Cuộc “cách mạng” về phương pháp giảng dạy
Nằm trong danh sách cán bộ, giáo viên được chọn bồi dưỡng cốt cán của Chương trình SEQAP, hơn ai hết, thầy Triệu Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Trung số 2 huyện Hiệp Hòa thấy rõ nhất những “cái được” khi tham gia chương trình này.
Thầy Hạnh tâm sự: Trước đây, giáo viên Trường Tiểu học Mai Trung số 2 rất hiếm khi thử sức tại các cuộc thi giáo viên giỏi, hoặc tham gia nhưng chưa bao giờ có giải. Danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh dường như là giấc mơ quá xa với đối với các giáo viên trong trường.
Tuy nhiên, sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn của SEQAP, giáo viên thực sự đã tự tin hơn, mạnh dạn tham gia và đạt các thành tích tốt. Cụ thể, đã có 2 giáo viên của trường đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh và 9 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp huyện.
Có thể nói, ở mỗi trường tiểu học được tham gia SEQAP đã thực sự mang đến “cuộc cách mạng” về phương pháp giảng dạy cho giáo viên trong trường. Các thầy cô tự tin hơn, chủ động, sáng tạo, tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời, dám tự chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của lớp mình.
Cũng qua tập huấn, bồi dưỡng, giáo viên có cơ hội nhìn lại quá trình dạy học, tự nhận ra hạn chế của bản thân để điều chỉnh kịp thời, quan tâm nhiều hơn đến khó khăn của học sinh, đặc biệt là học sinh yếu, kém; biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của học sinh trong các giờ học.
Không chỉ quan hệ giữa giáo viên với học sinh gần gũi, thân thiện hơn mà quan hệ giữa các đồng nghiệp cũng thêm gần gũi, có sự cảm thông gắn bó, chia sẻ khó khăn, sẵng sàng giúp đỡ, lắng nghe, công nhận sự khác biệt của nhau và khiêm tốn học hỏi lẫn nhau.
Với Trường Tiểu học Bắc Lũng, huyện Lục Nam, việc tham gia SEQAP đã thực sự mang đến cho nhà trường diện mạo mới, sinh khí mới: Chất lượng đội ngũ được nâng lên rõ rệt và có nhiều chuyển biến tích cực, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn tăng 14,9%.
Đặc biệt, việc đổi mới phương pháp dạy học với các kỹ thuật dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm được triển khai mạnh mẽ, thay đổi nhận thức của cán bộ quản lí và giáo viên về phương pháp dạy học, vận dụng thành công vào quá trình dạy học và giáo dục học sinh.
Thầy Vũ Trí Khôi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lũng, huyện Lục Nam - cho rằng, mọi đổi mới chỉ có thể thành công nếu “người đầu tàu” luôn gương mẫu và tiên phong.
Chính cán bộ quản lí là người sâu sát chuyên môn, hiểu được nguyên nhân của những khó khăn trong quá trình dạy học và giáo dục để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời giáo viên.
Quan hệ giữa cán bộ quản lý với giáo viên gần gũi, gắn bó, chia sẻ và thông cảm. Cán bộ quản lý là người giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển năng lực cho từng giáo viên, chứ không phải là người chỉ biết đánh giá giáo viên. Từ đó, giáo viên tôn trọng, nhiệt tình ủng hộ, tích cực, tự giác tham gia vào quá trình đổi mới nhà trường.
Biến “lạ” thành “quen”
Ông Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang khi đánh giá về tác động tích cực mà SEQAP mang lại cho giáo dục địa phương đã khẳng định:
Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cán bộ quản lý, giáo viên Bắc Giang đã thay đổi về nhận thức và tầm nhìn, nâng cao năng lực về nghiệp vụ quản lý nhà trường dạy học cả ngày, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; đặc biệt là kỹ năng tổ chức phối hợp các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp, tạo ra môi trường, cơ hội cùng học tập, cùng vui chơi cho các em.
Cán bộ quản lý các trường tiểu học đã linh hoạt, sáng tạo và chủ động hơn trong việc chỉ đạo thực hiện các hoạt động dạy học cả ngày, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức và trang trí lớp học, quản lý và giáo dục học sinh, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại trường, quản lý nhà trường khoa học và hiệu quả.
Đội ngũ giáo viên được nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ một cách rõ rệt. Giáo viên linh hoạt trong việc thực hiện nội dung, chương trình dạy học; mạnh dạn, tự tin hơn trong giảng dạy, những hạn chế của lối dạy học theo truyền thống được khắc phục thay vào đó là các phương pháp dạy học tích cực được giáo viên tăng cường áp dụng vào bài học.
Bên cạnh đó, ngoài dạy học, giáo viên có khả năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh nhằm hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực. “Đây là điều hoàn toàn mới lạ đối với rất nhiều trường tiểu học ở Bắc Giang trước khi có SEQAP” – Giám đốc Nguyễn Đức Hiền khẳng định.