lòng: “Vất vả mấy chúng tôi cũng chịu được, miễn sao bệnh nhân có thể yên tâm, tuân thủ phác đồ điều trị để nhanh khỏi bệnh là động lực để chúng tôi quên đi mọi vất vả, khó khăn gặp phải”.

Để phác đồ điều trị có hiệu quả nhanh nhất có thể, qúa trình chữa trị, anh và đồng đội không chỉ tập trung tối đa vào chuyên môn để cứu chữa mà còn phải là người truyền cảm hứng, ý chí, nghị lực và niềm tin cho bệnh nhân của mình.

Bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch: Bệnh nhân khỏi bệnh là động lực để quên đi vất vả ảnh 5

“Nhiều bệnh nhân nghèo, khó khăn họ rất hoang mang, lo sợ lúc này ngoài khám chữa mình phải động viên để họ tin tưởng vào phác đồ điều trị và nhanh khỏi. Mỗi ngày điều trị, cấp cứu hơn 150 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân một vẻ, 1 hoàn cảnh khác nhau. Nếu tôi thấy trường hợp nào đặc biệt, tôi sẽ dành quan tâm nhiều hơn một tí, quá trình khám chữa tôi động viên, hỏi han kỹ hơn. Rồi hôm sau quay lại lấy mẫu tôi sẽ để ý xem tình trạng, tâm lý và hỏi thăm họ có khó khăn thiếu thốn thực phẩm, lương thực hay không để tìm cách giúp đỡ”, anh Quang chia sẻ.

Anh Quang kể, tôi nhớ có lần tôi cấp cứu cho một gia đình 10 người, có 3 thế hệ sống chung với nhau. Hoàn cảnh họ thương tâm vô cùng: hai ông bà vừa là F0 vừa bị đột quỵ không đi được, hai em bé trong nhà 3 tuổi và 6 tuổi cũng F0. Bố hai cháu bé không minh mẫn do trước đó bị tai nạn, nhà trong ngõ, chật hẹp khi vào cấp cứu cả tổ thực sự rất khó khăn”.

“Nhìn hoàn cảnh đó cả nhóm đã không cầm được nước mắt, đặc biệt nhìn đến hai em bé còn quá nhỏ, nó cũng chỉ bằng tuổi con tôi thôi, xót xa vô cùng”, anh Quang nói thêm.

Lễ xuất quân của anh và các đồng đội. Ảnh NVCC.
Lễ xuất quân của anh và các đồng đội. Ảnh NVCC.

Nơi anh Quang và đồng đội của mình công tác là tâm dịch của quận 8, nhiều bệnh nhân điều trị F0 tại nhà, chủ yếu là người nghèo, nhà sống trong ngõ, khó khăn trong việc đi vào. Chỗ sinh hoạt chật chội, có nhiều gia đình đông người bởi vậy quá trình cách ly người bị nhiễm và người không nhiễm cũng bị hạn chế như vậy dẫn đến họ rất hoang mang.

“Lúc này, tôi và đồng đội sẽ phải căn cứ vào tình hình để hướng dẫn họ làm sao hạn chế tối đa lây nhiễm cho nhau, làm như thế nào để họ có thể an tâm, không hoang mang, hoảng loạn mà chữa trị”, anh Quang nói.

Chuẩn bị sẵn tinh thần nếu mình là F0

Đó là chia sẻ mà anh Quang nói với tôi. Anh nói khi mình xác định xung phong vào tuyến đầu chống dịch là mình đã chuẩn bị tinh thần rất lớn để đối mặt với những rủi ro, thậm chí mình có nguy cơ là F0. “Bởi virus nó đâu chừa một ai đâu”, anh Quang cười hiền nói.

Để hạn chế rủi ro cho bản thân và đồng đội của mình, anh luôn dặn dọ mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch.  Đặc biệt luôn phải đoàn kết, đồng lòng và yêu thương nhau.

Những tin nhắn con gửi cho anh. Ảnh NVCC.
Những tin nhắn con gửi cho anh. Ảnh NVCC.

Được biết, từ ngày vào đây, bữa cơm của anh và đồng đội bao giờ cũng ăn vội. “Có hôm, làm liên tục từ sáng đến tối ăn cơm phải thay phiên nhau ăn. Thậm chí vừa bưng hộp cơm lên đang ăn, có bệnh nhân gọi cấp cứu lại bỏ xuống, cả đội khoác túi thuốc, mang bình oxy và chạy. Chuyện đó xảy ra thường xuyên với cả đội”, anh Quang nói.

“Nhiều hôm 1h sáng, mở máy điện thoại ra hàng chục cuộc gọi nhỡ, tin nhắn của đồng nghiệp, gia đình, người thân hỏi thăm mà mệt quá không trả lời được. Các con vẽ tranh, viết thư động viên bố, lúc đó đọc những tin nhắn đó tôi đã rơi nước mắt vì cảm động, vì nhớ con nhưng cũng là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi”, anh Quang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ