Ngày 6/12, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của tỉnh ước đạt 13,85%, dẫn đầu cả nước.
Quy mô GRDP đạt 207.000 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Sản xuất công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng. Dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Số lao động có tạo việc làm mới vượt 2,9% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 19.000 tỷ đồng, vượt 22,2% dự toán trung ương giao. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thứ 9 cả nước…
Năm 2025, Bắc Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,6%, GRDP đầu người đạt 4.900 USD, tỉ lệ hộ nghèo còn 0,9%...
Theo ông Lương Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, tỉnh tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị kết cấu hạ tầng các khu cụm công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, lao động chất lượng cao.
Về kinh nghiệm thu hút FDI, ông Nghiệp cho hay, nhiều năm qua tỉnh chuẩn bị sẵn hạ tầng đón nhà đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh thành lập các tổ công tác chỉ đạo, kiểm đếm công việc hằng ngày, tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp. Quy hoạch tỉnh sớm được phê duyệt tạo điều kiện để thực hiện đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng điện và khu, cụm công nghiệp.
Kết luận hội nghị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Mai Sơn nhấn mạnh, tỉnh luôn quan tâm cải cách hành chính, thể chế; thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là đầu tư hạ tầng.
“Đầu tư hạ tầng quan trọng lắm, hạ tầng tốt thì doanh nghiệp mới đến. Còn về nhân lực, khi doanh nghiệp kêu thiếu lao động, chúng tôi tổ chức ngay các đoàn đi các tỉnh vận động tìm nhân lực, gặp gỡ và đưa lao động chất lượng cao đến Bắc Giang làm việc", ông Mai Sơn cho hay.
Hiện UBND tỉnh Bắc Giang đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để hằng tháng gặp gỡ, trao đổi và kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Quy chế nêu rõ thời hạn cụ thể, yêu cầu kết quả, trách nhiệm của người phải xử lý, hạn chế bức xúc, vướng mắc của doanh nghiệp.
“Chúng tôi tập trung xúc tiến đầu tư từ chính các doanh nghiệp tại chỗ, chăm sóc tốt nhất có thể cho họ. Các doanh nghiệp đánh giá lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp giải quyết, chứ không phải sau khi lắng nghe xong thì giao cho các ngành, sau đó không để ý nữa. Không phải trên chủ trương mà trên thực tiễn, chúng tôi giải quyết ngay...”, ông Mai Sơn nói.