“Thủ đô ta” là 3 từ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội, và chỉ riêng Hà Nội mới có hạnh phúc đó.
Ngay từ khi Thủ đô được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn làm sao để Hà Nội thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe về vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống “ngàn năm văn hiến” đáng tự hào. Người còn muốn lớp người tương lai cần cù học tập để xây dựng Hà Nội “hơn mười ngày nay”.
Những gửi gắm của Người
Ngày khai trường năm học đầu tiên của chế độ mới, Người đã viết thư gửi học sinh, trong đó nhấn mạnh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em!”
Sau khi hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (18/12/1954), Bác nói: “Nhiệm vụ chính của thanh niên học sinh là học”, “Ngày nay, ta được độc lập, tự do, thanh niên mới là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập”. Bây giờ học để “yêu Tổ quốc”, “yêu nhân dân”, “yêu lao động”, “yêu khoa học”, “yêu đạo đức”. Học để phụng sự “Tổ quốc, nhân dân”; “học phải đi đôi với hành”, “phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc… về tinh thần”; ngoài ra “tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ”.
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bác biểu dương các cô giáo, thầy giáo, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên “đều có tinh thần khắc phục khó khăn. Đó là một điều tốt”; dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài và đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”, “…phong trào thi đua “Hai tốt” ở đây làm khá…”.
Lần trước thăm trường, Bác nói: “vệ sinh ở đây còn kém!”, “nên trồng cây nhiều” nhưng hiện nay cây sống ít; nay “trồng cây nào thì phải chăm bón tốt cho cây đó”. Nhà trường “phải làm cho vườn của trường trở thành một vườn hoa, vườn cây tươi đẹp”.
Bác nhắc nhở: “Trước hết phải đoàn kết” “giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa cán bộ và công nhân, giữa nhà trường và nhân dân”; “toàn thể nhà trường phải kết thành một khối…”.
Với học sinh, Bác nói: “không nên học gạo, học vẹt”, “học phải suy nghĩ…, phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”, cần “giữ gìn kỷ luật cho tốt, phải sạch sẽ, gọn gàng. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chống lề mề luộm thuộm”.
Bác căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân dân, phải thật thà yêu nghề mình, có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội…”. “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng thầy giáo là người vẻ vang nhất”; “vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất là vẻ vang”.
Bác còn nói: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần góp phần vào công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “Tiên ưu, hậu lạc”, nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì phải hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng!”.
Bác nhắc nhở: “Trong mọi việc, việc dạy và học cũng thế, mọi người và các cô giáo, thầy giáo làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt” - vì “miền Nam luôn trong trái tim Người!”.
Bác dặn dò: “làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”.
Sau này, câu nói trên của Người còn được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội viết trang trọng trước tòa nhà chính ở cổng trường. Lời nhắn nhủ thiêng liêng đó mãi “ghi lòng tạc dạ” đối với những cô giáo, thầy giáo tương lai!
Một điều đáng để cho chúng ta cùng suy ngẫm: Trong những lần nói chuyện, gửi thư, viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng đặt hai từ “cô giáo” trước “thầy giáo”. Đó chính là sự tôn trọng và yêu quý của Bác với cô giáo nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.
Trí tuệ của Bác, con người của Bác, lòng yêu thương của Bác với “mọi kiếp người” thật đáng để cho các thế hệ của dân tộc Việt Nam noi gương và học tập!
“Thủ đô ta” phải gương mẫu!
Ngày 1/2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đảng bộ Hà Nội.
Bác nói: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mấy năm qua, Thủ đô Hà Nội cũng như toàn miền Bắc ta đã cố gắng nhiều và thu được thành tích khá trong mọi công tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”, “Trung ương rất vui lòng khen ngợi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và đồng bào Thủ đô ta”.
Về “giáo dục chúng ta đã xóa xong nạn mù chữ, đó là một thắng lợi to. Cần phải tiến lên nữa…”. “Giáo dục phải đi đôi với kỷ luật, để chấm dứt những thói xấu…”; “Cần phải chú ý nhiều hơn nữa việc giáo dục trẻ con”. “Việc giáo dục trẻ con, mọi người đều phải đóng góp một phần, nhưng Đoàn Thanh niên phải là người phụ trách chính, Đảng thì phải ra sức giúp”.
Bác luôn luôn nói đến thanh niên, “vì trong mọi công việc thanh niên ta luôn luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng”.
Cuối cùng, Người căn dặn: “Đảng bộ Thủ đô và đồng bào, trước hết là công nhân Thủ đô phải gương mẫu, làm đầu tàu, để đưa miền Bắc giành lấy thắng lợi”.
Trong năm học thứ 2 (1968 - 1969), trường chúng tôi (Đại học Tổng hợp Hà Nội) được đón bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đón năm học mới (16/10/1968).
Thư này được xem là “Di chúc” của Người gửi cho ngành Giáo dục.
Di chúc này không chỉ thể hiện tình yêu vô hạn mà còn là tầm nhìn “chiến lược” về sự nghiệp trồng người, về định hướng phát triển đất nước sâu sắc của Bác Hồ. Đó là “tài sản vô giá” của đất nước ngàn năm văn hiến với những giá trị “văn hóa, lịch sử và tinh thần” của dân tộc.
Những lời căn dặn của Bác là nguồn động lực lớn lao cho hàng triệu thầy giáo và học sinh, sinh viên ra sức nỗ lực vì đồng bào miền Nam thân yêu, tiếp tục thi đua “dạy tốt, học tốt” hơn nữa.
Bác yêu cầu trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền phải quan tâm hơn nữa đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo để đưa sự nghiệp này lên tầm cao mới.
Quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa thời đại, là nền tảng tư tưởng cho công cuộc đổi mới “căn bản, toàn diện giáo dục” của Đảng và Nhà nước ta hiện nay mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Sau khi đất nước thu về một mối, ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô lại cùng cả nước đưa sự nghiệp “trồng người” lên tầm cao mới: Xây dựng nhà trường khang trang, hiện đại và đào tạo nên một thế hệ “hậu sinh khả úy” - vừa hồng, vừa chuyên để góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội “hơn mười ngày nay”!
Trong 70 năm qua, ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô đã xây dựng nhiều phong trào sôi nổi như: “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”...
Gần đây (từ 2013 đến 2018), mục tiêu của ngành Giáo dục và đào tạo là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, xây dựng nhiều “trường chuẩn quốc gia” để Thủ đô Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về chất lượng giáo dục và đào tạo trong cả nước.
Năm 2023, ngành Giáo dục Thủ đô giữ vững vị trí lá cờ đầu trong các kỳ thi với 8 học sinh đạt giải quốc tế, 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp PTTH.
Trong 21 năm qua, Hà Nội đã vinh danh hàng nghìn Thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc được tổ chức hàng năm đã trở thành biểu tượng cho tinh thần trọng trí, trọng tài và truyền thống hiếu học của Thủ đô.
Chúng ta tự hào được sinh ra và lớn lên trong đất nước có truyền thống văn hiến, lại được học tập và làm việc tại Hà Nội - “trái tim của cả nước”, vùng đất hội tụ nhân tài Tổ quốc.
Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những người con ưu tú của Thủ đô đang ra sức cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô và đất nước.
Tự hào với những thành tựu của Thủ đô Hà Nội trong 70 năm qua, thực hiện hiệu quả những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô nguyện làm tất cả để Hà Nội xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của đất nước trên con đường Hội nhập, phát triển, toàn cầu hóa; cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh để đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”!
Thạc sĩ Võ Quốc Hiển sinh ngày 15/8/1949 tại Nghệ An. Ông tốt nghiệp khoa Sinh khóa 12 Đại học Tổng hợp Hà Nội (1967 - 1971), về công tác tại Trường THPT Lam Sơn và Trường THPT Hàm Rồng tỉnh Thanh Hóa, nay đã nghỉ hưu. Thầy được tặng thưởng nhiều bằng khen của tỉnh và các bộ, ngành về đào tạo học sinh giỏi quốc gia.
________________________________
Tài liệu tham khảo chính:
-Thư gửi cho học sinh - khoảng tháng 9/1945 - Hồ Chí Minh toàn tập. Trang 12 - tập 4- NXB Sự thật. Hà Nội - 1984
-Bài nói chuyện tại Đảng bộ Hà Nội - 1/2/1961. Hồ Chí Minh, Toàn tập T.10, Tr.268 - 272.
-Bài nói chuyện với giáo viên và học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương - Hồ Chí Minh toàn tập, T.7, Tr.398 - 399.
-Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.11, Tr.329 - 333.
-Đậm sâu tình cảm, tư tưởng của Bác Hồ với Hà Nội - Trần Công Huyền
Theo https://www.xaydungdang.org.vn
-“Di chúc” cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành Giáo dục - Lê Thị Kỳ (Bảo tàng Hồ Chí Minh) - Tạp chí Ngày nay. Số 398 (5/9/2024).
-Bác Hồ với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc 13/2/1969. Ảnh tư liệu