Sở này chọn 5 khối để thi thử gồm A, A1, B, C, D. Đối tượng là học sinh đang học lớp 12 có nhu cầu thi thử tự nguyện đăng kí dự thi.
Các môn Toán học, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí thi theo hình thức tự luận (thi 180 phút/môn); các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tiếng Anh thi theo hình thức trắc nghiệm (với 6 mã đề/môn) – thi 90 phút/môn.
Cách tổ chức thi khá bài bản, theo đó, Sở GD&ĐT tổ chức ra đề chung ở tất cả các môn; có Hội đồng ra đề do Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập.
Mỗi trường THPT công lập thành lập một Hội đồng in sao đề thi do hiệu trưởng ra quyết định thành lập, chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng.
Mỗi trường THPT công lập là một Hội đồng coi thi, chấm thi do hiệu trưởng ra quyết định thành lập, chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng.
Sau khi chấm thi xong tất cả các môn, các trường phải thông báo rộng rãi kết quả thi cho giáo viên, phụ huynh và học sinh được biết.
Sở GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc sao in đề thi, việc bảo mật đề thi và quy trình tổ chức coi thi, chấm thi tại các hội đồng thi thử.
Theo Sở này, kỳ thi thử nhằm khảo sát chất lượng học tập 8 môn thi ĐH, CĐ (Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh) làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy - học và ôn tập trong thời gian tới.
Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh tích lũy kinh nghiệm, làm quen với quy chế thi, áp lực thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kĩ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Đánh giá năng lực học sinh, trên cơ sở đó tạo động lực giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập.
Kết quả thi giúp cho giáo viên có cơ sở khoa học để tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh lựa chọn trường đại học và cao đẳng để thi cho phù hợp năng lực và nguyện vọng của mình.