Bác sĩ giải phẫu 30 năm ‘chuyện trò’ với tử thi

Rời phòng mổ lúc 5h sáng hôm sau, mệt nhoài vì mổ xuyên đêm với gần 10 thi thể, bác sĩ Thông hài lòng đã góp phần đem lại cái nhìn rõ ràng về bệnh tật hay mở ra một manh mối để giải vụ án phức tạp.

Bác sĩ Trần Minh Thông ở tuổi 62. Ảnh:Khánh Ly.
Bác sĩ Trần Minh Thông ở tuổi 62. Ảnh:Khánh Ly.

Đêm, phòng mổ lạnh lẽo, mùi xylen và formol đặc quánh không gian, bác sĩ Trần Minh Thông giữ cho đầu óc thật tỉnh táo để tìm sự thật về nguyên nhân bệnh tật từ những cái xác lạnh. Trung bình một ca mổ tử thi kéo dài hơn một giờ tùy độ phức tạp.

Bác sĩ giải phẫu thường rời phòng mổ bằng cửa sau bệnh viện, thậm chí khi mổ cần có người đứng ngoài bảo vệ. Công việc của một bác sĩ giải phẫu bệnh thầm lặng, đứng sau những vinh quang, ở khâu cuối cùng mà vô cùng then chốt trong quy trình khám chữa bệnh.

Bác sĩ ngành giải phẫu bệnh chuyên làm việc với bệnh phẩm sống để chẩn đoán nguyên nhân bệnh, đem đến ánh sáng của sự thật, căn nguyên của bệnh tật để từ đó định hướng điều trị.

Đôi mắt thâm trầm, vị bác sĩ hồi tưởng cái nghề của mình không mang vinh quang trực tiếp của người thầy thuốc chữa bệnh thành công và được bệnh nhân tri ân.

Bác sĩ Thông ví von ngành giải phẫu bệnh như thân cây, chữa bệnh lâm sàng là phần ngọn. Nếu phần thân lung lay thì theo thời gian, phần chữa bệnh lâm sàng khó phát triển bền lâu.

Niềm đau đáu của bác sĩ Thông là ít người trẻ chọn theo ngành giải phẫu bệnh vì con đường chông gai. Cần 10 năm để một bác sĩ thông thạo nghề, trong khi đội ngũ bác sĩ trẻ mới ra trường thường ít được khuyến khích, động viên phát triển nên dễ nản lòng và chuyển hướng.

Cái khó ở chỗ sự hợp tác giữa bác sĩ giải phẫu bệnh và bác sĩ lâm sàng chưa khăng khít để tìm ra tiếng nói chung.

Những năm trước, khi chưa có các thiết bị chụp X-quang cắt lớp 3 chiều, chụp CT hay cộng hưởng từ thì mổ tử thi, phân tích mẫu bệnh phẩm là cách để học tập rút kinh nghiệm, tìm ra cơ chế bệnh tật. Những năm đầu sau đổi mới, người Bắc đổ vào miền Nam và Tây Nguyên đi kinh tế mới khi đây còn là vùng rừng thiêng nước độc.

Trước tình thế nhiều người mắc bệnh sốt rét, Bộ Y tế buộc phải tìm nguyên nhân. Người bệnh chết vì sốt rét đều phải mổ tử thi để nghiên cứu. Có những đêm bác sĩ phải mổ đến 9-10 ca trong tình cảnh nơm nớp vì sự đe dọa của người nhà bệnh nhân.

Một đêm bác sĩ đang mổ cho ông cụ chết vì sốt rét, người con trai ông lão đạp cửa phòng giải phẫu, tay lăm lăm khẩu súng, mặt đằng đằng sát khí: “Ông mà mổ là tôi bắn”.

Bác sĩ phải chạy ra ngoài bằng cửa sau đến khuya im ắng mới dám quay về tiếp tục công việc. Anh con trai vốn đang đi bộ đội nghe cha mất về thăm được tin người ta đang mổ xác cha tức giận đi tìm lẽ phải.

Sau khi nhận thi thể cha được may lại thẳng thớm, đặt trong quan tài trang trọng đưa về nhà, anh đã hiểu ra công việc của bác sĩ và tìm đến nói lời xin lỗi.

Bác sĩ Thông trăn trở những năm gần đây tình hình bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ ung thư tăng vọt nhưng thiếu đội ngũ bác sĩ giải phẫu bệnh để nghiên cứu, cập nhật sơ đồ bệnh học.

Nhiều năm nay, dựa vào kết luận của bác sĩ giải phẫu, ngành y tế thành lập được sơ đồ bệnh tật để đưa ra được định lượng thuốc, vắc xin, thiết bị y tế… nhập về mỗi năm.

bac-si-giai-phau-30-nam-chuyen-tro-voi-tu-thi-1

Bác sĩ Thông cùng học trò. Ảnh:Khánh Ly.

Những kết luận của bác sĩ giải phẫu còn là mấu chốt để đưa ra lời giải những vụ án, phơi bày tội ác. Bác sĩ Thông nhớ lại một vụ án xảy ra vào dịp tết cách đây vài năm mà công việc của ông góp phần đưa ra lời giải.

Xác cô gái trẻ được vớt lên ở giếng gần chiếc lều vắng. Khám nghiệm tử thi cho thấy màng trinh còn nguyên vẹn khiến nhiều người loại bỏ nguy cơ một án mạng liên quan đến cưỡng hiếp.

Bằng kinh nghiệm 30 năm giải phẫu bệnh, bác sĩ nhận thấy có tinh trùng trong âm đạo nạn nhân và tiến hành cắt màng trinh giải phẫu.

Kết quả không nằm ngoài dự liệu khi màng trinh cô gái là màng trinh dạng thịt, cấu tạo sợi cơ có tính đàn hồi cao, lỗ màng trinh rộng nên không bị rách khi giao hợp.

Từ kết quả khám nghiệm đó, cơ quan điều tra lần ra đầu mối đây là vụ cưỡng hiếp và giết người phi tang xác xuống giếng. Xét nghiệm AND từ mẫu tinh dịch truy tìm ra dấu vết hung thủ, kẻ thua bạc khi đánh bài trong khu lều vắng thấy cô bé đi chơi lang thang gần đó đã nảy sinh hành vi phạm tội. "Bác sĩ pháp y không tuyên án nhưng gián tiếp vào công việc tuyên án nên trách nhiệm đặt lên đôi vai nặng nề", bác sĩ Thông chia sẻ.

Tốt nghiệp đại học Luật và là thạc sĩ kinh tế, bác sĩ Thông chọn nghiệp giải phẫu bệnh để theo đuổi mấy chục năm nay. Cảm nhận rõ những đóng góp của mình tuy thầm lặng mà vô cùng thiết yếu với ngành y tế chính là điều giữ ông lại với nghề nghiệp.

Bác sĩ thú nhận không ít khi chạnh lòng. Nhiều người lời ra tiếng vào với vợ ông, vốn cũng là bác sĩ, tại sao lại dám lấy một xác người đi mổ. May mắn vợ hiểu, động viên và tự hào về công việc của chồng.

Sau 34 năm theo nghề giải phẫu bệnh, bác sĩ không tham gia mổ nhiều nữa bởi chân yếu không đứng được lâu. Ở tuổi 62, bác sĩ ở vai trò cố vấn, truyền lửa với ngành giải phẫu học sang thế hệ sinh viên khắp các trường y với mong mỏi có đội ngũ kế cận nối tiếp con đường chông gai.

Nhiều thế hệ học trò say mê "ông thầy" bởi những bài giảng về bản chất và cơ chế bệnh tật được đúc kết từ mấy chục năm tiếp xúc với hàng nghìn mẫu bệnh phẩm và tử thi. Nhiều học trò từng theo thầy vào mổ chung, thấm thía và thương hơn nỗi nhọc nhằn thầm lặng của một bác sĩ giải phẫu bệnh.

Bác sĩ Trần Minh Thông sinh năm 1954 tại Nam Định. Hiện ông là Trưởng khoa Giải phẫu bệnh của bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng bộ môn Giải phẫu bệnh của Trường Đại học Y dược TPHCM và giảng dạy nhiều trường Đại học Y khoa khu vực miền Nam, ĐBSCL.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ