Theo đó, giáo dục phổ thông thi 4 môn là Toán, Ngữ văn (bắt buộc) và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ.
Với môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung (theo chương trình 7 năm) và tiếng Đức, Nhật (theo chương trình Đề án thí điểm).
Với giáo dục thường xuyên, thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.
Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần là đọc hiểu và làm văn. Đề thi môn Ngoại ngữ có 2 phần là trắc nghiệm và viết (thí sinh làm phần trắc nghiệm trước theo thời gian quy định rồi nộp bài, sau đó làm tiếp phần viết).
Theo Sở GD&ĐT Bắc Giang, việc tổ chức thi thử nhằm giúp học sinh làm quen với cách thức tổ chức thi, lịch thi theo quy chế mới của Bộ GD&ĐT; đồng thời làm quen với việc thi 2 môn trong buổi thi, học sinh không ngồi cố định ở một phòng thi trong quá trình tham gia thi tốt nghiệp THPT.
Cũng theo Sở này, việc tổ chức thi thử sẽ giúp học sinh làm quen với thời gian đã thay đổi với môn Ngữ văn và Toán, môn Ngoại ngữ với 2 phần trắc nghiệm và viết.
Thông qua thi thử, đánh giá đúng trình độ của học sinh trên cơ sở đó điều chỉnh việc dạy học, ôn tập cho giáo viên và học sinh. Đồng thời, các nhà trường trên cơ sở tổ chức coi thi, chấm thi thử rút ra kinh nghiệm để điều chỉnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức coi thi, chất lượng dạy và học, đề xuất các giải pháp, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện với Sở GD&ĐT.
Kinh phí học sinh phải đóng góp trong kỳ thi thử này là 6.000 đồng. Sở nghiêm cấm các trường thu thêm các khoản khác để phục vụ việc tổ chức thi thử.