Bắc Giang, Hà Nội tăng tốc kích hoạt ứng dụng VNeID

GD&TĐ - Hà Nội và Bắc Giang đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Công an xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) hướng dẫn phụ huynh học sinh cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID.
Công an xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) hướng dẫn phụ huynh học sinh cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID.

Tăng tốc để về đích

Ngày 25/5, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, cho biết, sở phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn triển khai tuyên truyền hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030”.

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh niên, giáo viên, học sinh, sinh viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, tiện ích của tài khoản VNeID đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Việc sử dụng ứng dụng VNeID góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng cho biết, qua kế hoạch đã tuyên truyền rộng rãi, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản VNeID.

Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 331.358 công dân cài đặt và kích hoạt VNeID, số công dân trong độ tuổi chưa kích hoạt còn trên 1,2 triệu người.

Để đạt được mục tiêu trên, cũng như nhiệm vụ mà UBND tỉnh Bắc Giang giao, 3 ngành (Công an, Tỉnh đoàn, Giáo dục) cùng phối hợp chặt chẽ, triển khai một cách đồng bộ các giải pháp, biện pháp.

Qua đó, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên, giáo viên, học sinh, sinh viên vừa tự cài đặt thành công và kích hoạt tài khoản VNeID mức độ 1, mức độ 2, vừa hướng dẫn tối thiểu 15 người dân cài đặt, đăng ký thành công trong giai đoạn cao điểm triển khai kế hoạch phối hợp.

Đảm bảo 100% giáo viên, học sinh có tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2, được cài đặt, kích hoạt trên ứng dụng VNeID trước ngày 15/6.

Còn tại Hà Nội, nhiều xã phường đã hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip để đẩy nhanh đăng ký, sử dụng tài khoản VNeID.

Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an Hà Nội), cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, sau 2 tuần triển khai Mệnh lệnh 01 Công an quận Tây Hồ đã hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip, chỉ còn bổ sung các trường hợp phát sinh mới và hỗ trợ đơn vị bạn cấp cho công dân tạm trú. Công an quận Long Biên cũng sắp về đích khi đạt tỷ lệ gần 90%.

Công an quận Hà Đông đạt tỷ lệ khoảng 70%, Công an huyện Thường Tín đã có 9/29 xã, thị trấn hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip.

Đối với các đơn vị tiến độ chậm, Công an TP Hà Nội đã hướng dẫn nhiều phương pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ để kịp thời về đích trước ngày 30/6.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an TP Hà Nội) cũng cho biết, để nâng cao hiệu quả trong công tác cấp CCCD gắn chip đến người dân trên địa bàn, hiện các đơn vị đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo 06 cấp huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể.

Đoàn thanh niên phối hợp với lực lượng công an, trường học phục vụ cấp CCCD và kích hoạt định danh điện tử (VNeID).

Các đơn vị công an cơ sở đã triển khai nhiều buổi hướng dẫn công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử tại các trường học, khu dân cư.

Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội đang tiếp tục chủ động tham mưu cho Thành đoàn tổ chức ngày hội hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử, cấp CCCD gắn chip tại các trường đại học trên địa bàn thành phố vào các buổi sáng Chủ nhật hàng tuần.

Hướng dẫn VNeID cho phụ huynh, học sinh

Chiều 25/5, Trung tá Hồ Mạnh Tiến, Trưởng Công an xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội), cho biết, những ngày qua đơn vị tập trung lực lượng, đôn đốc nhân dân làm CCCD gắn chip.

Đơn vị cũng phối hợp các nhà trường để hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng tài khoản VNeID.

“Tiền Phong là địa bàn có mật độ dân số đông nhất huyện Mê Linh với khoảng hơn 21.000 công dân. Để thực hiện tốt Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2039” của Chính phủ, xã tập trung lực lượng, đẩy mạnh tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử giúp công dân có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, bảo mật dữ liệu...”, Trung tá Hồ Mạnh Tiến cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong, cho biết, xã chủ động tuyên truyền đến từng ngõ xóm nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của ứng dụng VNeID.

Công an xã Tiền Phong đã cung cấp khoảng 8.000 tờ tuyên truyền về triển khai thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử, lịch cấp tại công an và tờ rơi hướng dẫn cài đặt phần mềm VNeID trên điện thoại.

Theo lịch, Công an xã Tiền Phong làm việc từ 8 giờ đến 22 giờ 30 phút hàng ngày (cả ngày lễ, thứ Bảy và Chủ nhật).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sắp xếp công việc, Công an xã Tiền Phong làm bất kể ngày nào ngoài lịch đã thông báo về việc đăng ký, kích hoạt tài khoản.

Trung tá Hồ Mạnh Tiến nhấn mạnh, Công an xã Tiền Phong phối hợp với ban giám hiệu các nhà trường để tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh về việc sử dụng tài khoản xác thực định danh điện tử.

Đoàn Thanh niên hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID cho phụ huynh học sinh.

Đoàn Thanh niên hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID cho phụ huynh học sinh.

Vào các ngày họp phụ huynh cuối năm, Công an xã Tiền Phong cùng Đoàn Thanh niên xã đến từng lớp học triển khai hướng dẫn phụ huynh cài đặt, kích hoạt phần mềm VNeID trên điện thoại.

“Đến 25/5, chỉ còn 7 trường hợp trong độ tuổi cấp CCCD chưa thực hiện. Công an xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip cho người dân. Hiện còn khoảng 6.000 công dân chưa đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Đơn vị phối hợp đoàn thanh niên, trường học đẩy nhanh hướng dẫn, đăng ký sử dụng VNeID đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh học sinh và nhân dân trên địa bàn...”, Trung tá Hồ Mạnh Tiến nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.