Ba lợi ích của việc bắt thăm môn thứ 3 Kỳ tuyển sinh lớp 10

GD&TĐ - Việc đề xuất bắt thăm môn thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân với góc nhìn khác nhau...

Học sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Vân Anh
Học sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Vân Anh

“Việc bắt thăm môn thứ 3 được tổ chức công khai, minh bạch, có sự giám sát của người dân, tôi tin chủ trương này sẽ được triển khai hiệu quả ngay năm học tới”. TS Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình chia sẻ điều này khi đóng góp ý kiến liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.

Lựa chọn môn thi cần phù hợp định hướng giáo dục tổng thể

- Một số năm gần đây, ở không ít địa phương, phụ huynh và học sinh gần như có thể biết trước được môn thi thứ 3 trong kỳ thi vào lớp 10. Từ thực tiễn công tác quản lý, ông nhận thấy điều này có tác động thế nào đến dạy - học, chất lượng giáo dục?

- Mỗi môn học/hoạt động giáo dục đều có vai trò riêng, trong đó có môn học/hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi.

Giáo dục khoa học xã hội đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn…

Giáo dục khoa học tự nhiên giúp học sinh dần hình thành và phát triển năng lực khoa học tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống; kết hợp với giáo dục STEM là xu hướng được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới và được quan tâm trong đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam…

Môn Ngoại ngữ giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ, phục vụ cho học tập và giao tiếp, và hội nhập quốc tế của đất nước....

Vì vậy, việc tập trung quá vào một môn nào đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện, những hiểu biết nền tảng tối thiểu và định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này.

- Có thể thấy, trong kỳ thi vào lớp 10, Tiếng Anh là môn thi thứ 3 được nhiều địa phương lựa chọn. Hiện cũng có ý kiến cho rằng nên “chốt” môn thi thứ 3 là Tiếng Anh, nhất là trong bối cảnh Kết luận 91 của Bộ Chính trị có nhiệm vụ dần đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã có những đánh giá về vấn đề liên quan giáo dục nghề nghiệp như: Tỷ lệ học sau đại học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ còn thấp; trình độ ngoại ngữ của lao động qua đào tạo thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…

Kết luận 91 cũng đề ra 8 nhiệm vụ; trong đó có nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chú trọng các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…

Đây là những định hướng chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo để UBND các tỉnh/thành nghiên cứu, quyết định trong việc lựa chọn môn thi thứ 3 sao cho phù hợp với định hướng tổng thể nói trên; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; đảm bảo sự gọn nhẹ, hiệu quả với tinh thần dạy thật, học thật và thi thật.

ba-loi-ich-cua-viec-bat-tham-mon-thu-3-2-7644.jpg
TS Nguyễn Viết Huy. Ảnh: NVCC

Tạo tiền đề dạy, học nghiêm túc

- Với đề xuất đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến: Thực hiện bắt thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10, ông có đồng tình không? Vì sao?

- Việc đề xuất bắt thăm môn thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân với góc nhìn khác nhau là tín hiệu tích cực khi người dân đã tham gia ý kiến phản biện với các cấp quản lý, lãnh đạo trước một vấn đề quan trọng của ngành Giáo dục.

Với nhiều năm tham gia giảng dạy ở cấp THPT và công tác quản lý trong ngành, theo tôi, việc bắt thăm môn thứ 3 nếu được lựa chọn sẽ có những lợi ích sau đây:

Thứ nhất, tạo ra quy định khung thống nhất trong cả nước; làm căn cứ trong việc kiểm tra, đánh giá công tác quản lý ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, cũng như đánh giá mặt bằng chung trong quá trình dạy học của các cơ sở giáo dục.

Thứ hai, tạo sự bình đẳng tương đối giữa các môn học và giáo viên trong các cơ sở giáo dục mà vẫn không làm giảm đi vai trò của môn học cốt lõi; tránh học lệch, học tủ; tạo tiền đề cho việc dạy, học nghiêm túc ở các môn học; góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh các kiến thức nền tảng tối thiểu ở cấp THCS.

Thứ ba, về lâu dài, việc dự lệnh cho học sinh quan tâm đến các môn học có ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai sẽ giúp các em chú ý phân bổ thời gian học phù hợp để có nền tảng kiến thức, kỹ năng cơ bản, qua đó tạo tiền đề học tốt ở các cấp, bậc học cao hơn; đặc biệt là các môn Khoa học tự nhiên được đánh giá là môn khó, sử dụng nhiều trong các ngành nghề khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn… được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW.

Ngoài ra, không nên quá lo lắng cho việc bắt thăm môn thi thứ 3, vì trong những năm qua, khi tính tổng điểm các môn thì môn Toán, môn Ngữ văn thường được nhân hệ số 2; môn thứ 3 thường có điểm hệ số 1.

Nếu việc bắt thăm môn thứ 3 được tổ chức công khai, minh bạch, có sự giám sát của người dân thì tôi tin tưởng chủ trương này sẽ được triển khai hiệu quả ngay trong năm học tới.

Cần tuyên truyền sâu rộng để các bậc phụ huynh tin tưởng vào việc ngành Giáo dục cả nước có thể tổ chức một kỳ thi đảm bảo độ tin cậy, trung thực, theo hướng giảm áp lực, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện thắng lợi Chương trình GDPT 2018 ở các cấp học.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ