Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW:

Bắc Ninh hướng đến nền giáo dục tiên tiến, giữ vững tốp đầu cả nước

GD&TĐ - Những sáng tạo trong đổi mới đã đưa ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) Bắc Ninh giữ vững vị trí trong tốp đầu của cả nước, đặc biệt giáo dục mũi nhọn.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn dự khai giảng năm học mới 2023 -2024.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn dự khai giảng năm học mới 2023 -2024.

Xây dựng vững chắc nền tảng giáo dục

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT(Nghị quyết số 29 - PV) đã tạo sự lan tỏa cùng những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới GDĐT tỉnh Bắc Ninh.Trong bức tranh phát triển chung của tỉnh, ngành GDĐT Bắc Ninh trở thành điểm sáng với chất lượng giáo dục luôn đứng vị trí xếp hạng cao so với toàn quốc, đặc biệt nhiều năm giáo dục mũi nhọn trong tốp đầu cả nước.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 29 vào tình hình thực tế của tỉnh, trong 10 năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chủ trương. Đặc biệt là Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy về "Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2014-2020, định hướng 2030"; Nghị quyết số 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 - 2020".

HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành 27 Nghị quyết chuyên đề về GDĐT; UBND tỉnh ban hành 43 văn bản triển khai thực hiện các nội dung, chương trình về GDĐT. Trong đó có 16 Quyết định phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch, các quy định về thu, chi tài chính…, trong đó các mục tiêu phấn đấu đến 2025, GDĐT Bắc Ninh đứng trong tốp đầu cả nước; đến năm 2030, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực hội nhập quốc tế.

10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy, ngành GDĐT Bắc Ninh cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra; thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc và toàn diện cả về quy mô, chất lượng. Quy mô, mạng lưới trường lớp của tỉnh tiếp tục được mở rộng, bố trí hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang trao cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang trao cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc.

Bắc Ninh liên tục duy trì và giữ vững vị thế tốp 10 các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về GDĐT. Bắc Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất. Toàn tỉnh hiện có 506 trường với hơn 372.000 học sinh ở các cấp học. Trong đó, có 466 trường công lập, chiếm tỷ lệ 92,1%. 126/126 xã/phường/thị trấn trong tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ cho cán bộ quản lý, giáo viên được chú trọng, tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu. Bắc Ninh hiện có hơn 17.800 biên chế cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trường học với tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn trình độ là 96,7%; trên chuẩn là 40,6%.

Cơ sở vật chất trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng đồng bộ và hiện đại. 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 100% (tăng 17,9% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia và tăng 4,5% tỷ lệ kiên cố hóa phòng học so với năm học 2013 - 2014).

Công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm. Chất lượng Giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Đặc biệt trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Ninh luôn đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về điểm bình quân thi tốt nghiệp THPT, đứng thứ Nhất toàn quốc về tỷ lệ thí sinh dự thi đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Giai đoạn 2013 - 2023, toàn tỉnh có 559 học sinh đạt giải quốc gia (chiếm gần 80% tổng số học sinh tham dự); 12 lượt học sinh đạt giải khu vực, quốc tế. Tiêu biểu là năm học 2022 - 2023, Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ thí sinh đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia THPT, chiếm 90,8%. Trong đó, lần đầu tiên có học sinh đoạt giải Nhất môn Toán; môn Vật lý có 3 học sinh đoạt giải Nhất (trong đó có học sinh đạt điểm thi cao nhất toàn quốc).

Tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2023, tỉnh Bắc Ninh có 9 lượt học sinh được tham gia vào các đội tuyển Quốc gia dự thi đều đoạt giải (dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước) gồm 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng.

Với kết quả đạt được, nâng tổng số lượt học sinh Bắc Ninh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế giai đoạn 2013 - 2023 lên 16 lượt và đứng thứ 6 các tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc.

Bí thứ Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng lãnh đạo tỉnh, Sở GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm với học sinh đạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế.
Bí thứ Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng lãnh đạo tỉnh, Sở GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm với học sinh đạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế.

Qua đó, tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh Bắc Ninh, sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp GDĐT của tỉnh, sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự nỗ lực, phấn đấu học tập của các em học sinh.

Bên cạnh những kết quả nổi bật về chất lượng văn hóa, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên mang bản sắc quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc được coi trọng. Giáo dục con người Bắc Ninh ngày càng hướng tới phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Hướng đến nền giáo dục tiên tiến

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GDĐT khẳng định, Bắc Ninh đã chủ động cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW bằng các cơ chế, chính sách kịp thời, đồng bộ, cùng với sự tham mưu tích cực của ngành GDĐT và các sở, ban, ngành liên quan, sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, GDĐT Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, luôn là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào cả nước.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GDĐT phát biểu trong buổi tổng kết năm học 2022 -2023.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GDĐT phát biểu trong buổi tổng kết năm học 2022 -2023.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới GDĐT Bắc Ninh xác định mục tiêu duy trì chất lượng đứng trong nhóm đầu của cả nước một cách Toàn diện - Vững chắc - Vượt trội hướng tới nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, đáp ứng tốt yêu cầu Đổi mới căn bản toàn diện GDĐT đến năm 2025 và định hướng đến 2030, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới GDĐT.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Bắc Ninh không ngừng đổi mới về công tác quản lý, phương pháp dạy và học, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GDĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tăng cường tính thống nhất, dân chủ, quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐT.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho các đơn vị năm học 2022 -2023.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho các đơn vị năm học 2022 -2023.

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 29, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của mỗi cán bộ, giáo viên; sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo và đầu tư các điều kiện cho sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà.

"Bắc Ninh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên...”, ông Nguyễn Thế Sơn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.