Bắc Giang 3 năm dẫn đầu về xây dựng chính quyền điện tử

GD&TĐ - Chỉ số CCHC của tỉnh Bắc Giang đạt 88,54 điểm, trong đó, "Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số" tiếp tục dẫn đầu cả nước.

Đoàn kiểm tra tại bộ phận Một cửa phường Thọ Xương (TP Bắc Giang).
Đoàn kiểm tra tại bộ phận Một cửa phường Thọ Xương (TP Bắc Giang).

Sáng 24/4, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang cho biết, Bộ Nội vụ vừa công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022.

Theo công bố kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC cấp tỉnh, Bắc Giang đạt 88,54 điểm, xếp vị trí cao thứ 4 cả nước về Chỉ số CCHC năm 2022, tăng 3 bậc so với năm 2021. Đặc biệt trong 8 lĩnh vực đánh giá thì lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” tiếp tục dẫn đầu cả nước.

Tỉnh Bắc Giang đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số thành phần này với tỷ lệ điểm đạt 89,89%, cao hơn 0,28% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Vĩnh Phúc (đạt 89,61%).

Đây là lần thứ 3 liên tiếp Bắc Giang đạt ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số thành phần này. Một số địa phương khác cũng đạt kết quả khá cao là Quảng Ninh (87,31%), Đà Nẵng (87,44%) và Bình Phước là 89,55%.

Nhóm 10 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số thành phần "Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số" đều có kết quả dưới 70%. Tỉnh Cao Bằng có kết quả thấp nhất cả nước về Chỉ số thành phần này, chỉ đạt 59,35% và cũng là địa phương duy nhất có kết quả dưới 60%. Một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có kết quả thấp ở Chỉ số thành phần này là Bến Tre đạt 67,53%, xếp thứ 59/63; Sóc Trăng đạt 65,76% xếp thứ 60/63; Bạc Liêu đạt 61,57% xếp thứ 61/63.

Nhìn chung, các tỉnh này thường có tỉ lệ số hóa hồ sơ TTHC còn thấp, hồ sơ trực tuyến toàn trình còn thấp và hồ sơ thanh toán trực tuyến còn rất hạn chế.

Trước đó (ngày 12/7/2022), HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 11/2022 quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó có quy định giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến. Qua đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh là 823 dịch vụ công và đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đạt 79,15%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 69,28%. Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được đẩy mạnh. Hiện, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 51,15%, tỷ lệ TTHC số hóa kết quả giải quyết đạt 81,24%, tỷ lệ khai thác sử dụng lại tài liệu đạt 28,5%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ