Bác sĩ – Nghề nguy hiểm

Bác sĩ – Nghề nguy hiểm

(GD&TĐ) - Gần đây nạn côn đồ, giang hồ tấn công bệnh viện xảy ra khá nóng. Đã có bác sĩ bỏ mạng do kiểu hành xử không tình người. Những màu trắng áo blouse thầm lặng, những con người lâu nay chuyên chạy đua thời gian để cứu người thì giờ có lúc phải chạy đua thời gian để cứu… thân!

Truy lùng bệnh nhân, “xử” luôn bác sĩ

Bác sĩ chạy đua cứu người nhưng nhiều lúc họ nhận hậu quả ngoài ý muốn
Bác sĩ chạy đua cứu người nhưng nhiều lúc họ nhận hậu quả ngoài ý muốn
 

Sự việc bác sĩ bị tấn công mới nhất vừa xảy ra tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định TPHCM. Một nhóm chừng 30 người lăm lăm mã tấu gậy gộc xông vào khoa này để “xử” một bệnh nhân vừa chuyển vào cấp cứu tại đây, dồn ép cô lập tập thể nhân viên y tế, bác sĩ vào một khu vực, ngăn cản công tác khám chữa bệnh nhiều giờ đồng hồ và khiến hàng trăm bệnh nhân khác bị một phen khiếp vía, nhiều người đang nằm thoi thóp cấp cứu cũng gắng gượng tháo chạy thoát thân. 

Câu chuyện xảy ra khi bệnh nhân Lê Hoàng Anh Tuấn (SN 1990, ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) được đưa vào đây cấp cứu. Liền ngay sau đó, một nhóm người  hơn 30 người xông vào bệnh viện đòi “xử” Tuấn trước sự bất lực của bảo vệ BV. Trước tình huống này, các bác sĩ phải đưa bệnh nhân đi lánh nạn. Tìm không có, nhóm người này lăm lăm hung khí, mã tấu… la hét chửi mắng, yêu cầu các bác sĩ phải giao nộp bệnh nhân Tuấn cho họ, nếu không sẽ “xử” luôn bác sĩ.

Quá khiếp vía trước sự manh động, các nhân viên y tế còn lại bỏ chạy tán loạn, sau đó họ bị dồn vào phòng trực rồi khóa trái chốt, chèn cửa cố thủ bên trong, có bao nhiêu vật dụng là giường, tủ, ghế đem ra chèn cứng cửa và nhất quyết “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Lãnh đạo bệnh viện đã gọi điện cầu cứu công an phường, cảnh sát 113 đến hỗ trợ. Tuy nhiên, với số lượng chỉ gần chục chiến sĩ, cảnh sát không đủ lực ngăn cản. Nhiều bệnh nhân đang cấp cứu hoảng sợ, được người nhà đẩy chạy tháo thân, nhiều bệnh nhân khác được đưa đến cửa Khoa Cấp cứu cũng không dám vào vì sợ vạ lây trước rừng gậy gộc, mã tấu.

Trật tự được vãn hồi khi có 30 cảnh sát của Công an quận Bình Thạnh được tăng cường tới. Khâu điều trị tại Khoa Cấp cứu bị gián đoạn gần 3 giờ. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, đây là vụ hỗn loạn lớn nhất trong quá trình khám chữa bệnh. Những tình huống bất ngờ thế này thì nhân viên y tế không có cách gì tự bảo vệ mình. 

Chạy đua thời gian để cứu… thân  

Cần tăng cường an ninh bệnh viện để bảo vệ sự an toàn cho đội ngũ y bác sĩ khi làm nhiệm vụ
Cần tăng cường an ninh bệnh viện để bảo vệ sự an toàn cho đội ngũ y bác sĩ khi làm nhiệm vụ
 

Sự cố tại BV Gia Định như gióng lên hồi chuông an ninh bệnh viện quá bất an.  Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải lần đầu tiên nhân viên y tế, bác sĩ bị tấn công, hành hung bởi những người quá khích, thiếu bình tĩnh, hành xử côn đồ. Khoa Cấp cứu của các BV là nơi thường xuyên bị kẻ quá khích, người nhà bệnh nhân đập phá, la lối, thậm chí tấn công tước đoạt tính mạng bác  sĩ.

Tại BV 115 TPHCM, từng có bệnh nhân say rượu vào cấp cứu đánh cả bác sĩ đang làm bệnh án. Cách đây hơn một tháng, tại BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, người nhà bệnh nhân đã tấn công Khoa Hồi sức tích cực khiến bác sĩ trưởng khoa rách vùng trên mắt, một bác sĩ khác rách giác mạc và vỡ kính cận, 2 y tá bị sang chấn vùng đầu, máy sốc tim và toàn bộ kính cửa bị đập vỡ.

Khắp các nơi từ Nam chí Bắc như các tỉnh Lâm Đồng, Cà Mau, Hưng Yên… xảy ra tình trạng bác sĩ bị rượt đánh, đập phá BV. Đau lòng hơn, phải kể đến vụ một bác sĩ bị đâm chết ngay tại nơi làm việc, một bác sĩ bị thương xảy ra tại BV huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cách nay hai năm.

Một bệnh nhân đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, không có mạch, huyết áp không đo được. Người nhà đưa ra “yêu sách” rùng rợn phải cứu cho được, nếu không bác sĩ sẽ bị đâm chết. Kiểu ngang tàng này khiến một bác sĩ khoa ngoại phải thiệt mạng oan uổng... 

Theo giới chuyên môn, hành vi hành hung bác sĩ là trái pháp luật, trái đạo lý nhưng thực tế xảy ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, xác định thầy thuốc là nghề “làm dâu trăm họ” nên các y, bác sĩ luôn phải cam chịu, thậm chí phải trải qua một vài lần va vấp thì mới có kinh nghiệm tự phòng vệ. 

Một bác sĩ công tác ở Khoa Cấp cứu một BV lớn tại TPHCM cho biết có chuyện như thế này thì mọi người mới biết mối nguy hiểm của những người làm cấp cứu phải hứng chịu. “Thật ra những chuyện cấp cứu bị uy hiếp là chuyện thường xảy ra, nhưng các lãnh đạo BV cũng như bộ ngành dường như chưa bao giờ xem trọng vấn đề này”, ông chia sẻ.

Bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương TPHCM, cho rằng gây rối BV không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ điều trị, đe dọa sức khỏe, tính mạng bệnh nhân mà còn tác động lên tâm lý của nhân viên y tế. Còn theo BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM,  trung tâm là nơi thường xuyên tiếp nhận người tâm thần và những đối tượng tội phạm cần được giám định nên vấn đề an ninh ở đây rất nghiêm ngặt. Để đối phó với các hành vi gây rối, cơ sở y tế cần tự trang bị biện pháp bảo vệ.

Bạo lực trong môi trường bệnh viện là điều trái đạo lý, lâu nay không thấy, sao giờ xuất hiện càng nhiều. Đề cập việc bác sĩ bị tấn công, nhiều bác sĩ tương lai đang còn học tại các Trường Đại học Y dược, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM còn có ý nghĩ rằng, có lẽ từ nay ngoài giờ đến lớp họ sẽ tranh thủ đi học võ để ngoài rèn luyện sức khỏe còn “có miếng” để phòng thân. “Ít ra rơi vào những tình thế này, mình không cứu mình là sẽ vô cùng nguy hiểm”, bạn Cao Lê Trung nói.

Giới chuyên môn cho rằng, bác sĩ đang đối diện với nhiều mối nguy hiểm trước những ức chế của người nhà và cả bệnh nhân.  Nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc là chuyên tâm vào chuyên môn, cố gắng chạy đua thời gian để cứu người. Thế nhưng, rơi vào những tình huống bất ngờ như trường hợp trên họ phải chạy đua để… cứu thân.

Công an quận 10, TP HCM và các BV trên địa bàn như Cấp cứu Trưng Vương, Nhi Đồng 1… vừa  ký kết thỏa ước an ninh liên quan đến cơ chế phối hợp giữa công an - BV. Các bác sĩ mong rằng việc ký kết này sẽ là cơ sở pháp lý cũng như thắt chặt hơn mối liên hệ về an ninh giữa công an với BV, xử lý tình huống nguy cấp.  

Đã đến lúc cần bảo vệ người thầy thuốc

Ths - BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, cho biết mỗi BV đều có quy chế phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh, tính mạng, tài sản… cho BV. Theo Bộ Y tế, hiện nay đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm đối với các trường hợp hành hung nhân viên y tế. Cụ thể, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ năm 2011) đã có những điều khoản quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ cũng như những hành vi nghiêm cấm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện đối với nhân viên y tế. Tại Điều 35, Khoản 3, luật này quy định: “Trong trường hợp khi thực hiện cấp cứu, người nhà bệnh nhân có lời lẽ đe dọa nhân viên y tế, nếu cảm thấy có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, nhân viên y tế được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất”. Tại Điều 6, Khoản 11 cũng có quy định: “Nghiêm cấm việc gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề”. Ở Điều 3, Khoản 6 thì quy định: "Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ”...

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ